Lan tỏa mô hình 'Tổ lưu động hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử ở cơ sở'
Đã hơn một tháng nay, cứ hết giờ làm việc ở đơn vị là các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) Công an tỉnh Hà Nam lại chia thành các tổ công tác hồ hởi lên đường đi xuống cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cách kích hoạt tài khoản định danh điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đây là cách làm hay, thể hiện tinh thần tận tụy vì nhân dân phục vụ của mỗi CBCS Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Hà Nam.
Thời gian qua, cùng với Công an các đơn vị, địa bàn, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh Hà Nam xác định việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện Đề án 06 của Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm của toàn đơn vị. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ đã xây dựng, triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Tổ lưu động hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử ở cơ sở”.
Dù quân số mỏng, chỉ với 13 CBCS, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Hà Nam đã khẩn trương thành lập 7 tổ lưu động, đều đặn mỗi ngày đều trực tiếp xuống địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng Công an ở cơ sở triển khai “đi từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
Được tổ công tác đến tận nhà hướng dẫn cách đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, bà Nguyễn Thị Vân, 67 tuổi ở phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý chia sẻ: “Dù đọc báo, nắm được ích lợi của việc sử dụng tài khoản định danh điện và dịch vụ công trực tuyến nhưng vợ chồng tôi già yếu, chỉ quanh quẩn ở nhà, trong khi các con đều bận đi làm, tối mới về nên không có điều kiện để đến trụ sở UBND phường, cơ quan Công an để tìm hiểu và làm thủ tục cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Hôm nay, được các CBCS Công an đến tận nhà trực tiếp hướng dẫn cách cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử khiến chúng tôi rất vui.”
Còn chị Lê Thị Hoa, ở xã An Nội, huyện Bình Lục cho biết, từ ngày bị thương do tai nạn, chị rất hạn chế đi lại. Được các CBCS tổ công tác lưu động đến tận nhà chuyện trò, phân tích giúp chị hiểu được những tiện ích của việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử và lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đồng thời còn trực tiếp hướng dẫn chị cách cài đặt, kích hoạt và thực hiện dịch vụ công, chị Hoa rất xúc động. “Sau này, tôi sẽ dễ dàng làm các thủ tục hành chính ngay tại nhà, mà không cần phải mất thời gian đi lại đường sá xa xôi. Thật thuận tiện không gì bằng!”, chị Hoa chia sẻ.
Nói về kinh nghiệm xây dựng và triển khai mô hình thí điểm này, Thượng tá Nguyễn Thị Lý, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ cho biết, trước khi triển khai mô hình, 100% lãnh đạo, chỉ huy, CBCS trong đơn vị đã chủ động nghiên cứu, học tập, nâng cao kỹ năng dân vận; tìm hiểu, nắm vững nội dung, lợi ích của Đề án 06 và các tiện ích của tài khoản định danh điện tử, lợi ích và cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm vững cách cài đặt, đăng ký, kích hoạt, sử dụng thành thạo tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNEID. Bên cạnh việc cử các tổ lưu động đến tận nhà, đến tận trụ sở cơ quan doanh nghiệp hay trường học, trường dạy nghề để tuyên truyền, trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn thực hiện, đơn vị còn biên soạn, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình; xây dựng các tin, bài, infographics, video clip đăng tải lên xã hội để người dân nắm được và thực hiện.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thông báo lịch trình công tác của các tổ lưu động để người dân địa phương chủ động bố trí thời gian, phương tiện thực hiện, đồng thời lựa chọn khung giờ phù hợp với sinh hoạt của bà con nhân dân ở từng địa bàn để xuống tận nơi hướng dẫn.
Đơn cử như, đối với khu vực thành thị, ban ngày đa số cư dân thường đi làm hành chính, chiều tối mới về, nên các tổ công tác lưu động sẽ bố trí thời gian xuống cơ sở vào cung giờ từ 18h - 21h30; còn đối với bà con ở khu vực nông thôn, nếp sinh hoạt thường sớm hơn nên cung giờ xuống địa bàn được anh em triển khai từ 16h00 - 19h30. Còn đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thông thường sẽ bố trí triển khai theo theo sự sắp xếp của từng cơ quan, đơn vị.
Chính nhờ tinh thần tận tụy, không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng xuống tận địa bàn cơ sở để phục vụ nhân dân, mô hình thí điểm “Tổ lưu động hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử ở cơ sở” đã nhanh chóng nhận được sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và nhân dân. Chỉ trong 1 tháng đầu triển khai mô hình (từ ngày 13/2 - 14/3/2023), các tổ lưu động của Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Hà Nam đã tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, kích hoạt được 1.923 tài khoản định danh điện tử trên địa bàn 8 xã, phường, thị trấn và 3 trường học.
Sự phấn khởi của người dân và những kết quả đã đạt được của mô hình thí điểm “Tổ lưu động hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử ở cơ sở” do Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Hà Nam triển khai trong 1 tháng vừa qua đã chứng tỏ được hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ của mô hình đối với quần chúng nhân dân, được đông đảo bà con nhân dân ở địa bàn cơ sở vô cùng hoan nghênh và hưởng ứng.
Từ kết quả và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Tổ lưu động hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử ở cơ sở” của Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, ngày 14/3 vừa qua, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương học tập kinh nghiệm, triển khai nhân rộng mô hình, nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam.