Lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân văn

Sau một năm phát động, Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' (Cuộc thi viết) lần thứ 14 (2022-2023) do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản/Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản QĐND; Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức đã thành công tốt đẹp, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Sức sống lâu bền của một cuộc thi ý nghĩa

Tiếp nối thành công 13 mùa giải trước, Cuộc thi viết lần thứ 14 vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ban tổ chức nhận được hơn 200 tác phẩm của các cây viết chuyên và không chuyên trong cả nước; trong đó hơn 150 tác phẩm đăng tải trên Báo QĐND. Sau hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức Cuộc thi viết lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc để trao giải: 1 giải nhất, 3 giải nhì, 7 giải ba, 10 giải khuyến khích.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá đồng đều. Nhiều tác phẩm có cách thể hiện sinh động, hấp dẫn, phản ánh sức lao động báo chí, tinh thần đam mê, dấn thân của các tác giả. Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi viết đánh giá: “Cuộc thi đã phát hiện tập thể, cá nhân điển hình thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, có những việc làm bình dị hằng ngày, toát lên vẻ đẹp cao quý, mang lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Đó là những tấm gương học tập và làm theo Bác Hồ rất thiết thực; là những mạch nguồn trong trẻo tích tụ từ muôn ngả làm nên cuộc sống tươi đẹp của chúng ta hôm nay”.

 Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 họp chấm giải. Ảnh: THÙY NGÂN

Hội đồng chung khảo Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 họp chấm giải. Ảnh: THÙY NGÂN

Được phát động từ tháng 4-2008, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tính đến năm nay, Cuộc thi viết đã trải qua chặng đường hơn 15 năm. Qua 14 lần tổ chức, Cuộc thi viết đã nhận được gần 4.000 tác phẩm dự thi; trong đó gần 2.000 tác phẩm được đăng tải trên Báo QĐND; hàng trăm tác giả đã được Ban tổ chức trao giải; 19 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” được phát hành rộng rãi trong toàn quốc.

Cuộc thi đã phát hiện, tôn vinh hàng nghìn tấm gương tiêu biểu; giới thiệu và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo; thể hiện rõ tinh thần học tập và làm theo gương Bác trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: 14 lần tổ chức là chặng đường đủ để minh chứng thuyết phục cho sức sống bền bỉ, ý nghĩa, sức lan tỏa của Cuộc thi viết được đông đảo bạn đọc và nhân dân cả nước quan tâm. Cuộc thi góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tạo động lực mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc thi viết đã khẳng định nét đặc sắc, sáng tạo, hiệu quả của Báo QĐND trong việc cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thực hành học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc thi viết cho thấy, trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, Báo QĐND có vai trò tích cực trong đấu tranh trực diện phê phán cái xấu, tiêu cực, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; đồng thời đề cao trách nhiệm của tờ báo chiến sĩ trong phát hiện, tuyên truyền, làm lan tỏa những tấm gương người tốt-việc tốt, những giá trị tốt đẹp trong xã hội, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”.

Kiếm tìm những “vỉa quặng” chân - thiện - mỹ

Để làm nên giá trị, sức sống lâu bền của cuộc thi, Ban tổ chức Cuộc thi viết không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm việc công tâm, khách quan. Đặc biệt, các tác giả đã dấn thân, lăn lộn cơ sở, thậm chí “lao tâm khổ tứ” để phát hiện những “vỉa quặng” chân-thiện-mỹ trong mỗi con người, lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp đến toàn xã hội, góp phần làm rạng rỡ hình ảnh con người Việt Nam hôm nay.

