Lần theo mạch sống

Mãi rồi tôi cũng có cơ hội được thực hiện chuyến đi dọc theo toàn bộ tuyến kênh tiếp nước từ hồ Sông Lũy của huyện Bắc Bình đến điểm cuối cùng là hồ Đá Bạc ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong.

Đây là một dự án liên hồ hết sức quy mô nhằm điều tiết, bổ sung nguồn nước từ tỉnh Lâm Đồng đến các khu vực khô hạn phía bắc tỉnh Bình Thuận. Công trình này kết nối các hồ chứa lớn nhỏ ở hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình, tạo ra một mạng lưới thủy lợi bao phủ các vùng kinh tế trọng điểm của hai huyện.

Cụm công trình cuối kênh tiếp nước cho hồ Lòng Sông – Đá Bạc.

Cụm công trình cuối kênh tiếp nước cho hồ Lòng Sông – Đá Bạc.

Kể từ khi biết được dự án tiếp nước bổ sung cho hai hồ Lòng Sông và Đá Bạc ở Tuy Phong được tiến hành thì trong lòng tôi luôn cảm thấy rất phấn khởi. Là người từng lăn lộn trong ngành thủy lợi ở Tuy Phong mấy chục năm, tôi hiểu được một điều cơ bản rằng, nếu không có nguồn bổ sung từ bên ngoài thì việc thiếu nước ở Tuy Phong sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần. Con người, kinh tế tăng theo cấp số cộng thì nhu cầu về nước và năng lượng lại tăng theo cấp số nhân. Cuộc sống vốn dĩ là như vậy, không thể khác được.

Bởi vậy, tôi luôn mong cho công trình này sớm được hoàn thành để mình có thể nhìn thấy được hình hài của nó, để có thể nhìn thấy những giọt nước từ miền rừng núi Lâm Đồng xa lắc xa lơ được các công trình thủy lợi chuyển tải, vượt qua hàng trăm cây số về đến vùng đất khô hạn nhất Việt Nam này.

Chúng tôi bắt đầu chặng hành trình theo hướng ngược lại, là từ hồ Đá Bạc ở điểm cuối, ngược dòng cho đến điểm khởi đầu của dự án là hồ Sông Lũy. Công trình trải dài và nối liền 4 hồ chứa nước nằm phía bắc Bình Thuận. Trong đó hồ Đá Bạc nhỏ nhất với dung tích thiết kế là 8,42 triệu m3. Ba hồ còn lại là hồ Lòng Sông 34,15 triệu m3, hồ Cà Giây 37,24 triệu m3 và hồ Sông Lũy lớn nhất với dung tích là 99,90 triệu m3.

Công trình đã được tiến hành từ nhiều năm trước theo từng giai đoạn. Chỉ tính riêng cho phần dự án trong giai đoạn hiện tại thì quy mô của công trình là lớn nhất. Chiều dài của tuyến kênh dẫn nước bắt đầu từ đập Tà Bú chạy đến điểm cuối tiếp giáp với kênh chính Cây Cà dài hơn 42 km với vô số công trình được xây dựng dọc kênh. Còn nếu như tính tổng cộng cho toàn bộ chiều dài của dự án từ hồ Sông Lũy đến điểm cuối ở hồ Đá Bạc thì tổng chiều dài tuyến kênh lên đến 75 cây số. Công trình này không chỉ có nhiệm vụ dẫn nước về Tuy Phong mà còn kiêm nhiệm thêm một vai trò quan trọng không kém là giải quyết nguồn nước cho những khu vực cao của huyện Bắc Bình.

Công trình được thiết kế theo dạng kênh hở, nghĩa là chỉ dựa vào địa hình của tự nhiên mà dẫn nước từ nơi cao đến nơi thấp hơn. Từ đập Tà Pú, tuyến kênh chạy dọc theo vùng đất cao của huyện Bắc Bình. Để giữ được cao độ, con kênh phải men sát theo chân núi, ở nhiều đoạn, nó leo hẳn lên, nằm vắt vẻo ở lưng chừng núi, vượt lên trên vùng đất bằng phẳng bên dưới hàng mấy chục mét chiều cao.

Đập Tà Pú – Điểm khởi đầu kênh tiếp nước Bắc Bình – Tuy Phong.

Đập Tà Pú – Điểm khởi đầu kênh tiếp nước Bắc Bình – Tuy Phong.

