Làn sóng tinh gọn ở khối doanh nghiệp

Tái cấu trúc bộ máy, cơ cấu quản trị là bài toán lớn mà nhiều doanh nghiệp phải giải quyết trong bối cảnh công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang định hình lại doanh nghiệp hiện đại.

Các doanh nghiệp đang tái cấu trúc bộ máy, tinh gọn để hoạt động hiệu quả hơn trong kỷ nguyên số

Các doanh nghiệp đang tái cấu trúc bộ máy, tinh gọn để hoạt động hiệu quả hơn trong kỷ nguyên số

Tinh gọn để tối ưu

Sáng nay (28/3), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, nhằm thông qua phương án sáp nhập Tổng công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (PTC) - đơn vị phụ trách vận tải, vào tập đoàn mẹ. Không kể cuộc họp định kỳ thường niên thường tổ chức vào tháng 5-6 hàng năm, đây mới là lần thứ ba, đại hội bất thường được Petrolimex tổ chức trong gần 8 năm niêm yết cổ phiếu trên sàn.

PTC là một doanh nghiệp do Petrolimex sở hữu 100% vốn, việc sáp nhập về tập đoàn mẹ mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Thành lập năm 2017, PTC tiếp nhận và quản lý toàn bộ phần vốn của Petrolimex đầu tư vào các công ty vận tải. Thời điểm đó, việc các công ty xăng dầu tự doanh vận tải được đánh giá có thể gây ảnh hưởng đến nguồn lực cho kinh doanh chính, đặt ra bài toán tối ưu hóa hoạt động.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, mô hình quản lý trung gian với công ty mẹ và 6 công ty thành viên là các công ty vận tải và 3 chi nhánh trực thuộc bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như chưa đáp ứng được yêu cầu, định hướng điều độ tập trung; thêm chi phí phát sinh từ hoạt động của văn phòng công ty mẹ... Trong khi đó, với chiến lược phát triển mới, Petrolimex sẽ xây dựng Trung tâm quản lý, điều động tập trung (DOC) là nơi tập trung đặt hàng, điều phối xe và quản lý tình hình hoạt động của dịch vụ vận tải xăng dầu đường bộ trên toàn quốc.

Không riêng Petrolimex, cuối tháng 2/2025, HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Everest đã thông qua chủ trương tái cấu trúc. Theo đó, trọng tâm gồm sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, cắt giảm chi phí vận hành không hiệu quả.

Everest cũng mạnh tay cắt giảm chi nhánh Bà Triệu, thu hẹp diện tích thuê chi nhánh Nguyễn Trãi, rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán tại chi nhánh này do chưa phát sinh giao dịch liên quan.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức ngày 20/3, Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) thông qua đơn từ nhiệm của hai nhân sự cấp cao trong HĐQT là ông Trần Anh Thắng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT và ông Nguyễn Xuân Điệp, thành viên HĐQT độc lập. Trong đó, ông Trần Anh Thắng vẫn tiếp tục giữ vai trò CEO.

Thay vì bầu bổ sung 2 nhân sự mới, số lượng thành viên HĐQT Nhất Việt từ 5 người xuống 3 người. Giải trình với các cổ đông, bà Nghiêm Phương Nhi, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Nhất Việt cho biết, việc giảm quy mô nhân sự hướng tới hoạt động tinh gọn với số lượng thành viên tối ưu khi các thành viên có chuyên môn sâu về quản trị, công nghệ thông tin, kiểm toán tài chính. Bên cạnh đó, HĐQT sẽ tăng cường sử dụng chuyên gia cấp cao, hội đồng chuyên môn để hỗ trợ trong việc ra quyết định và thực hiện việc giao quyền chủ động và linh hoạt đến Ban điều hành.

Động lực từ công nghệ

Các hoạt động tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động tại khối các doanh nghiệp không chỉ để tối ưu hóa chi phí. Tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch Chứng khoán Nhất Việt nhấn mạnh, việc tinh gọn còn nhằm tối giản các lớp ra quyết định và tách bạch vai trò quản trị chiến lược của HĐQT với vai trò điều hành của Ban giám đốc. Đây là xu thế chung trong quản trị.

Cùng với đó, tại Nhất Việt, định hướng đầu tư vào công nghệ là điều được Tổng giám đốc Trần Anh Thắng nhấn mạnh. Năm 2025, công ty chứng khoán này dự kiến chi khoảng 20 - 30 tỷ đồng để đầu tư công nghệ, sản phẩm công nghệ và nhân sự phục vụ cho công nghệ. Nếu tách khoản chi phí đầu tư này, duy trì quy mô công ty, quy mô thị phần như hiện tại, theo ông Thắng, lợi nhuận kế hoạch năm 2025 của Nhất Việt có thể đề ra mức tăng gần 30% so với năm 2024. “Nhất Việt đã phát triển sản phẩm tài chính, sản phẩm công nghệ để hỗ trợ các nhà đầu tư và cần tiếp tục đầu tư cho công nghệ lõi”, CEO công ty chứng khoán này cho hay.

Tương tự, tại Petrolimex, việc sáp nhập PTC vào Petrolimex gắn với những thay đổi về công nghệ thông qua việc áp dụng mô hình DOC được đặt dưới sự quản lý điều hành trực tiếp của Tập đoàn. Theo ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng những tiến bộ trong khoa học công nghệ để thay đổi về cơ bản mô hình quản trị/điều hành tập trung, trực tiếp nhằm tối ưu hóa công tác logistics về đường vận động hàng hóa của Petrolimex và nguồn lực của cả hệ thống.

TS. Nguyễn Việt Long (Đại học Quốc gia Seoul) cho biết, AI đang định hình lại doanh nghiệp hiện đại. Việc áp dụng AI hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận đầu tư (ROI), tối ưu dòng tiền và tăng khả năng quản trị rủi ro tài chính.

Đáng chú ý, AI Agent đang trở thành xu hướng lớn, với 8,4 tỷ USD vốn đầu tư đổ vào lĩnh vực này trong năm 2024. Những giải pháp AI giúp tự động hóa quy trình, như đặt lịch họp, phỏng vấn, đến tiếp thị, đang được nhiều doanh nghiệp và startup theo đuổi.

Theo Business Insider, loạt công ty tư vấn lớn trên thế giới đã ra mắt AI Agent có thể tự lên kế hoạch và thực hiện hành động để hoàn thành một mục tiêu cụ thể. Ngay trong tháng 3/2025, Deloitte ra mắt nền tảng Zora AI cung cấp bộ AI Agent thực hiện các chức năng tài chính và tương lai sẽ mở rộng thêm lĩnh vực nhân sự, chuỗi cung ứng, mua sắm, bán hàng, tiếp thị và dịch vụ khách hàng.

EY cũng vừa giới thiệu nền tảng EY.ai Agentic Platform - hệ thống AI Agent hỗ trợ khoảng 80.000 nhân sự thuộc bộ phận thuế với công cụ có khả năng tự động hóa các công việc như thu thập dữ liệu, phân tích - rà soát tài liệu và hỗ trợ tuân thủ thuế thu nhập cũng như thuế gián thu, nhằm giảm tải công việc lặp lại, đồng thời cũng cho thấy tiềm năng thay thế từng phần vai trò con người trong các quy trình đặc thù.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lan-song-tinh-gon-o-khoi-doanh-nghiep-d259574.html