Lan tỏa nét đẹp văn hóa ngày xuân
Xã hội ngày càng hiện đại, nghi thức, nghi lễ cũng có những thay đổi nhất định nhưng trong sâu thẳm tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán vẫn luôn chứa đựng đầy đủ nhất những giá trị thiêng liêng, là di sản văn hóa hàng đầu, mang đậm cốt cách và tinh thần dân tộc, cần được bảo tồn, phát huy và lan tỏa.
Tết là dịp đoàn tụ của mọi gia đình, nên dù khó khăn, cách trở đến đâu ai nấy cũng đều cố gắng thu xếp để “về quê ăn Tết” bởi dẫu đủ đầy, thậm chí dư giả vật chất nhưng nếu thiếu vắng sự hiện diện của người thân thì ngày Tết dường như chưa trọn vẹn. Bàn thờ tổ tiên là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống nên dịp Tết luôn được các gia đình chăm chút trang hoàng chu tất. Tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng hầu như đều phải có cành đào đỏ thắm, tấm bánh chưng xanh cùng mâm ngũ quả với đủ loại màu sắc tượng trưng cho mong ước: Phú - quý - thọ - khang - ninh.
Ấm áp nhất là thời khắc sum vầy đêm giao thừa. Trong phảng phất hương trầm thơm ngát, các thành viên trong gia đình cùng thành kính hướng về bàn thờ gia tiên, cầu mong một năm mới nhiều may mắn, thành công, rồi nâng li rượu, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Khoảnh khắc thiêng liêng ấy nhân lên sự bao dung, độ lượng, hóa giải những hiểu lầm, mâu thuẫn để mọi người trở nên gắn bó, thấu hiểu, yêu thương nhau hơn. Chính giá trị văn hóa này đã tạo nên vẻ đẹp đặc sắc của Tết Nguyên đán Việt Nam.
Biểu diễn múa hát dân ca trong dịp Tết Nguyên đán tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.
Ảnh: Hoàng Oanh
“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” là nét văn hóa bản địa rất độc đáo của người Việt. Dù cuộc sống hiện đại tác động ít nhiều đến phong tục này, song giá trị cốt lõi vẫn không thay đổi. Ngoài chúc Tết ông bà, bố mẹ, thầy cô, mọi người dành thời gian đến thăm cô dì, chú bác, anh em, bạn bè, láng giềng, đồng nghiệp… Trong tâm thế hân hoan, ai nấy đều khoác lên mình những bộ quần áo tươm tất, trao nhau nụ cười ấm áp và ánh mắt yêu thương. Dù cuộc sống còn nhiều bộn bề tất bật, nhưng Tết đến, dường như tất cả mọi người đều tạm quên những phiền lo của năm cũ, cùng nhau đón chào một năm mới rực rỡ, với những niềm tin yêu và hy vọng. Ông bà ân cần mừng tuổi con cháu những phong bao lì xì màu đỏ cùng lời dặn dò, chúc tụng phải nỗ lực học tập, lao động để thành công. Con cháu thành kính mừng tuổi ông bà với lời chúc mạnh khỏe, trường thọ, an vui. Trong quan niệm dân gian, không dịp nào linh nghiệm bằng dịp đầu năm mới nên lời chúc Tết luôn gửi theo ước nguyện cùng niềm hy vọng về vô vàn những điều tốt lành cho người được nhận. Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu Xuân, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng gia đình tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi. Đó là truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam, vừa thể hiện sự kính trọng người già, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, vừa giáo dục, răn dạy con cháu cách đối nhân xử thế, đồng thời động viên người cao tuổi tích cực tham gia hoạt động xã hội, góp phần xây dựng quê hương.
Ngoài thành kính thờ cúng gia tiên, ngày Tết người dân thường thành tâm tìm về các cửa đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho bản thân và gia đình. Về nơi cửa Phật, cửa Thánh…, hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Đó không chỉ là niềm tin tâm linh về sự an lạc mà còn là một phần trong truyền thống hướng về nguồn cội của mỗi người dân đất Việt.
Với Hà Nam, để đáp ứng nhu cầu thắp hương lễ Phật, du xuân trong dịp Tết của đông đảo nhân dân và du khách, các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đều luôn chủ động chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Năm Giáp Thìn này, Lễ hội chùa Tam Chúc sẽ có thêm nhiều điểm mới, từ thay đổi hình thức bán vé, mở rộng lối ra, vào đến tăng cường số lượng thuyền, xe điện, nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ trông giữ xe…, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách về trẩy hội. Giá vé, phí các dịch vụ được niêm yết công khai, số điện thoại đường dây nóng cùng với hệ thống mã QR-code được bố trí tại nhiều điểm dễ nhận thấy, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự được tăng cường, túc trực 24/24 giờ, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hiện tượng phản văn hóa trong lễ hội. Đến chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, chùa Phật Quang… ngoài thắp hương lễ Phật, du xuân, du khách còn được chụp những bức ảnh phong cảnh hữu tình làm kỷ niệm, được tham gia các lễ: Thuyết pháp, phóng sinh, cầu quốc thái dân an…
Với hơn 100 lễ hội truyền thống, chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân, trong đó có những lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Tam Chúc, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương…, cùng nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc, mỗi dịp đầu xuân mới, Hà Nam đón hàng trăm nghìn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm bái. Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức bảo đảm trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán của địa phương; trở thành nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, phần lễ trong các lễ hội không chỉ thuần túy mang ý nghĩa về mặt tín ngưỡng mà còn thể hiện truyền thống tôn kính tổ tiên, "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức các vị anh hùng, danh nhân… Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú như: các giải thể thao; trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh; tổ chức trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật… qua đó, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước; ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc, địa phương; thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử đúng mực với những di sản mà cha ông để lại; đồng thời khai thác tốt tiềm năng du lịch của tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Hà Nam thân thiện, mến khách tới gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế.
Mấy năm gần đây, tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam và một số điểm vui chơi giải trí trong tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực tái hiện không gian văn hóa chợ quê ngày Tết với những món ăn dân dã, đặc sản của các làng quê và tổ chức nhiều trò chơi dân gian (bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, đi cầu khỉ, kéo co, đánh đu...) thu hút nhiều người dân, nhất là trẻ nhỏ đến tham gia và cổ vũ. Có năm, Bảo tàng tỉnh còn có các “ông đồ” mặc áo dài, khăn xếp ngồi viết thư pháp, cho chữ lấy may. Tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh và nhà văn hóa một số địa phương, dịp đầu xuân đã tổ chức trưng bày sách báo, câu đối Tết, nhằm gieo mầm tri thức, lan tỏa niềm say mê đọc sách cho thế hệ tương lai. Nét đẹp trồng cây đầu xuân cũng được các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, UBND phường, xã, thị trấn đã phát động phong trào trồng cây xanh ở trụ sở đơn vị. Lễ hội Xuân hồng cũng là hoạt động thường niên thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân tham gia hiến máu cứu người, nhân rộng nghĩa cử cao đẹp và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Dẫu rằng đâu đó vẫn còn hiện tượng xa hoa, lãng phí khi mua sắm, sự biến tướng của tục mừng tuổi, tình trạng mê tín dị đoan, nạn cờ bạc, rượu chè… song với những nét đẹp văn hóa truyền thống bao trùm, phổ biến, Tết Nguyên đán đã tạo nên những giá trị lớn lao, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, nhân lên niềm tự hào, tự tin cùng ý chí, khát vọng, mong muốn đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/lan-toa-net-dep-van-hoa-ngay-xuan-114459.html