Để khắc họa hình ảnh “Già Phống-người nửa thế kỷ giữ cột mốc miền biên viễn Hà Quảng”, tác giả Nguyễn Văn Hiền đã có những ngày lăn lộn, ăn ở, sinh hoạt cùng già Phống như người con trong gia đình. Cùng già Phống tuần tra trên núi đá bỏng rát, tác giả quan sát, ghi nhận nhiều chi tiết đắt giá. Với thể loại phóng sự, sử dụng ngôn ngữ đặc sắc chạm đến trái tim người đọc, lồng ghép video clip, tác giả đã khắc họa sinh động hình ảnh già Phống với đôi chân thoăn thoắt trên những dốc đá tai mèo lởm chởm dựng đứng. Già Phống hiện lên vừa dung dị, gần gũi, lại vừa sừng sững như cây cổ thụ trên đá núi với “đôi chân đã quen dốc, đôi mắt đã quen rừng, con tim hướng về mốc”, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Cựu chiến binh Trần Quý Bình cùng các đồng đội khảo sát xây dựng nhà bia xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Ảnh: PHẠM KIÊN

Cựu chiến binh Trần Quý Bình cùng các đồng đội khảo sát xây dựng nhà bia xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Ảnh: PHẠM KIÊN

Khi quyết định viết bài về Nguyễn Tài Nam trong tác phẩm “Giành giật từng giây phút để phụng sự cuộc đời”, tác giả Trương Nhất Vương không nghĩ lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Nhân vật là người khuyết tật không nói, không nghe được, tất cả mọi cuộc phỏng vấn đều thông qua tin nhắn điện thoại. Nhiều lần tác giả nản lòng, nhưng chính sức sống, tấm lòng cao cả của “ông tiên trẻ” Nguyễn Tài Nam đã thôi thúc anh tiếp tục thực hiện tác phẩm. Bằng bút pháp miêu tả, tường thuật dẫn dắt sự kiện, tác giả khắc họa rõ nét khát vọng sống nhân ái của Nguyễn Tài Nam-một người trẻ tàn tật, chỉ với một ngón tay và bàn phím, cùng trái tim nhân ái đã giúp ích cho vô số hoàn cảnh có tương lai tốt hơn.

Để hoàn thành tác phẩm dự thi, nhiều tác giả đã có quá trình "sống" cùng nhân vật. Đó là trường hợp của hai tác giả Linh Oanh-Phương Thảo khi viết tác phẩm: “Người phụ nữ Việt làm nên kỳ tích”. Chị Thảo Griffiths thường xuyên di chuyển nhiều nơi trên thế giới. Lúc thì do lệch múi giờ, khi lại do chương trình làm việc của chị Thảo dày đặc nên việc phỏng vấn và hồi âm giữa hai bên nhiều khi gián đoạn. Phải mất thời gian dài, cộng với sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ, những khó khăn mới dần được hóa giải.

Viết về người tốt-việc tốt là đề tài khó, bởi người tốt như quặng quý không lộ thiên, thường khiêm tốn, không thích phô trương, gây nhiều khó khăn trong tìm hiểu, tiếp cận thông tin. Để viết tác phẩm “Người thương binh tiên phong chống tiêu cực”, tác giả Nguyễn Việt Hà đã nhiều lần thuyết phục để nhân vật nhất trí cho “đưa” công việc thầm lặng của mình lên báo...

Theo đánh giá của Ban tổ chức, những tác phẩm đoạt giải cao năm nay là nhờ các tác giả biết vượt qua lối mòn trong cách thể hiện. Cùng với đó, ngôn ngữ trong nhiều tác phẩm rất sinh động, súc tích, giàu hình ảnh, diễn đạt ngắn gọn, có tính biểu cảm, mang dấu ấn cá nhân sâu sắc, đưa các tập thể, cá nhân điển hình gần với người đọc.

Miệt mài cống hiến, làm đẹp cho đời

Cuộc thi năm nay, các tác giả đã khắc họa sâu đậm nhiều tấm gương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là nữ doanh nhân tâm huyết với nghề, trọn nghĩa với đời; là người lính biên phòng “khắc tinh” của tội phạm ma túy nhưng bình xét khen thưởng lại nhường người khác; đó là các giáo viên “mũ nồi xanh” Việt Nam ngày đêm lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ở Abyei hay những cựu chiến binh vừa tiên phong trên mặt trận phòng, chống tiêu cực, vừa âm thầm thắp lửa tri ân đồng đội...

