Lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ
Cách đây 10 năm, ngày 5-12-2013, đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm chỉ là một thoáng trong lịch sử hơn 100 năm của nghệ thuật ĐCTT, nhưng một thoáng ấy đã có rất nhiều điều thay đổi, mang đến cả những niềm vui cùng không ít âu lo...
Bảo tồn và phát huy
Không phải đợi đến khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mà ngay từ trước đó, ĐCTT đã được chú trọng đầu tư, quảng bá. Tuy nhiên, dấu mốc 5-12-2013 vẫn được xem là bước ngoặt để từ đó ĐCTT nhận được sự chú ý nhiều hơn.
Từ dấu mốc đó, trong suốt 10 năm qua, chỉ tính riêng tại TPHCM đã có rất nhiều hoạt động gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật ĐCTT, như: Liên hoan các giọng ca tài tử thiếu nhi TPHCM (Giải Búp sen vàng); Liên hoan ĐCTT TPHCM (Giải Hoa sen vàng); Cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bài bản Tổ nhạc tài tử Nam bộ, bài ca Vọng cổ và chặp Cải lương; Cuộc vận động sáng tác lời mới ĐCTT Nam bộ chào mừng các ngày lễ lớn; Nhạc hội ĐCTT Nam bộ chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chương trình biểu diễn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ phục vụ chợ hoa xuân Trên bến dưới thuyền hàng năm; các chương trình truyền hình Tài tử cải lương, Vầng trăng cổ nhạc, Ngân mãi chuông vàng, Nghệ sĩ và sàn diễn, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ của Đài Truyền hình TPHCM; Chương trình phát thanh Thanh âm dân tộc dạy ca tài tử trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM…
Không chỉ là các chương trình lớn, mà ĐCTT còn được triển khai bảo tồn và phát huy ở các địa phương với các mô hình lớp “Truyền dạy ca tài tử cho các CLB ĐCTT và các em thiếu nhi trên địa bàn TPHCM” tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Trung tâm văn hóa TPHCM; tại các trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Thái Bình (quận 1), Đoàn Thị Điểm (quận 4), Giồng Ông Tố (quận 2); Trường THCS Đức Trí và Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1)…
Song song với các hoạt động, TPHCM cũng đã có các chương trình cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT, tiêu biểu là vào tháng 3-2018, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trên địa bàn TPHCM (giai đoạn 2018-2020), nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ nói riêng.
Theo Sở VH-TT TPHCM, tới đây thành phố sẽ thực hiện nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, như: Xây dựng chính sách khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ có thành tích xuất sắc; xây dựng đề án phát triển du lịch gắn với ĐCTT để phục vụ du khách khi đến tham quan TPHCM; tổ chức sưu tầm, tập hợp những di sản vật thể và phi vật thể có liên quan đến nghệ thuật ĐCTT (bài hát, nhạc cụ, hình ảnh…).
Nghệ thuật ĐCTT được vinh danh giúp tinh thần đội ngũ làm nghề phấn khởi, phát huy nhiệt huyết, tài năng, đam mê. NSƯT Phương Hậu (CLB ĐCTT Gia Định, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Sự lan tỏa ĐCTT trong cuộc sống đã giúp đưa loại hình nghệ thuật này đến với nhiều khán giả hơn, cũng giúp các nghệ sĩ, nghệ nhân, tài tử chuyên nghiệp có điều kiện để sống được với nghề. Những năm qua, nhất là sau đợt dịch Covid-19, tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng hầu hết các nghệ nhân, tài tử vẫn cố gắng theo nghề, sinh hoạt giao lưu, biểu diễn phục vụ khán giả”.
Xây dựng thế hệ tương lai
TS Mai Mỹ Duyên, một trong những chuyên gia hàng đầu về ĐCTT, cho biết, cách nay 10 năm, khi ĐCTT vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, bà đã đề xuất 7 nội dung nhằm phát triển bộ môn nghệ thuật này. Trong đó, có 2 nội dung căn bản nhất là việc đào tạo người biết thưởng thức và người biết biểu diễn ĐCTT. Việc đào tạo này có thể thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhưng hiệu quả nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật ĐCTT trong các gia đình, nhà trường, CLB và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.
Và thực tế, từ năm 2013 đến nay, cùng với sự xuất hiện hàng loạt sân chơi giao lưu, chương trình biểu diễn tại các tụ điểm văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, trường học các cấp, tại các nhà hàng, sân khấu hát với nhau, các liên hoan hội diễn thành phố và quận huyện…, có rất nhiều đội, nhóm, CLB mới ra đời, hoạt động sinh hoạt biểu diễn nghệ thuật phong phú, đa dạng, sôi nổi, lan tỏa sâu rộng nghệ thuật ĐCTT trong đời sống.
