Lan tỏa mạnh mẽ hơn
Sự tham gia ngày càng đông đảo của nhiều tổ chức, cá nhân chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cho thấy, đang dần hình thành một tinh thần trách nhiệm chung trong việc đưa tri thức đến với tất cả mọi người, và văn hóa đọc đang được lan tỏa một cách mạnh mẽ.
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc hiệu quả trong cộng đồng, như thư viện tại điểm bưu điện văn hóa xã, thư viện lưu động, tủ sách miễn phí, hoạt động luân chuyển sách... Những mô hình này đã góp phần mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, truyền tình yêu và khích lệ tinh thần đọc sách. Đặc biệt, việc này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi từng bước đưa sách tiếp cận người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, công nhân… - những đối tượng ít có cơ hội đến thư viện, góp phần hướng tới xây dựng xã hội học tập. Đây cũng là một trong những kết quả quan trọng trong triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030".
Rõ ràng, huy động được sự chung tay của xã hội là yếu tố nền tảng, có tính quyết định cho mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời. Để phát huy tối đa sức mạnh ấy, thiết nghĩ trước tiên cần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thư viện. Phải làm sao thu hút được nhiều hơn nữa các nguồn lực, sự hỗ trợ để giúp các thư viện cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang gặp khó khăn về kinh phí, chính sách đầu tư... Từ các thư viện, tủ sách ban đầu phục vụ tại điểm bưu điện văn hóa xã, trường học… cũng cần nhân rộng đến các điểm khác như nhà văn hóa khu dân cư, câu lạc bộ... để phục vụ người yêu sách; đồng thời, có quy trình luân chuyển sách giữa hệ thống thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện, tủ sách của cơ quan, đoàn thể, gia đình, dòng họ... Ngoài ra, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhằm khai thác tối đa hệ thống hạ tầng, kỹ thuật để mở rộng mạng lưới phát hành, điểm đọc công cộng, đọc sách trực tuyến... nhằm phát huy tối đa hiệu quả giá trị của các thư viện, tủ sách và nâng mức độ thụ hưởng văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt, cần lưu ý tuyển chọn những đầu sách thực sự hữu ích, có giá trị về mặt thông tin, kiến thức nền tảng về những lĩnh vực căn bản nhất của cuộc sống. Ngoài ra, cũng cần tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Triển lãm sách; phát động thi về sách; quyên góp ủng hộ, tặng sách; xây dựng thư viện ở vùng sâu, vùng xa, trường học khó khăn; tổ chức các sự kiện đọc sách… bên cạnh việc truyền thông, quảng bá về sách, hoạt động xuất bản; hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển xuất bản phẩm điện tử…
Sách giúp mỗi người nâng cao kiến thức, phát triển tư duy - hai yếu tố không thể thiếu trong quá trình hình thành, tu dưỡng nhân cách sống, đặt nền móng cơ bản cho sự trưởng thành của mỗi con người. Một cuốn sách hay, có giá trị thậm chí có thể làm thay đổi cả một cuộc đời, một số phận. Một người, một cộng đồng, một xã hội ham đọc, ham tìm kiếm tri thức từ sách vở chắc chắn sẽ nhiều kiến thức, nhiều hiểu biết, nhiều cơ hội phát triển. Lan tỏa văn hóa đọc trong mọi người, không chỉ ở đô thị mà còn ở cả vùng nông thôn, vùng khó khăn chính là cách làm hữu hiệu nhất góp phần nâng cao dân trí, gieo mầm thành công cho tương lai mỗi người cũng như cả xã hội.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/985364/lan-toa-manh-me-hon