Bắt đầu từ mạn Phan Điền - Phan Sơn, tuyến kênh gần như ôm lấy sườn núi của vùng Úy Thay - Đá Giá của huyện Bắc Bình rồi chạy ra dãy Hòn Mòng - Kênh Kênh của huyện Tuy Phong trước khi nhập vào đầu kênh chính Cây Cà. Người ta hy vọng ngoài lượng nước được tiếp nhận từ hồ Sông Lũy, con kênh sẽ còn được bổ sung thêm nguồn nước mưa có được từ các sườn núi, những nơi mà con kênh chạy qua. Với chiều dài hơn bốn mươi cây số, con kênh này có khác gì một dòng sông nhỏ. Nguồn nước mưa dọc theo tuyến kênh sẽ là một nguồn cung cấp nước bổ sung khá quan trọng cho công trình. Âu đó cũng là một cách nhằm tận dụng tối đa mọi khả năng có được ở những nơi khô hạn như nơi đây.

Có kênh lớn thì ắt phải có đường giao thông đi kèm theo. Ngày xưa, dọc theo các tuyến kênh chính thủy lợi thường có các tuyến đường mà dân trong ngành thường gọi là đường quản lý. Nó được hình thành từ việc mở rộng bờ kênh nhằm giúp cho người quản lý công trình có đường đi lại kiểm tra, quản lý và duy tu, sửa chữa công trình. Nó được thiết kế chủ yếu chỉ dành riêng cho những người làm công tác thủy lợi. Vì vậy, những con đường này thường có bề rộng mặt đường không lớn do khả năng kinh phí có hạn.

Bởi vậy, khi bắt đầu bước vào cuộc hành trình bằng ô tô từ hồ Đá Bạc đi vào đến đập Tà Pú với chặng đường dài hơn 60 cây số dọc kênh, tôi cảm thấy hơi lo ngại nhưng không dám nói ra. Thường khi con kênh được làm xong thì con đường cũng chỉ mới vừa thi công xong. Mà đó lại là một con đường đắp bằng đất. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trên con đường đắp đất dài tít tắp tận mấy mươi cây số xuyên rừng như vậy. Đã thế, con đường lại còn phải băng qua rất nhiều con suối dọc ngang trên đường đi của nó. Tôi sợ rằng mình sẽ không được đi dọc hết con kênh nếu như ở một vài nơi nào đó, con đường lại có sự cố hoặc công tác thi công vẫn còn đang dang dở.

Rất may là mọi chuyện đều suôn sẻ. Toàn bộ con đường gần như đã hoàn tất. Trừ vài chỗ vượt đèo, vượt suối có độ dốc hơi lớn, hơi khó đi một chút thì hầu như toàn bộ mặt đường đều khá bằng phẳng do bám theo độ dốc khá nhỏ của con kênh. Giám đốc chi nhánh thủy lợi Tuy Phong Nguyễn Duy Linh cùng đi nói rằng con đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông liên huyện. Mặt đường khá rộng, hai xe ô tô có thể tránh nhau thoải mái. Từ nay về sau, những người dân vùng cao của hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong nếu muốn gặp nhau thì không cần phải đi vòng ra quốc lộ 1 như trước. Họ đã có tuyến đường của riêng mình. Trong tương lai, việc nhựa hóa hoặc bê tông hóa con đường cũng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo những thông tin mà tôi có được, dự án đang bước vào giai đoạn thử nghiệm và tiến hành hoàn tất các công việc cuối cùng trước khi đi vào hoạt động. Bây giờ bước tiếp theo là chuẩn bị cho công tác tổ chức, quản lý vận hành công trình.

Trên suốt chiều dài hơn 60 cây số, tuyến kênh gần như nằm cách biệt hẳn với các khu vực dân cư sinh sống. Xa hệ thống điện lưới và nước sạch, những người làm công tác quản lý tuyến kênh trong tương lai sẽ phải đối mặt với sự thiếu thốn các tiện nghi trong sinh hoạt cũng như trong công tác. Công trình lại nằm trải dài trên địa bàn hành chính của hai huyện vì vậy cần có sự quản lý điều hành thống nhất để tránh sự cục bộ địa phương có thể xảy ra. Mong rằng các cấp có trách nhiệm sẽ sớm hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý cũng như xây dựng, bố trí các cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho công tác quản lý vận hành công trình này.

