Làn sóng tăng lãi suất theo FED

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo sẽ có nhiều người lang thang trên phố nếu các nước không kiềm chế được lạm phát

Trong cuộc họp báo hôm 21-9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell thừa nhận điều mà nhiều nhà kinh tế đã dự báo trong nhiều tháng qua là "mục tiêu hạ cánh mềm" ngày càng khó xảy ra với kinh tế Mỹ. "Hạ cánh mềm" là tìm cách giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đủ để kiềm chế lạm phát nhưng không quá nhiều để tránh gây suy thoái.

Theo hãng tin AP, ông Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách của FED chỉ xem xét việc ngừng tăng lãi suất khi lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu 2%. Những nhận định trên được đưa ra sau khi FED hôm 21-9 tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %.

Trong nỗ lực giảm lạm phát đang ở gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980, FED đã nâng lãi suất liên bang lên phạm vi 3% -3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008, sau lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm %.

Các quan chức FED dự báo sẽ có thêm nhiều đợt tăng quy mô lớn, nâng lãi suất lên khoảng 4,4% vào cuối năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó. Con số này dự kiến tăng lên mức 4,6% trong năm 2023, đó sẽ là mức cao nhất kể từ năm 2007.

Theo Reuters, các quan chức của FED cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm mạnh xuống mức 0,2% trong năm nay nhưng sẽ đạt mức 1,2% trong năm tới. Tỉ lệ thất nghiệp được dự báo tăng lên 4,4% vào năm tới, từ mức 3,8% như hiện tại.

Người dân nhận túi thực phẩm hỗ trợ của chính phủ khi chi phí sinh hoạt tăng cao ở thủ đô Abuja - Nigeria hôm 20-9 Ảnh: REUTERS

Người dân nhận túi thực phẩm hỗ trợ của chính phủ khi chi phí sinh hoạt tăng cao ở thủ đô Abuja - Nigeria hôm 20-9 Ảnh: REUTERS

Ông Roberto Perli, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư Piper Sandler (Mỹ), cho rằng: "Dự báo của FED như một sự thừa nhận ngầm về nguy cơ xảy ra suy thoái".

Một ngày sau thông báo của FED, ngân hàng trung ương Na Uy đã tăng lãi suất lên 2,25% từ mức 1,75% và cho biết có kế hoạch tăng tiếp vào cuối năm. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % - lần tăng thứ hai trong 15 năm qua - và không loại trừ khả năng tiếp tục tăng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn giá cả leo thang.

Ả Rập Saudi và Bahrain đã nâng lãi suất 0,75 điểm % trong khi Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Anh đồng loạt thông báo đưa ra mức tăng phù hợp trong ngày 22-9.

Tại châu Á, Philippines và Indonesia cũng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, ngay sau khi ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo duy trì mức lãi suất cực thấp, đồng yen đã rớt giá mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua với 1 USD đổi 145 yen.

Tỉ giá giao dịch giữa đồng USD với các đồng tiền khác từ AUD (Úc), NZD (New Zealand) đến đồng nhân dân tệ (Trung Quốc), đồng won (Hàn Quốc), cũng như SGD (Singapore) và đồng baht (Thái Lan) cũng được ghi nhận đạt mức cao mới trong ngày 22-9 (giờ địa phương).

Cùng ngày, thị trường chứng khoán châu Mỹ, châu Âu lẫn châu Á đều ghi nhận phiên giao dịch giảm điểm sau tuyên bố của FED. Ngược chiều là giá dầu, khi giá dầu Brent có lúc tăng lên 90,24 USD/thùng và giá dầu WTI cũng tăng lên 83,3 USD/thùng. Riêng giá vàng thế giới giảm khi giao dịch quanh ngưỡng 1.674 USD/ounce.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo "sẽ có nhiều người lang thang trên phố" nếu chính phủ các nước không hành động để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất khỏi lạm phát. Bà Georgieva nhận định với đài CNN rằng các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc tăng lãi suất trong nỗ lực chống lạm phát.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lan-song-tang-lai-suat-theo-fed-20220923081051146.htm