Lan tỏa phong trào 'Cựu chiến binh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'
Năm 2024, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Trị đã lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả phong trào thi đua 'CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi' do Hội CCB Việt Nam phát động. Cùng với đó, hội còn phát động đợt cao điểm'CCB chung tay vì người nghèo -Không để ai bị bỏ lại phía sau' đạt được những kết quả nổi bật. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh LÊ PHƯỚC MIỄN về kết quả đạt được của phong trào 'CCB chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'.
-Hội CCB tỉnh quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Kế hoạch phát triển KTXH của tỉnh; Nghị quyết chuyên đề của Hội CCB Việt Nam, trọng tâm là phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” để triển khai kịp thời từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong toàn thể CCB của tỉnh.
Để định hướng phong trào đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, ngay từ đầu năm 2024, từ Hội CCB tỉnh đến hội CCB các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở đã đưa nội dung mục tiêu phong trào vào kế hoạch hoạt động xuyên suốt của hội; ban hành hướng dẫn số 12/ HD-CCB ngày 16/1/2024 công tác kinh tế năm 2024, với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Đặc biệt, hội đã ban hành Kế hoạch số 16/ KH-CCB ngày 19/5/2024 phát động phong trào thi đua cao điểm “CCB chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2024 chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 19/5/2024 đến 2/9/2024, giai đoạn 2 từ ngày 2/9/2024 đến ngày 18/11/2024, đã tạo nên sự đồng thuận cao, hưởng ứng tích cực và khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp hội và hội viên.
Có thể khẳng định phong trào thi đua “CCB chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”năm 2024 đã tăng cường hơn nữa đoàn kết, gắn bó tình cảm thiêng liêng đồng chí, đồng đội; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị hàng đầu của hội là tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN và Nhân dân.
- Đề nghị ông cho biết các kết quả cụ thể của phong trào này?
-Kết quả đạt được của phong trào “CCB chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2024 rất đáng ghi nhận. Kể từ khi phát động, Hội CCB tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho hội viên CCB nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm được vay vốn để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CCB, làm cho “tín dụng đen” không có cơ hội len lỏi trong đời sống của hội viên CCB.
Ngoài nguồn tín dụng ưu đãi tại NHCSXH, các cấp hội đã động viên hội viên phát huy tình thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, nâng cao đời sống bằng cách gây quỹ để giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất như: Quỹ nội bộ hội giúp nhau phát triển kinh tế không lãi hoặc lãi suất thấp giải quyết được việc làm cho 463 lao động; Quỹ “Vì người nghèo” ; Quỹ khuyến học; Quỹ phòng chống thiên tai và các hoạt động tình nghĩa. Từ hiệu quả của phong trào thi đua thiết thực và sự sẻ chia của đồng chí, đồng đội cùng với ý chí vươn lên trong cuộc sống của các CCB nghèo nên tỉ lệ hộ CCB nghèo đến tháng 10/2024 đã giảm được 113 hộ, hiện còn 626 hộ; hộ CCB cận nghèo giảm 79 hộ, hiện còn 391 hộ; hộ trung bình, khá và giàu tăng.
Năm 2024 là năm đạt được những thành công đáng ghi nhận của cán bộ, hội viên CCB tỉnh về xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Các cấp hội đã tích cực, chủ động, đồng sức, đồng lòng chắt chiu đóng góp các nguồn quỹ, đồng thời kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ đã xây dựng được 16 căn nhà, đạt 210% kế hoạch, sửa chữa 25 nhà dột, nhà tạm.
Quảng Trị không phải địa bàn chính bị tác động của các cơn bão số 4 và số 6 vừa qua nhưng đã chịu nhiều ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng và tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp của CCB. Tuy nhiên, các CCB trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “CCB chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Đến nay, mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ có 87 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 21 hợp tác xã, 77 tổ hợp tác sản xuất, 329 trang trại, 1.264 gia trại, 1.487 hộ kinh doanh dịch vụ thu hút hàng nghìn lao động. Nhiều hộ CCB, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề, chủ doanh nghiệp do CCB làm chủ đã có nhiều mô hình sản xuất, hình thức truyền nghề, phổ biến kiến thức tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh cho CCB nghèo, cận nghèo và con em CCB, gia đình chính sách để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Các cấp hội CCB đã tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, doanh nghiệp giới thiệu nhiều việc làm mới cho CCB, con em CCB.
Kết quả phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả như: CCB Trần Văn Hiệp, Võ Văn Đáp (Vĩnh Linh); CCB Lê Đình Hóa (Hướng Hóa); CCB Nguyễn Quang Đoan (Đông Hà); CCB Trần Lương Cương (Hải Lăng)...là những tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
- Thời gian tới, Hội CCB tỉnh đề ra những nhiệm vụ và giải pháp gì để đưa các phong trào thi đua của Hội CCB Việt Nam và các phong trào thi đua của Hội CCB Quảng Trị phát động tiếp tục đạt kết quả cao, thưa ông?
-Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phong trào thi đua trên lĩnh vực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế của CCB cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho CCB về nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện. Phát huy vai trò CCB gương mẫu, đặc biệt CCB nghèo nêu cao trách nhiệm, ý chí tự lực vượt khó vươn lên thoát nghèo.
Các cấp hội điều tra phân loại, làm rõ nguyên nhân hộ CCB nghèo, cận nghèo; nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời có biện pháp phối hợp hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất, tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giới thiệu thêm nhiều việc làm mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nghèo. Xây dựng các mô hình giúp đỡ hộ nghèo như mô hình 5+1(5 hộ khá và giàu giúp đỡ 1 hộ nghèo) hoạt động hiệu quả.
Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH quản lý chắc nguồn vốn vay ưu đãi bằng các quy định cụ thể, sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác. Ưu tiên, hỗ trợ cho vay các đối tượng chính sách như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tiếp tục xây dựng các nguồn quỹ để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nhân CCB tăng cường liên doanh, liên kết, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển đúng hướng và đúng pháp luật; làm tốt công tác chính sách giúp đỡ người nghèo nói chung và CCB gặp khó khăn nói riêng. Đặc biệt đăng ký xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà dột nát, nhà tạm cho CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phấn đấu cuối năm 2025 xóa hết nhà tạm bợ, dột nát.
-Xin cảm ơn ông!
Tú Linh (thực hiện)