NSƯT Huỳnh Khải, một trong những thầy đờn nổi tiếng của giới ĐCTT, nhận xét: “Sau 10 năm, tôi thấy lớp trẻ tham gia sinh hoạt trong các CLB ĐCTT ngày càng đông, chất lượng... Các chương trình ĐCTT cũng không còn bó buộc ở sân khấu mà đã đi đến mọi nơi, kể cả ở các trường học với các buổi sinh hoạt ngoại khóa rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm và yêu thích của nhiều học sinh, thiếu nhi”.
Là tay đờn trẻ trưởng thành từ một trong các CLB ĐCTT tại TPHCM, Nguyễn Minh Thuận, 23 tuổi, chuyên về đàn kìm và đàn tranh, vừa tốt nghiệp Nhạc viện TPHCM, bộc bạch: “Đến nay, tôi gắn bó với hoạt động biểu diễn ĐCTT được 9 năm. Hiện tôi đang sinh hoạt tại CLB ĐCTT Tám Danh (quận 7) và cũng tham gia một số CLB ĐCTT của các tỉnh Đồng Tháp, Bình Phước, Đồng Nai... Với tôi, nghề đờn nuôi sống được bản thân, nhưng tôi thích chọn cho mình cách làm nghề vì đam mê. Theo nghề, tôi luôn mong muốn có thêm nhiều sân chơi giao lưu, sân khấu biểu diễn để nghệ thuật ĐCTT có nhiều cơ hội quảng bá, phát triển trong đời sống, tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ, đến với đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh, đó cũng là dịp để nghệ nhân, tài tử phát huy tay nghề, kỹ thuật ca diễn”.
Thực tiễn cho thấy, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các nghệ nhân, tài tử rất nỗ lực giữ lửa đam mê với nghề, chung sức gìn giữ, quảng bá ĐCTT trong đời sống. Sự gắn bó và tình yêu nghệ thuật ĐCTT bền bỉ ấy mãi là nền tảng vững chắc trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật độc đáo của ĐCTT trong sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật nước nhà.
NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM:
Tìm kiếm và bồi dưỡng đội ngũ kế thừa tài năng
Hiện nay, không khí đào tạo, sinh hoạt ĐCTT khá sôi động nhưng việc tập luyện, đào tạo vẫn còn theo lối mòn. Trong các cuộc sinh hoạt ĐCTT, thường chỉ tập các bài đã bị cắt giảm, ví dụ bài Nam xuân có 68 câu, nhưng chỉ diễn 8 câu đầu, còn lại 60 câu không giới thiệu; Xàng xê có 64 câu, thường diễn ca có 8 câu đầu hoặc 20 câu đầu... Do đó, khi sinh hoạt ĐCTT cần tạo thêm điều kiện để nghệ nhân, tài tử được tập luyện thêm các đoản khúc, khúc thức, hoặc những bài bản hiếm, tránh để những đoạn nhạc hay, chưa được phổ biến sẽ dần mai một.
Bên cạnh đó, hiện việc tìm kiếm tài năng vượt trội cũng chưa được chú ý nhiều. Theo tôi, trong quá trình sinh hoạt ĐCTT, nếu phát hiện các em nhỏ có năng khiếu thì các đơn vị văn hóa phải có trách nhiệm tập hợp, tạo điều kiện để nâng cao kiến thức đờn, ca, mời nghệ nhân giỏi về dạy cho các em, từ đó giúp có thêm đội ngũ nghệ nhân giỏi để kế thừa.
NSƯT Phương Hậu, Phụ trách CLB ĐCTT Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM:
Đưa ĐCTT vào phục vụ du lịch
Nghệ thuật ĐCTT hiện rất cần những không gian để biểu diễn, nhất là những nơi khán giả có thể dễ dàng tiếp cận. Ví dụ như xây dựng sân khấu biểu diễn ĐCTT tại các bảo tàng hoặc công viên, những điểm tham quan để quảng bá, giới thiệu và phục vụ khách du lịch quốc tế. Thậm chí, thành phố có thể xem xét xây dựng một sân khấu nhỏ chuyên biểu diễn ĐCTT vào ngày cuối tuần tại khu trung tâm, có thể ở phố đi bộ để các CLB đội nhóm ĐCTT thay nhau biểu diễn, nội dung đa dạng, giúp quảng bá tốt hơn nghệ thuật ĐCTT trong cộng đồng và phục vụ du khách quốc tế…
Bên cạnh đó, các tác giả sáng tác ĐCTT nên viết các tác phẩm mới với nội dung phù hợp với tâm tư, suy nghĩ của con người thời đại, mang hơi thở cuộc sống hiện đại, thay cho những bài bản cũ tuy hay nhưng đã quá quen thuộc.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-toa-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-nam-bo-post716847.html