Lan tỏa niềm tin từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

 Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Bắc Kạn quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện.

Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Bắc Kạn quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện.

Kết quả bước đầu xóa nhà tạm ở Bắc Kạn

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát (gọi tắt là Ban Chỉ đạo triển khai chương trình) trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai chương trình tỉnh khẳng định: “Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà còn là biểu hiện rõ nét của tinh thần nhân văn, trách nhiệm của Đảng và Chính phủ đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội”. Từ định hướng đó, Ban Chỉ đạo chương trình tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, huy động sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”.

Từ đầu năm 2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê và phân loại cụ thể từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ.

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 261 tỷ đồng, tỉnh đang tích cực huy động nguồn lực, đồng thời đề xuất Trung ương, các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời. Đến nay, cơ bản đã bảo đảm được nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả chương trình.

Dự kiến trong năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 4.716 hộ, trong đó có 3.986 hộ được xây mới và 730 hộ được sửa chữa. Tổng kinh phí thực hiện ước tính hơn 261 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 4/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành trên 360, đồng thời có trên 1.600 hộ đang triển khai thi công. Những con số này khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trong hiện thực hóa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Song song với công tác xây dựng kế hoạch từ tỉnh đến thôn, bản, tổ dân phố, Ban Chỉ đạo đạo triển khai chương trình tỉnh yêu cầu mỗi địa phương thành lập các tổ giúp đỡ trực tiếp tại cơ sở. Từ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Ban công tác Mặt trận đến các chi hội đoàn thể, lực lượng Công an đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng hành cùng người dân từ khảo sát, vận động đến tổ chức thi công và giám sát tiến độ.

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn cho biết: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2025 nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng có thư kêu gọi sự hỗ trợ từ toàn xã hội. Vận động sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và các hộ khó khăn khác. Ủy ban MTTQ các cấp cũng phát huy vai trò giám sát, công khai danh sách và mức hỗ trợ tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa thôn để bảo đảm tính minh bạch của chương trình.

Để bảo đảm chương trình được triển khai đúng tiến độ, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính, đặc biệt là các trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, giám sát công khai, minh bạch danh sách hỗ trợ; kêu gọi cán bộ, đảng viên đăng ký trực tiếp giúp đỡ hộ dân với địa chỉ, công việc cụ thể. Tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công trong mùa khô và hỗ trợ vận chuyển vật liệu, khắc phục khó khăn về nhân lực tại các địa bàn vùng khó khăn.

Hạnh phúc trong ngôi nhà mới

Giữa những thôn, bản yên bình của Bắc Kạn, từng mái nhà kiên cố dần mọc lên, thay thế cho những căn tạm bợ, xiêu vẹo. Với người dân, đó không chỉ là chỗ trú mưa nắng, mà còn là điểm tựa để an cư, lao động và nuôi dạy con cái. Tất cả bắt đầu từ sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương qua chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Với nhiều hộ nghèo, mái nhà vững chắc từng là giấc mơ xa. Nhưng khi được hỗ trợ, họ đã không ngồi yên chờ đợi mà chủ động góp công, góp sức, từng bước dựng xây tổ ấm cho chính mình.

 Vợ chồng anh Ma Quang Hiền, thôn Nà Sao, xã Yên Hân, Chợ Mới (người thứ 2 và 3 từ trái qua phải) bên căn nhà sàn đang dựng mới sau khi được hỗ trợ 60 triệu đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Vợ chồng anh Ma Quang Hiền, thôn Nà Sao, xã Yên Hân, Chợ Mới (người thứ 2 và 3 từ trái qua phải) bên căn nhà sàn đang dựng mới sau khi được hỗ trợ 60 triệu đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ở thôn Nà Đúc (xã Địa Linh, huyện Ba Bể), chị Nình Thị Thập, một phụ nữ đơn thân xúc động cho biết: “Nhà cũ của tôi đã xuống cấp, nhưng sống một mình, sức yếu, kinh tế khó khăn nên chẳng thể sửa. Nhờ Công an huyện hỗ trợ, tôi đã có căn nhà ghép mới. Từ nay, tôi yên tâm sống, không còn lo cảnh nhà dột mùa mưa, rét buốt mùa đông nữa”.

