Lan tỏa giá trị tốt đẹp từ xây dựng gia đình văn hóa

Xác định gia đình là hạt nhân của xã hội, xây dựng gia đình văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng trong phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' mà các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đang triển khai thời gian qua. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với lối sống đẹp cùng những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Gìn giữ cốt cách người Tràng An

Người Hà Nội từ lâu đã được biết đến với lối ứng xử thanh lịch, văn minh, ngày nay sự tác động của đời sống đã làm thay đổi phần nào văn hóa ứng xử nhưng cái chất Hà Nội vẫn cơ bản được giữ nguyên. Gia đình chính là nền tảng hình thành nhân cách mỗi người. Những nét đẹp trong gia đình như: Lòng yêu thương, hiếu thuận, kính trên nhường dưới, tính nêu gương, sống trách nhiệm với cộng đồng... đang được lan tỏa để bồi đắp thêm phẩm cách người Tràng An.

Ông Bùi Đức Long (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) duy trì nghề thuốc nam, nhiều năm liền gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Ông Bùi Đức Long (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) duy trì nghề thuốc nam, nhiều năm liền gia đình ông đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Đơn cử như gia đình ông Bùi Đức Long (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) nhiều năm đạt danh hiệu gia đình văn hóa nhờ nếp sống gương mẫu, trên dưới thuận hòa và lối ứng xử giản dị, hòa đồng, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Năm 2023, gia đình ông là một trong những gia đình điển hình được thành phố Hà Nội tuyên dương “Gia đình truyền thống, Gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu”.

Chia sẻ về việc xây dựng gia đình văn hóa, ông Long cho biết: Gia đình chính là tổ ấm, nơi các thế hệ sum vầy bên nhau. Trong cuộc sống có những lúc các thành viên trong gia đình bất đồng ý kiến nhưng dù lớn hay nhỏ, mọi người đều tôn trọng, chia sẻ, cảm thông với nhau nhờ vậy gia đình vẫn êm ấm, hạnh phúc.

Ở gia đình ông Long bữa cơm gia đình luôn được các thành viên dành nhiều thời gian. Vào những ngày nghỉ, lễ, Tết các thành viên cùng nhau nấu những món ăn, thể hiện sự đầm ấm, quây quần, gắn kết, không có sự phân biệt mẹ chồng, nàng dâu hay giữa các con với nhau.

Không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa trong gia đình, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ dân phố số 10 phường Thụy Khuê, ông Long luôn tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, qua đó tạo chuyển biến cơ bản về nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An.

Bà Võ Thị Lan (phường Quảng An, quận Tây Hồ) nhận danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu quận Tây Hồ năm 2023.

Bà Võ Thị Lan (phường Quảng An, quận Tây Hồ) nhận danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu quận Tây Hồ năm 2023.

Tương tự gia đình bà Võ Thị Lan (phường Quảng An, quận Tây Hồ) có 4 thế hệ cùng chung sống nhưng luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Vợ chồng bà Lan và các con đều làm việc trong ngành quân đội nhờ đó đã rèn luyện mọi người trong gia đình cách sống kỷ luật, tôn trọng và giữ gìn những giá trị đạo đức, lối sống tích cực, văn minh. Các con, cháu trong gia đình đều ngoan ngoãn, khiêm tốn, lễ phép với người lớn tuổi.

Chia sẻ về bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc gia đình, bà Lan vui vẻ cho biết: Trong gia đình không phải lúc nào cũng “sóng yên, biển lặng”, nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ. Khi thấy vợ chồng các con mắc lỗi hay có khúc mắc trong cuộc sống, cha, mẹ phải chỉ bảo nhẹ nhàng và phân tích, giảng giải để các con hiểu chứ không cáu gắt, nặng lời. Dù tuổi đã cao nhưng bà Lan vẫn luôn cố gắng tiếp cận những thông tin mới để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của con, từ đó tìm được hướng giáo dục hiệu quả.

“Trong mỗi gia đình, bố mẹ phải luôn là gương sáng cho các con noi theo. Ông, bà, cha, mẹ có trách nhiệm truyền dạy cho con, cháu những nét đẹp truyền thống của gia đình, dòng họ. Con cháu giữ trung hiếu, thuận hòa, biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, không ngừng học tập, trau dồi lĩnh hội tri thức, văn hóa tiến bộ nhưng phải giữ được gia phong và những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội”, bà Lan bộc bạch.

Lan tỏa hạt nhân tích cực trong cộng đồng

Không chỉ riêng gia đình ông Long, bà Lan mà trên địa bàn Hà Nội còn có rất nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu được ghi nhận với lối sống đẹp cùng những đóng góp tích cực cho cộng đồng, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Họ là những “hạt nhân” quan trọng ở cơ sở giúp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội ngày càng đi vào thực chất, bắt đầu từ việc nêu gương, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Gia đình ông Lê Đình Duật (quận Thanh Xuân) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu, đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo.

Gia đình ông Lê Đình Duật (quận Thanh Xuân) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu, đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo.

Tiêu biểu gia đình ông Lê Đình Duật (quận Thanh Xuân) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu, đi đầu trong phong trào hiến máu nhân đạo. Bằng tấm lòng nhiệt huyết với phong trào hiến máu nhân đạo, cả gia đình ông Duật cùng đồng hành trong việc tuyên truyền, vận động và tham gia hiến máu tình nguyện. Với tấm lòng cao cả, hơn 22 năm, 6 thành viên gia đình ông Lê Đình Duật đã hiến 218 đơn vị máu an toàn. Không chỉ trực tiếp hiến máu hàng năm, ông cùng các thành viên trong gia đình còn tích cực vận động họ hàng, bạn bè và những người xung quanh tham gia. Hơn 22 năm, gia đình ông đã vận động được 1.092 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đạt 1.007 đơn vị máu an toàn.

Bằng chính tình yêu, trách nhiệm, hơn 30 năm qua bà Nguyễn Thị Lan (Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã dành trọn thời gian, công sức gìn giữ, khôi phục làn điệu hát Dô, nét đẹp văn hóa của quê hương.

Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết đã có trên 1.000 thành viên, trong đó 35 thành viên, là các cháu học sinh tham gia hoạt động thường xuyên.

Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết đã có trên 1.000 thành viên, trong đó 35 thành viên, là các cháu học sinh tham gia hoạt động thường xuyên.

Trải qua những khó khăn, đến nay Câu lạc bộ hát Dô đã có trên 1.000 thành viên, trong đó 35 thành viên là các cháu học sinh tham gia hoạt động thường xuyên. Từ chỗ người dân Liệp Tuyết ít biết đến hát Dô, đến nay hát Dô trở thành sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây. Bà Lan cùng các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên đi hát tại các chương trình nghệ thuật của huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội hay một số tỉnh, thành khác, qua đó giới thiệu hát Dô tới nhiều vùng trên cả nước.

Còn rất nhiều gia đình tiêu biểu khác trong việc đóng góp xây dựng cộng đồng, quê hương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Đây là những hạt nhân tích cực, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Với mục đích từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình áp dụng cho các thành viên gia đình gồm: vợ, chồng, cha mẹ, ông bà, anh, chị, em… Tiêu chí ứng xử chung là “tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ”, các thành viên trong gia đình còn có những tiêu chí ứng xử riêng, tùy theo quan hệ.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã phát động triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đến nay Bộ tiêu chí đã và đang tạo sự lan tỏa, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đông đảo gia đình, cộng đồng, xã hội.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lan-toa-gia-tri-tot-dep-tu-xay-dung-gia-dinh-van-hoa-157670.html