Lan tỏa những việc làm ý nghĩa
Những năm qua, người có uy tín tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Những việc làm đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại các phum, sóc.
Những năm qua, người có uy tín tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Những việc làm đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại các phum, sóc.
Chúng tôi có dịp đến thăm nhà thầy giáo Lâm Es ở ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Hơn 80 tuổi nhưng Nhà giáo nhân dân (NGND) Lâm Es vẫn minh mẫn, tham gia tích cực vào các phong trào ở địa phương. Lĩnh vực mà NGND Lâm Es tâm huyết là dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tính đến nay, thầy Lâm Es đã có hơn 50 đầu sách giáo khoa dạy chữ Khmer được xuất bản, trong đó có nhiều bộ sách có giá trị như: sách Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ tiểu học đến THCS; bộ sách dành cho Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ từ lớp 10 đến lớp 12; giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở các trường trung học sư phạm vùng Khmer các tỉnh Nam Bộ… Hiện nay, với vai trò là Hội trưởng Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, thầy thường xuyên đi đến các chùa để vận động đồng bào cho con em đến trường. Hàng trăm suất học bổng của Quỹ Khuyến học tỉnh Sóc Trăng được trao cho các em học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học. “Tôi tâm niệm còn sức khỏe là còn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài” - NGND Lâm Es chia sẻ.
Ấp Tắc Giồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên có gần 90% số dân là đồng bào Khmer. Đời sống của người dân còn khó khăn, đường sá đi lại chưa được thuận tiện, hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm tỷ lệ cao. Những năm qua, ông Lâm Văn Phấn luôn là tấm gương điển hình trong công tác xã hội tại địa phương. Ông đã vận động bà con, thân nhân và kiều bào ở nước ngoài đóng góp gần hai tỷ đồng để xây sáu cây cầu, bốn tuyến đường giao thông dài gần 3 km, xây dựng hai nhà mát giữa ruộng làm nơi cho bà con trú mưa, nghỉ trưa khi đi làm đồng. Trước đây, ấp Tắc Giồng chưa có trường mầm non, ông Phấn đứng ra vận động người dân hiến 1.000 m2 đất để xây Trường mẫu giáo Bông Sen, tạo điều kiện cho con em trong ấp học tập.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Hoa ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, cụ Trần Cang, năm nay đã bước sang tuổi 98, nhưng hằng ngày vẫn hăng say làm từ thiện. Tính từ năm 1986 đến nay, cụ Trần Cang đã vận động hơn 15 tỷ đồng giúp đỡ hơn 4.000 lượt người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, người bệnh hiểm nghèo. Cụ được tặng 17 kỷ niệm chương, hơn 100 bằng khen từ cấp Trung ương đến địa phương. Với trái tim nhân hậu, tuổi cao nêu gương sáng, cụ Trần Cang luôn được bà con kính trọng, yêu quý.
Năm 2019, tỉnh Sóc Trăng có 609 người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Khmer là 516 người, dân tộc Hoa 82 người, dân tộc Kinh 11 người. Với uy tín của mình, trong ba năm qua (2017 - 2019), những người có uy tín đã vận động nhân dân cùng tham gia, đóng góp xây cầu nông thôn, xây, sửa chữa nhà, khoan giếng nước, các công trình phúc lợi dân sinh khác. Điển hình là Hòa thượng Thích Minh Hạnh vận động xây dựng hơn 150 cây cầu nông thôn, giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn; sư cô Thích nữ Như Liên, cụ Trần Cang, ông Huỳnh Phến, dù tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xây dựng nhà ở, tặng quà, gạo, hỗ trợ người nghèo khám và điều trị bệnh… Chính việc làm thiết thực đó, đội ngũ những người có uy tín đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 42 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 15 xã có đông đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 52,5% tổng số xã, vượt 10,5% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra; 26 xã đạt 15 tiêu chí trở lên.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào nhận định, với trách nhiệm của mình, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, nhiều người có uy tín đã có ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp. Nhiều người là cán bộ hưu trí, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, tham gia công tác hòa giải, đóng góp nhiều việc làm thiết thực ở địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết… Từ đó, đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng Dương Sà Kha khẳng định, người có uy tín luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào DTTS tăng gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; phát huy tốt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo…
Sự góp sức của người có uy tín góp phần không nhỏ trong ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương. Với những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng phong trào “Người có uy tín làm nhiều việc tốt” nhằm lan tỏa, nhân rộng những việc làm ý nghĩa, mô hình hiệu quả trong toàn xã hội.