Những câu chuyện trên chỉ là vài trong số hàng ngàn hộ dân đang hưởng lợi từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Bắc Kạn.

Chương trình không chỉ cải thiện điều kiện sống mà còn thắp lên niềm tin, động lực cho người dân. Khi chính quyền biết lắng nghe, hỗ trợ sát sao, người dân sẽ mạnh dạn vươn lên, góp phần nhân rộng hiệu quả chính sách. Và hơn hết, đó là kết quả của sự đồng lòng từ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cộng đồng. Những nỗ lực lặng thầm ấy đã biến chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thành hiện thực: Một mái nhà vững chãi cho người nghèo.

Tập trung hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Bắc Kạn là một trong những mục tiêu trọng điểm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được triển khai quyết liệt trong năm 2025. Đây là sự thể hiện trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Với sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, chương trình đang được thực hiện đúng tiến độ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh nhấn mạnh: “Chương trình không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội”. Để chương trình thành công, Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai cụ thể, chỉ đạo đến từng địa phương, xây dựng phương án hỗ trợ từ cấp huyện, thành phố đến tận thôn, bản và từng hộ gia đình.

Một giải pháp quan trọng của chương trình là phát huy vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở. Tại mỗi thôn, bản, Tổ giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở đã được thành lập, do Bí thư Chi bộ chỉ đạo, gồm trưởng thôn, trưởng Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể và Công an viên. Các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ từng hộ từ khâu chuẩn bị đến thi công, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Tỉnh cũng chủ động tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, như hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ chưa đủ điều kiện. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tranh thủ thi công trong mùa khô để bảo đảm tiến độ.

 Cán bộ địa phương thăm hỏi, động viên gia đình ông Dương Văn Thái, thôn Tát Dài, xã Địa Linh (Ba Bể) (người thứ hai từ phải qua trái) sớm hoàn thành căn nhà cho gia đình ở.

Cán bộ địa phương thăm hỏi, động viên gia đình ông Dương Văn Thái, thôn Tát Dài, xã Địa Linh (Ba Bể) (người thứ hai từ phải qua trái) sớm hoàn thành căn nhà cho gia đình ở.

Nhằm triển khai hiệu quả chương trình theo đúng kế hoạch, các địa phương đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt. Tại huyện Ba Bể, đồng chí Dương Ngọc Thuyết, Bí thư Huyện ủy cho biết: “Các cấp đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng chương trình. Ban Chỉ đạo cấp xã phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên để theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ từng hộ gia đình trong quá trình triển khai.” Nhờ đó, đến giữa tháng 4, huyện đã hoàn thành gần 30 ngôi nhà và đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm trên 400 ngôi nhà khác.

Còn tại huyện Pác Nặm, theo đồng chí Đào Duy Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Chương trình đang được triển khai tương đối thuận lợi, song vẫn còn một số khó khăn như: Nhiều hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hộ thay đổi địa điểm xây dựng, nhân lực thiếu, nguồn kinh phí đối ứng hạn chế và một số hộ đăng ký nhưng chưa thực sự sẵn sàng xây dựng. Do vậy, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng công an, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân cùng chung tay hỗ trợ ngày công, vật tư, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khích lệ tinh thần để các hộ nghèo yên tâm xây dựng nhà ở mới.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Bắc Kạn phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa 4.716 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Đây không chỉ là hành trình xây dựng mái ấm cho người dân, mà còn là hành trình thắp sáng niềm tin, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho cộng đồng./.

Nhóm PV

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/lan-toa-niem-tin-tu-chuong-trinh-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-post70527.html