Lan tỏa, bồi đắp những giá trị văn hóa Thủ đô từ nếp nghĩ đến hành động
Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn với hơn 1.000 năm văn hiến, từ khi là kinh thành Thăng Long đến nay. Thành phố Hà Nội luôn coi trọng việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Nhằm lan tỏa giá trị văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến mỗi công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh sẽ là một hạt nhân văn hóa góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô. Vậy làm sao để giữ gìn, phát huy và lan tỏa được nét đẹp văn hóa đó, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ qua góc nhìn của những công dân Thủ đô.
Là người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, Nhà giáo Nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Thị Hiền luôn tự hào về những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Với bà Hà Nội không chỉ là quê hương mà còn là tình yêu, niềm tự hào.
Theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, với những gia đình sinh sống lâu đời ở Hà Nội, có nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, họ vẫn giữ được nếp sống khá điển hình từ sinh hoạt gia đình, cách cư xử giữa các thành viên, cho đến giáo dục con cái. Người Hà Nội sống chân thành, bình dị, hiền lành, không bon chen. Đặc biệt, người Hà Nội luôn trọng những lời mình nói ra, sống có tình có lý, không có thói quen đố kỵ với người khác, cũng không bon chen hơn thiệt. Có lẽ, đó chính là yếu tố làm nên tính cách thanh lịch, nho nhã của người Hà Nội mà các bạn trẻ nên học tập.
“Không chỉ ở trong gia đình tôi, mà cả nơi tôi làm việc, tôi luôn nhắc nhở, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh về cách ứng xử văn minh trong giao tiếp hàng ngày và lối sống có trách nhiệm, biết sẻ chia”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền nói.
Cũng theo bà, xã hội hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ, truyền thống văn hóa gia đình không còn như xưa. Các thế hệ trong gia đình không còn sống chung dưới một mái nhà. Các thành viên trong gia đình có cuộc sống độc lập. Họ tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người, không ràng buộc nhau bởi lễ giáo xưa. Nhưng có thể nói, người Hà Nội vẫn coi trọng gia đình và theo bà đó là nét văn hóa đẹp, đáng trân trọng.
Ngoài ra, văn hóa Hà Nội hiện nay bị ảnh hưởng từ những nét văn hóa của nhiều vùng miền, nhiều quốc gia trên thế giới. Thế hệ trẻ ngày càng tự tin, thoải mái trong giao tiếp, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày lẫn hành động… Do vậy, việc phát triển văn hóa, con người nói chung và lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Hà Nội nói riêng là vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Bởi lẽ chính bản sắc văn hóa tạo nên con người và “hồn cốt” của một vùng đất. Như người xưa đã có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói lên nét thanh lịch, giản dị mà tinh tế của người Hà Nội.
Bàn về việc lan tỏa nét văn hóa Hà Nội và xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch hiện nay, theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền cần phải xuất phát từ sự tự ý thức của mỗi người, từ môi trường giáo dục, từ nền tảng gia đình trong việc giáo dục cho con cái biết ứng xử và hành động đúng mực. Bên cạnh đó, truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng và không thể thiếu được trong việc tuyên truyền rộng rãi về nếp sống văn minh, thanh lịch tới mọi người dân để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát huy nét đẹp văn hóa của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến, xứng đáng là trái tim của cả nước, là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc.
Còn với nhà văn Uông Triều, người đã có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội là vùng đất có truyền thống lâu đời nhất về văn minh và văn vật, có những đặc trưng riêng với kiến trúc, đô thị cổ, di tích, kiến trúc văn hóa, tôn giáo, văn học nghệ thuật...Văn hóa Hà Nội được tích tụ lâu đời, được bồi đắp và được làm giàu thêm vì thu hút tinh hoa văn hóa cả nước.
Văn hóa Hà Nội được nhân dân cả nước hướng về, là một vùng văn hóa điển hình, được biết đến rộng rãi, đây là một lợi thế rất lớn mà không một địa phương nào có được.
“Ta vẫn thường nghe những câu nói như: “Tự nhiên như người Hà Nội” hay “Cô ấy nói giọng Hà Nội”. Mặc dù trong quá trình hội nhập, có nhiều sự pha trộn, lai tạp, những đặc trưng cơ bản có khi hao mòn, phai lạt dần nhưng xét về góc độ riêng biệt và ảnh hưởng, văn hóa Hà Nội vẫn là một vùng quan trọng, rất được quan tâm”, nhà văn Uông Triều cho biết.
Nói về nét văn minh của Hà Nội, theo nhà văn Uông Triều có rất nhiều điểm, đầu tiên có thể kể đến yếu tố ngôn ngữ, người Hà Nội ăn nói nhẹ nhàng, tinh tế, tôn trọng người đối thoại. Giọng Hà Nội là một trong những giọng đặc trưng tiêu biểu và rất dễ nhận ra. Kế đến đó là sự phong phú và đa dạng của ẩm thực khi vùng đất tiếp nhận tinh hoa ẩm thực cả nước và người Hà Nội cũng sáng chế riêng ra món ăn riêng của mình, cách ăn, cách uống cũng nhẹ nhàng thanh tao. Cách cư xử của người Hà Nội thì rất “biết điều”, tự nhiên nhưng không thiếu sự nhường nhịn, mềm dẻo. Sự lịch lãm, nhẹ nhàng, khôn khéo là phong cách rất dễ nhận thấy khi tiếp xúc với những người Hà Nội, đấy có lẽ là những đặc trưng dễ nhận ra nhất.
