Lan tỏa phong trào đọc sách trong trường học

PTĐT - Sách là tinh hoa của nhân loại, chứa đựng kho tàng kiến thức khổng lồ. Để duy trì, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều mô hình thư viện, phong trào đọc sách phong phú, đa dạng. Qua đó, giúp học sinh phát triển tư duy, có ý thức tự đọc, tự học, chủ động tiếp nhận và chọn lọc thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.

Học sinh Trường tiểu học Hương Cần (huyện Thanh Sơn) đọc sách tại thư viện ngoài trời.

Học sinh Trường tiểu học Hương Cần (huyện Thanh Sơn) đọc sách tại thư viện ngoài trời.

Trường THPT Công nghiệp Việt Trì là một trong những ngôi trường phổ thông đầu tiên trong tỉnh thực hiện hiệu quả mô hình thư viện mở, thư viện tự quản. Cô giáo Lê Thị Nguyệt Nga- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đặt mục tiêu đưa thư viện trở thành nơi học tập, nghiên cứu, giải trí bổ ích cho học sinh. Hiện nay thư viện trường có gần 7.000 bản sách. Cùng với sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, sách tham khảo còn có hàng nghìn cuốn sách, truyện về các lĩnh vực khoa học, kỹ năng sống, tâm lý, giải trí... với nội dung phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh trong toàn trường mượn, đọc, nghiên cứu và chia sẻ”. Để nêu cao tinh thần tự giác, xây dựng và phát triển văn hóa đọc cho mỗi học sinh, Trường THPT Công nghiệp Việt Trì đã thành lập Câu lạc bộ sách và hành động với 24 thành viên. Từ năm học 2018 - 2019, nhà trường đã triển khai mô hình thư viện tự quản, các hoạt động của thư viện này đều do học sinh trực tiếp tổ chức, quản lý và duy trì dưới sự tư vấn của giáo viên. Các em đã tích cực vận động sự ủng hộ sách từ giáo viên, phụ huynh, học sinh và các cựu học sinh nhà trường để xây dựng tủ sách với nhiều nguồn sách hay nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức. Em Đào Thảo Vân, học sinh lớp 11C, chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Câu lạc bộ của chúng em luôn nêu cao tinh thần tự giác “mỗi người vì mọi người”; bởi vậy các thành viên luôn tích cực và có trách nhiệm thực hiện tốt các quy định khi tham gia câu lạc bộ. Chúng em thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách, giới thiệu sách theo chủ đề, vẽ tranh minh họa sách... nhiều bài viết hay, bức vẽ đẹp được nhà trường trao giải và lưu giữ, trưng bày trong thư viện trường. Để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn sách trong thư viện, các thành viên trong Câu lạc bộ sách và hành động tích cực phát động, triển khai chương trình “đổi sách tặng cây” (đổi 3 cuốn sách được tặng 1 cây xanh) trong toàn trường và nhiều hoạt động gây quỹ để mua sách mới thu hút đông đảo các bạn học sinh cùng tham gia. Từ mô hình này đã hỗ trợ rất lớn cho giáo viên của nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, định hướng về văn hóa đọc cho học sinh; đồng thời, phát huy tính tự quản trong việc giữ gìn, bảo quản tủ sách chung.

Mô hình thư viện tự quản của Trường THPT Công nghiệp Việt Trì tạo không gian đọc sách bổ ích cho học sinh.

Mô hình thư viện tự quản của Trường THPT Công nghiệp Việt Trì tạo không gian đọc sách bổ ích cho học sinh.

Là huyện miền núi của tỉnh song công tác đầu tư cho giáo dục luôn được quan tâm chú trọng, năm học này, huyện Thanh Sơn có trên 30.600 học sinh đến lớp với 81 điểm trường, trong đó có 55 trường phổ thông. Đồng chí Vi Đại Phong - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cho biết: “Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn huyện đã được đầu tư phòng thư viện theo hướng đạt chuẩn, trên 90% các trường xây dựng mô hình thư viện xanh, thư viện góc lớp, thư viện ngoài trời... cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh”. Chúng tôi đến Trường Tiểu học Hương Cần (xã Hương Cần) khi tiếng trống hết giờ vừa vang lên, học sinh từ trong lớp ùa ra, nhanh chóng đến bên các tủ sách tại thư viện ngoài trời, tìm và cùng nhau đọc. Nhằm tạo thói quen và rèn luyện ý thức đọc sách cho học sinh, nhà trường đã triển khai xây dựng góc thư viện trong mỗi lớp học, dành một khoảng sân xây dựng thư viện ngoài trời, sắp xếp bàn ghế, có mái vòm che để trong những giờ ra chơi, đầu giờ học các em có thể tranh thủ đọc được. Cô Phạm Thị Lịch - giáo viên phụ trách thư viện nhà trường cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, thường xuyên cập nhật, bổ sung những thể loại sách mới, truyện tranh phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học để tạo hứng thú và giúp các em dễ tiếp thu”. Trên 8.000 cuốn sách trong thư viện nhà trường và trên 1.000 cuốn tại thư viện ngoài trời được phân loại, sắp xếp một cách khoa học giúp giáo viên, học sinh dễ dàng tìm kiếm. Phòng đọc thư viện mở cửa các ngày trong tuần, các góc thư viện cũng trở thành nơi học tập, giải trí của học sinh sau mỗi giờ học. Tỷ lệ học sinh mượn và đọc sách thư viện đạt trên 80%. Do đa số học sinh là người dân tộc Mường nên bên cạnh đầu tư cho thư viện, nhà trường còn xây dựng góc không gian văn hóa Mường để trưng bày và lưu giữ các vật dụng đặc trưng mang giá trị văn hóa Mường cũng như những cuốn sách ghi chép lịch sử của các vật dụng, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán lao động sản xuất của người Mường để các em có thể tìm hiểu, trải nghiệm.Cùng với thành phố Việt Trì và huyện Thanh Sơn, đến nay 100% các trường học của tỉnh có thư viện đạt chuẩn trở lên, trong đó gần 400 trường đạt thư viện xuất sắc. Hiện toàn tỉnh có 524/ 598 trường phổ thông xây dựng mô hình thư viện góc lớp; trong đó có 293 trường tiểu học, 212 trường THCS và 19 trường THPT; 492 trường có thư viện ngoài trời; các hoạt động thư viện được tổ chức ngày càng linh hoạt, sáng tạo, phong phú mang lại hiệu quả cao.Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Triển khai xây dựng các mô hình thư viện gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các nhà trường đầu tư kinh phí cho phát triển vốn tài liệu, tổ chức tốt việc quyên góp, ủng hộ sách; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và cán bộ thư viện; quan tâm xây dựng, phát huy hệ thống thư viện mở: Thư viện góc lớp, thư viện lưu động, thư viện xanh…; tổ chức các hoạt động thư viện hiệu quả như: Thi giới thiệu sách, triển lãm sách... để khơi dậy, phát triển năng lực tự học cho học sinh”. Xây dựng thư viện chất lượng, duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách, giúp học sinh rèn luyện khả năng tư duy, tự học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời nâng cao hiểu biết, phát triển các kỹ năng sống tích cực cho học sinh.

Mai Hoa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202001/lan-toa-phong-trao-doc-sach-trong-truong-hoc-168721