Đặc biệt, Cuộc thi viết còn kịp thời phát hiện những tấm gương là người Việt Nam thành danh ở nước ngoài nhưng tâm hồn, trái tim luôn hướng về Việt Nam để đóng góp cho quê hương, đất nước. Ở họ vừa mang nét bình dị trong nhân cách, đạo đức, lối sống, vừa có nhiều đột phá, đóng góp xuất sắc cho xã hội. Đây là điểm mới, làm cho cuộc thi ngày càng được lan tỏa, có sức sống lâu bền, phản ánh đa chiều cuộc sống và làm nổi lên gam màu của sự tốt đẹp, tích cực...

Từ thành công qua 14 lần tổ chức Cuộc thi viết, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân; 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Báo QĐND tiếp tục phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản/Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản QĐND và các đơn vị liên quan tổ chức phát động Cuộc thi viết lần thứ 15 (2023-2024) với chủ đề "Dấu ấn bộ đội thời bình".

Ban tổ chức hy vọng, bằng tình cảm, trách nhiệm của mỗi người đối với Tổ quốc và nhân dân, Cuộc thi viết lần thứ 15 sẽ nhận được sự tham gia, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, các tác giả có thêm cảm hứng sáng tạo trên hành trình tìm tòi, phát hiện những “vỉa quặng” chân-thiện-mỹ trong xã hội nói chung, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam nói riêng để “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14

Hôm nay (8-6), tại Hà Nội, Báo QĐND phối hợp với Vụ Báo chí-Xuất bản/Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà xuất bản QĐND; Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 (2022-2023) và phát động Cuộc thi viết lần thứ 15 (2023-2024) với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”.

Theo chương trình buổi lễ, Ban tổ chức tiến hành trao giải thưởng tặng 21 tác giả (nhóm tác giả) có tác phẩm xuất sắc đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 14 và tôn vinh nhân vật trong các tác phẩm đoạt giải. Tại lễ tổng kết, các đại biểu còn được thưởng thức một số tiết mục nghệ thuật đặc sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương, đất nước qua phần biểu diễn của nam, nữ diễn viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cùng một số phóng sự khái quát về Cuộc thi viết lần thứ 14 và những câu chuyện hết sức cảm động của những người trong cuộc.

PHẠM KIÊN

Thể lệ Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 (2023-2024) với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Báo QĐND phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15 (2023-2024) với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”.

I. Đối tượng dự thi

Công dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài; người nước ngoài sinh sống, công tác tại Việt Nam.

II. Nội dung, đối tượng phản ánh, yêu cầu, thể loại báo chí

1. Nội dung

- Ca ngợi, làm nổi bật những giá trị truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam; phát huy truyền thống, sức mạnh của quân và dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

- Phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị, địa phương trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng LLVT, bảo vệ Tổ quốc; kết quả, kinh nghiệm trong huấn luyện SSCĐ, rèn luyện chính quy; nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn đóng quân, nhất là các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Phản ánh hoạt động của các đơn vị Quân đội làm kinh tế; tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa; chăm sóc sức khỏe nhân dân; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

- Biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân trong Quân đội nỗ lực vượt khó, có nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên mọi lĩnh vực công tác.

- Tuyên truyền sâu rộng những tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu; những cán bộ, chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cuộc sống đời thường, có đóng góp tích cực tại địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ Tổ quốc...

2. Đối tượng phản ánh

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động đang công tác trong Quân đội; dự bị động viên, dân quân tự vệ; cựu chiến binh, cựu quân nhân tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, tính từ năm 1986 đến nay.

3. Yêu cầu tác phẩm dự thi

- Tác phẩm dự thi bảo đảm tính chính xác, tính thuyết phục.