Nói về việc lan tỏa văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhà văn Uông Triều cho rằng, đây là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển Thủ đô, chính là sức mạnh nội lực của Hà Nội trong quá trình hội nhập.
Theo ông để lan tỏa được nét văn hóa của Người Hà Nội thì đầu tiên cần là khuyến khích những ưu điểm và những đặc trưng tiêu biểu, thông qua các cuộc thi, những tấm gương tiêu biểu, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Sự gương mẫu, cư xử có văn hóa, văn minh từ những người có ảnh hưởng như lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, người của công chúng là điều quan trọng.
“Tôi thấy, nếu những người lãnh đạo lịch lãm, văn minh thì người dưới quyền sẽ bị ảnh hưởng hoặc học tập từ những người mình kính trọng, ngưỡng mộ. Vậy nên người đứng đầu mà không văn minh, lịch sự thì nhân viên dưới quyền khó lịch sự lắm thay. Lại nữa, sự tuyên truyền, tôn vinh những nhân vật văn hóa tiêu biểu là rất cần thiết để cộng đồng có một tấm gương soi chiếu chung để tự nhìn nhận lại mình và học tập.
Mặt khác cần có những biện pháp để hạn chế bớt những thô tục, kém văn minh ở không gian đô thị và những sinh hoạt cộng đồng. Mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức nếu có một hạt nhân văn minh lịch lãm thì sự lan tỏa ảnh hưởng sẽ hiệu quả và thiết thực nhất. Vấn đề là cần tạo ra và duy trì được các hạt nhân văn hóa đó chứ không phải hô hào chung chung”, nhà văn Uông Triều chia sẻ.
Thời gian qua báo chí đã đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội. Bằng tình yêu và trách nhiệm với Thủ đô, các phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí đã đồng hành và tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc định hướng, truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nhà báo Cao Hải Giang, Phó trưởng ban Chuyên san báo Hà Nội mới, người đã có nhiều năm gắn bó với mảng văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Truyền thông, lan tỏa nét đẹp văn hóa người Hà Nội thực ra luôn là niềm cảm hứng lớn, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của những người làm báo Hànôịmới. Việc tham gia Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng như các giải báo chí về phát triển văn hóa của nhóm phóng viên báo Hànôịmới cuối tuần (Ban Chuyên san, báo Hà nội mới) là một sinh hoạt nghề nghiệp đáng quý với sự chỉ đạo và vào cuộc của Ban Biên tập báo Hànôịmới. Đây là dịp để người làm báo Ban Chuyên san (đơn vị thực hiện hai ấn phẩm là Hànôịmới Cuối tuần và Hà nội Ngày nay), đồng nghiệp các cơ quan báo chí có dịp học hỏi, động viên nhau không ngừng tìm kiếm những cách thể hiện mới, sinh động hơn, sâu sắc hơn đối với một đề tài lớn, hấp dẫn là phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.”
Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông, muốn có được các tác phẩm báo chí hay, có sức lan tỏa rộng rãi thì mỗi phóng viên , nhà báo đều phải trang bị cho mình vốn kiến thức và văn hóa, để khi đứng trước các vấn đề về văn hóa, con người đều có thể hiểu và thể hiện tốt nhất qua tác phẩm của mình. Nói về vấn đề này, nhà báo Cao Hải Giang cho biết: “Thực tế tác nghiệp nhiều năm qua đã cho chúng tôi bài học về đời sống văn hóa của vùng đất “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” luôn chứa đựng những nhân tố thú vị về văn hóa, con người. Vấn đề là, người viết có điều kiện thâm nhập đời sống đến đâu, cũng như có được “vốn văn hóa” đến đâu để tìm kiếm, tương tác và tái hiện được câu chuyện văn hóa, con người ấy một cách hiệu quả nhất trên ấn phẩm của mình.
Đặc biệt, sự hỗ trợ của công nghệ, sự đổi mới trong cách trình bày đối với tác phẩm về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng là một yếu tố quan trọng để lan tỏa nét đẹp ngàn năm trong đời sống đương đại. Cuối cùng, một yêu cầu và cũng là thách thức đối với người làm báo về lĩnh vực này là không ngừng học hỏi, có kiến thức tiếp cận liên ngành để không chỉ phản ánh mà còn lý giải những câu chuyện văn hóa và con người Thủ đô trong xu thế phát triển của thành phố. Có được công cụ tác nghiệp đó, tôi tin đây là một đề tài không bao giờ cũ và luôn luôn hấp dẫn người làm báo.”
Có thể thấy rằng, phát huy và lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa Hà Nội là trách nhiệm không phải của riêng ai. Mà là của mỗi người khi chọn Thủ đô là nơi sinh sống, gắn bó. Hãy để nét đẹp văn hóa đó đi vào trong nếp nghĩ, trong giao tiếp hàng ngày và trở thành một thói quen, qua đó góp phần bồi tụ, lan tỏa những giá trị văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, tạo thêm nguồn lực nội sinh thúc đẩy thành phố phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ mới.