Câu chuyện về đời sống sinh hoạt thiếu thốn đối với những người làm công tác quản lý công trình thủy lợi thì tôi không lạ. Anh em trong ngành từ trước đến nay vẫn phải sống và làm việc ở các vùng rừng núi xa xôi, vắng vẻ, cách biệt với các khu dân cư. Họ phải thường xuyên sống xa gia đình, làm bạn với núi non, sông suối. Ngày nay tuy cơ sở sinh hoạt đã được khang trang hơn, tiện nghi tương đối đảm bảo nhưng về mặt tinh thần họ vẫn phải chịu những thiệt thòi so với những ngành nghề khác. Những lúc mưa to gió lớn, lúc bão tràn về, trong khi mọi người tìm nơi trú ẩn trong nhà thì họ phải xông pha ra ngoài, bất chấp đêm hôm tăm tối, bất chấp mọi hiểm nguy để đảm bảo sự an toàn cho người dân và cho công trình. Sắp tới đây, họ sẽ phải đảm nhận quản lý tuyến kênh liên huyện này. Với chiều dài của nó thì cần thiết phải có các nhà trạm quản lý bố trí dọc tuyến để công việc của họ đỡ phần vất vả.

Từ hồ Đá Bạc, chúng tôi ghé điểm tiếp nối của công trình với kênh chính Cây Cà của hồ Lòng Sông, rồi nhằm hướng Bắc Bình trực chỉ. Xe cứ chạy liên tục như vậy gần hết cả buổi sáng. Cứ đến những điểm công trình quan trọng, chúng tôi lại xuống xe để tham quan, chụp ảnh. Khi đoàn chúng tôi đến hồ Cà Giây thì đồng hồ đã chỉ gần 12 giờ. Đứng trên mặt đập, tôi lặng nhìn mặt hồ gợn sóng mà cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Tôi vẫn còn nhớ rõ về mốc thời gian đó. Ngày 20/11/2000 là ngày khánh thành công trình hồ Cà Giây của huyện Bắc Bình thì ngay ngày hôm sau, ngày 21/11/2000 cũng chính là ngày làm lễ khởi công hồ Lòng Sông ở huyện Tuy Phong. Mới đó mà đã hai mươi bốn năm trôi qua. Thời gian đã in dấu trên tấm bia ghi các thông số kỹ thuật của hồ Cà Giây. Dù cố gắng đến mấy tôi cũng không thể đọc được những hàng chữ, những con số đã mờ đi vì gió mưa, vì năm tháng.

Băng qua đập Cà Giây, chúng tôi đến hồ Sông Lũy lúc mặt trời đã quá ngọ. Các anh chị em Trạm Quản lý đón tiếp chúng tôi rất thân tình. Qua những trao đổi với anh Lê Minh Hưng, Trưởng trạm quản lý cả hai hồ Sông Lũy và Cà Giây, tôi biết được thêm rằng nguồn nước xả từ thủy điện Đại Ninh có nhiều lúc rất bất thường, phụ thuộc nhu cầu riêng của ngành điện. Thì cũng phải đành chịu vậy! Dù thế nào đi nữa thì Bình Thuận cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án điều tiết được nguồn nước quý giá này để phục vụ cho đời sống nhân dân trên địa bàn của mình.

Xe rời hồ Sông Lũy khi trời đã về chiều. Ngoái nhìn qua cửa kính xe, bóng dáng nhỏ bé của những anh chị em làm công tác trực tiếp quản lý công trình nhòa dần vào khung cảnh mênh mông vắng vẻ của rừng núi trong buổi chiều tà. Mọi người có thể đến rồi đi nhưng họ thì vẫn hàng ngày, hàng giờ có mặt ở nơi đó để coi ngó, vận hành công trình.

Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh tấm bản đồ đánh dấu vị trí của những cái hồ được tô màu xanh và hệ thống kênh mương chằng chịt được đánh dấu bằng màu đỏ. Tôi chợt liên tưởng toàn bộ hệ thống công trình ấy giống như hệ tuần hoàn của một cơ thể sống. Những cái hồ giống như những trái tim còn hệ thống kênh mương chằng chịt kia giống như những mạch máu. Từng giờ từng phút, từ những nơi ấy, nguồn nước được lưu chuyển như liên tục đưa máu đi nuôi dưỡng cuộc sống con người.

Hồ Sông Lũy, mùa khô 2024.

N.P

KÝ: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lan-theo-mach-song-123652.html