Làn sóng Omicron ở Thâm Quyến thách thức nỗ lực truy vết của Trung Quốc
Khi làn sóng bùng dịch do biến thể Omicron tràn vào Thâm Quyến, người dân ở thành phố này đã phải vật lộn để kiểm soát số ca nhiễm tăng cao chưa từng thấy.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong đợt bùng dịch mới nhất ở Thâm Quyến, nhiều người dân đã đổ lỗi cho những người đi lại trái phép từ Hong Kong đến thành phố làm lây lan virus. Mặc dù vậy, cho đến nay, thủ phủ công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã bác bỏ điều đó và từ chối xác nhận làn sóng dịch này đã bùng phát như thế nào.
Trong hơn 1 tháng qua, thành phố liên tục ghi nhận xu hướng lây nhiễm gia tăng. Việc yêu cầu xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày khiến một số người dân vô cùng mệt mỏi. Cô Guo Qiaoqiao, nữ doanh nhân liên tục phải xét nghiệm COVID-19 trong 25 ngày qua, chia sẻ cô không thể chịu đựng thêm.
“Giờ đây, Thâm Quyến dành rất nhiều nguồn lực cho việc xét nghiệm sàng lọc để theo đuổi chiến lược 'không COVID'. Tôi cảm thấy điều đó là không thể. Đợt bùng phát này được cho là lây lan từ Hong Kong bởi những người vào Thâm Quyến bất hợp pháp. Nhưng ngay cả khi giả thuyết đó không chính xác, có rất nhiều hoạt động giao lưu giữa hai thành phố, và chúng tôi không có cách nào ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm”, cô nói.
Sự lây lan rộng rãi của biến thể Omicron - đặc biệt là chủng phụ BA.2 - đã khiến việc truy vết nguồn lây của các đợt bùng phát là gần như không thể. Ông Jin Dongyan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết nhiều người, đặc biệt là những người đã được tiêm chủng, có thể đã bị nhiễm biến thể Omicron nhưng chỉ có ít hoặc không có triệu chứng.
“Các ca nhiễm Thâm Quyến có thể bắt nguồn từ Hong Kong hoặc không. Họ cũng có thể đến từ bất cứ đâu vì Thâm Quyến mở cửa cho tất cả các tỉnh và thành phố khác nhau ở Trung Quốc, không chỉ Hong Kong”, ông Jin nói.
Trong những tuần gần đây, nước này đã ghi nhận số ca mắc gia tăng trên khắp cả nước. Chỉ có một số khu vực - như Ninh Hạ, Tây Tạng và Tân Cương - không ghi nhận số ca mắc mới. Thượng Hải, một trong những hình mẫu phòng dịch thành công nhất cả nước, cũng ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm trong cộng đồng vào tháng này.
Trong khi đó, tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc đất nước đang phải chống chọi với đợt bùng dịch lớn nhất kể từ đợt dịch ở Vũ Hán. Giới chức đã ghi nhận trên 10.000 ca mắc trong làn sóng Omicron bắt nguồn từ 1 ca nhiễm nhập cảnh và bắt đầu lây lan âm thầm vào tháng trước.
Vào đầu tuần này, ông Zhang Yan, Phó Giám đốc Ủy ban y tế Cát Lâm, cho biết: “Lây lan âm thầm là một trong những đặc điểm của đợt bùng phát biến thể Omicron. Người nhiễm hầu hết không có triệu chứng hoặc có rất ít triệu chứng. Virus khó phát hiện ở giai đoạn đầu nhưng lại dễ lây lan trong cộng đồng, khiến việc truy vết và kiểm soát ca bệnh khó khăn hơn rất nhiều ”.
Giới chức y tế cho biết họ tin rằng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ hơn có thể hạn chế các đợt bùng phát hiện nay. Tuy nhiên, ông Jin cảnh báo rằng cách các trường hợp nhiễm Omicron không triệu chứng có thể khiến Trung Quốc phải đối mặt với một đợt bùng phát lớn hơn so với ở Cát Lâm.
“Những khu vực khác ở đất nước chắc chắn có thể đang chứng kiến virus lây lan âm thầm. Chỉ một ca mắc cũng có thể kích hoạt thảm họa. Khả năng là rất cao”, ông Jin nói.
Ông Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại khoa Nghiên cứu châu Á và quốc tế tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho biết Omicron có khả năng khiến Trung Quốc chìm trong một vài tháng khó khăn. Dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác, làn sóng Omicron có thể đạt đỉnh sau một vài tuần và tình trạng nhiễm bệnh có xu hướng giảm khi thời tiết ấm lên. Tình hình của Trung Quốc sau đó cũng có thể cải thiện.
Ông Thomas cho biết chiến lược “không COVID” đã giúp Trung Quốc có thêm thời gian để tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên giờ đây, họ vẫn cần phải thay đổi chiến lược của mình. Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 87% dân số, nhưng chủ yếu là bằng các loại vaccine có hiệu quả tương đối thấp trước biến chủng Omicron.
“Tôi nghĩ rằng dịch bệnh chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi nó trở nên tốt hơn. Nhà chức trách cần có chiến lược hiệu quả hơn để giảm bớt những xáo trộn do Omicron gây ra”, Thomas nói.