- Các vấn đề nêu trong bài viết phải là người thật, việc thật, có địa chỉ rõ ràng; các tấm gương, điển hình, thành tích, kết quả của tập thể, cá nhân tính từ năm 1986 đến nay.

- Trước và trong quá trình dự thi, bài không đăng trên các báo và tạp chí khác, kể cả mạng xã hội; tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền.

4. Thể loại báo chí

- Phản ánh, phóng sự, bút ký.

- Tác phẩm dự thi là các bài viết, có thể là một bài hoặc một loạt bài (không quá 3 bài); mỗi bài không quá 2.200 chữ.

- Tác phẩm phải có ảnh báo chí phù hợp với chủ đề bài viết, không sử dụng ảnh có tính chất minh họa.

III. Thời gian

1. Thời gian nhận bài dự thi

Từ ngày 10-6-2023 đến 31-10-2024 (tính theo thời gian gửi email hoặc theo dấu bưu điện ngoài bì thư).

2. Thời gian tổng kết, trao giải

Tổ chức lễ tổng kết, trao giải vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024); 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024) và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024).

IV. Cơ cấu giải thưởng

- 01 giải nhất, tiền thưởng 30 triệu đồng.

- 02 giải nhì, tiền thưởng 20 triệu đồng/giải.

- 03 giải ba, tiền thưởng 10 triệu đồng/giải.

- 15 giải khuyến khích, tiền thưởng 5 triệu đồng/giải.

- Nhân vật (trong tác phẩm đoạt giải) quà tặng 10 triệu đồng/nhân vật.

V. Phương thức dự thi

1. Mỗi tác giả có thể gửi bài dự thi với số lượng không giới hạn.

2. Cách thức gửi bài dự thi

- Gửi qua đường bưu điện: Theo địa chỉ Báo QĐND, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm báo chí dự thi Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 15, (2023-2024) với chủ đề “Dấu ấn bộ đội thời bình”.

- Gửi thư điện tử vào một trong các địa chỉ sau: baoqdndct@gmail.com; congtacdang@qdnd.vn; dientu@qdnd.vn; sknc@qdnd.vn; tkts@qdnd.vn.

3. Lựa chọn, đăng tải tác phẩm

- Các tác phẩm dự thi có chất lượng tốt sẽ được lựa chọn, đăng tải trên Báo QĐND (Báo QĐND hằng ngày, Báo QĐND Cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo QĐND Điện tử).

- Các tác phẩm đăng tải trên Báo QĐND được trả nhuận bút theo chế độ hiện hành.

- Các tác phẩm dự thi không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ, không có tranh chấp bản quyền, chưa đăng tải trên các ấn phẩm của các cơ quan báo chí khác.

- Thông tin về tác giả cần ghi rõ họ và tên, bút danh (nếu có), địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại liên hệ.

Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo dự thi của tác giả.

VI. Thông tin về cuộc thi

Thông tin chi tiết về cuộc thi, đề nghị tác giả liên hệ:

- Phòng biên tập Báo Cuối tuần, Báo QĐND, Cơ quan thường trực Cuộc thi viết; điện thoại: (dân sự) 024.373.335.98; (quân sự) 069.55.44.06.

- Phòng biên tập CTĐ, CTCT, Báo QĐND, điện thoại: (dân sự) 024.374.786.10; (quân sự) 069.55.41.19.

- Phòng biên tập Báo Điện tử, Báo QĐND, điện thoại: (dân sự) 024.374.717.48; (quân sự) 069.55.21.86.

- Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng, Báo QĐND, điện thoại (dân sự): 024.374.335.98 (quân sự) 069.55.47.43.

- Phòng Thư ký tòa soạn, Báo QĐND, điện thoại (dân sự): 024.374.710.29 (quân sự) 069.55.47.74.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/lan-toa-manh-me-nhung-gia-tri-nhan-van-730538