Lan tỏa chương trình 'Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương'
Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Bằng niềm tin, sự đồng cảm và tình yêu thương con trẻ, chương trình đã trở thành cầu nối yêu thương, điểm tựa vững chắc, giúp các em có thêm niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 trẻ mồ côi, trong đó có 117 trẻ mồ côi cả cha và mẹ, 2.383 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 2.500 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ.
Nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, Hội LHPN tỉnh đã triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”.
Để chương trình thực sự lan tỏa và có tính bền vững, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình; kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đồng hành bằng cách đăng ký nhận đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi bằng 2 hình thức: Nhận đỡ đầu trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi hoặc nhận đỡ đầu gián tiếp thông qua các cấp Hội Phụ nữ.
Với mức hỗ trợ thấp nhất 500.000 đồng/trẻ/tháng hoặc hỗ trợ mua các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày, sinh hoạt phí, chi phí khám, chữa bệnh, học tập... theo nhu cầu của trẻ mô côi. Thời gian nhận đỡ đầu từ 3-5 năm; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho trẻ đến khi đủ 18 tuổi.
Cùng Hội LHPN huyện Tam Đảo, chúng tôi đến thăm gia đình em Triệu Khắc Mạnh, sinh năm 2009, tại thôn Quan Nội, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mất khi Mạnh còn nhỏ, mẹ bỏ đi nhiều năm không liên lạc. Hiện em đang sống cùng ông bà nội đã ngoài 70 tuổi và không có khả năng lao động.
Trước hoàn cảnh đó, Hội LHPN huyện Tam Đảo đã phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tam Đảo nhận làm “Mẹ đỡ đầu” của Mạnh với số tiền hỗ trợ 18 triệu đồng trong thời gian 3 năm. Bên cạnh việc nhận đỡ đầu, Hội LHPN huyện còn phối hợp với chính quyền địa phương phân công cán bộ thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ Mạnh trong quá trình học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Gia đình cháu Nguyễn Thị Bích, sinh năm 2014, ở thôn Tràng Dầu, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau tai nạn giao thông, bố Bích qua đời, mẹ bị gãy xương đùi, suy giảm khả năng lao động, mất việc làm và không có thu nhập ổn định.
Hiện 4 mẹ con Bích đang sống trong ngôi nhà nhỏ, đã cũ được xây dựng trên mảnh đất của ông bà nội. Thấu hiểu và đồng cảm những mất mát, thiệt thòi của Bích, Hội LHPN huyện Tam Dương phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Tam Dương nhận đỡ đầu, chăm sóc Bích trong thời gian 3 năm với số tiền hỗ trợ 18 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ này phần nào động viên, giúp Bích và gia đình vượt qua thời điểm khó khăn nhất, vươn lên trong cuộc sống.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã và đang được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh phối hợp với các các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận đỡ đầu thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”.
Đồng chí Cao Thị Hạnh, Trưởng Ban Gia đình xã hội-Kinh tế (Hội LHPN tỉnh) cho biết: "Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, Hội LHPN tỉnh đã phát động 100% Hội LHPN huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện; rà soát, lập danh sách, nắm bắt cụ thể từng hoàn cảnh gia đình các em để thông tin, kết nối và tìm mẹ đỡ đầu.
Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng được hơn 140 trẻ cho tới khi các em 18 tuổi với mức hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng và thường xuyên quan tâm, theo sát, hỗ trợ các em trong học tập cũng như hỗ trợ nhiều vật phẩm khác".
Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương” là một trong những hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Sự chung tay góp sức từ chương trình là nguồn động viên về tinh thần lẫn vật chất, giúp các em vượt qua khó khăn; tiếp tục nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành công dân có ích cho xã hội. Qua đó khẳng định vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong hoạt động vì cộng đồng và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.