Lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng trên các ấn phẩm báo chí

Hội thảo báo Ðảng các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XXII, năm 2023, do Báo Phú Thọ đăng cai tổ chức từ ngày 13 - 15/8, tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Báo Ðiện Biên Phủ là một trong những cơ quan được Ban Tổ chức Hội thảo chọn tham luận với nội dung 'Lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng trên các ấn phẩm báo chí'. Báo Ðiện Biên Phủ cuối tuần xin trích đăng tham luận này.

Với chủ đề hội thảo: “Báo Ðảng địa phương liên kết tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch”, theo chúng tôi, đó là một nội dung rất lớn và bám sát tinh thần của Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết Ðại hội Ðảng khóa XIII và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa luôn là sự kiện thời sự thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là với hệ thống báo chí địa phương - cơ quan ngôn luận của Ðảng bộ tỉnh, với địa bàn hoạt động gần gũi với cơ sở, với nhân dân, với bạn đọc. Vì những lẽ ấy, chúng tôi cho rằng chủ đề cuộc Hội thảo lần này không chỉ hấp dẫn, thiết thực mà còn rất nóng bỏng, rất đáng để bàn thảo không chỉ trên diễn đàn hôm nay mà còn lâu dài sau này.

Hẳn chúng ta đều biết, so với khu vực Tây Bắc, Ðiện Biên là tỉnh có một hệ thống các điểm di tích lịch sử thời chống Pháp; trong đó, nhiều di tích đã được xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia” từ năm 1962. Chính tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, chính những yếu tố khách thể làm nên cái “độc nhất vô nhị” của cụm di tích, đã mặc nhiên “bỏ phiếu” để nó trở thành của quý hiếm trên thị trường du lịch cả trong và ngoài nước. Chỉ tiếc rằng đến tận bây giờ, vì lý do nọ hay lý do kia, còn quá nhiều những khó khăn và bất cập cả về chủ quan lẫn khách quan, nên không gian du lịch Ðiện Biên mới chủ yếu tập trung ở lòng chảo Mường Thanh và một vài điểm đơn lẻ khu vực phụ cận.

Mặt khác, Ðiện Biên là tỉnh miền núi với cuộc sống cộng cư của 19 dân tộc anh em; trong đó, có những dân tộc nằm trong đề án bảo tồn đặc biệt của Chính phủ. Trải qua quá trình hỗn dung và tiếp biến hàng trăm, hàng nghìn năm trên vùng nhiệt đới gió mùa Tây Bắc, phải nói không ít nền văn hóa tộc người đã và đang nhạt nhòa trước nền văn hóa từ các tộc người khác. Một trong những nền văn hóa có khả năng tạo ảnh hưởng nhiều nhất, đó là văn hóa Thái với rất nhiều trường ca, truyền thuyết, các điệu múa mà tiêu biểu là múa xòe. Chính hệ thống mương - phai - lái - lịn đã đưa dân tộc Thái lên hàng xuất sắc nhất, trong số những tộc người của “nền văn minh nông nghiệp vùng cao”.

Mấy chục năm qua, cái chúng ta làm được cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử - văn hóa cũng như các di sản văn hóa (vật thể cũng như phi vật thể) của các dân tộc thiểu số là rất nhiều. Tuy nhiên, không ít vấn đề đã và đang đặt ra đòi hỏi nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp và cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng và đặc biệt hữu dụng của hệ thống báo chí địa phương.

Giống như báo chí các tỉnh, thành phố khác, Ban Biên tập Báo Ðiện Biên Phủ xác định, việc tuyên truyền bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa trong thời kỳ hội nhập có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần đề cao giá trị lịch sử - văn hóa, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc vững bước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nhiều năm qua, Báo Ðiện Biên Phủ đăng tải đều đặn các tin, bài, ảnh liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích lịch sử quốc gia cũng như các di dản văn hóa... trên tất cả các ấn phẩm; đặc biệt là tờ Ðiện Biên Phủ cuối tuần. Không chỉ cổ vũ, biểu dương mà nhiều tin, bài, ảnh đã phê phán trực diện, cảnh báo những bất cập, nhếch nhác và nói chung là chưa đẹp. Ngoài ra, Ban Biên tập yêu cầu dành một tỷ lệ dung lượng đáng kể cho loạt bài nội dung về phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, về giáo dục truyền thống, thu hút và khai thác tiềm năng du lịch - dịch vụ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ những thông tin mà báo chuyển tải, các cấp, ngành chức năng đã kịp thời vào cuộc để có sự chỉ đạo, chấn chỉnh trong đầu tư, tôn tạo và sử dụng, khai thác những lợi ích kinh tế - xã hội từ hệ thống các di tích.

Ðể việc tuyên truyền được đúng hướng, Ban Biên tập luôn bám sát các chủ trương của Tỉnh ủy, HÐND và UBND tỉnh, bám sát kế hoạch của ngành chức năng về công tác trùng tu tôn tạo, bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa. Ban Biên tập thường xuyên quan tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, phân công phóng viên chuyên sâu đảm nhận viết bài tuyên truyền tính nhân văn, giá trị lịch sử - văn hóa đối với bạn đọc. Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn duy trì tốt mối quan hệ với các ngành liên quan, với những cộng tác viên có khả năng thực hiện các bài viết, tin, ảnh mang nội dung tuyên truyền về công tác trùng tu tôn tạo, bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa. Trên tất cả bốn ấn phẩm (Báo Ðiện Biên Phủ thời sự, Báo Ðiện Biên Phủ cuối tuần, Báo Ðiện Biên Phủ điện tử và Báo Ðiện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao), thường xuyên có các tin, bài, ảnh, tư liệu lịch sử... phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng.

Dù còn nhiều khó khăn do tác nghiệp trên địa bàn một tỉnh miền núi, biên giới, xa các trung tâm văn hóa lớn, song nhiều năm qua, Báo Ðiện Biên Phủ tự hào vì đã hoàn thành sứ mạng được Ðảng giao phó và nhân dân tin tưởng ủy thác. Cũng từ cuộc Hội thảo này, chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí trong cả nước quan tâm góp thêm tiếng nói, để quần thể “Di tích lịch sử quốc gia” Ðiện Biên Phủ có cơ hội được quảng bá rộng hơn.

Ðức Tùng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/208104/lan-toa-gia-tri-lich-su-van-hoa-truyen-thong-cach-mang-tren-cac-an-pham-bao-chi