Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo

Tỉnh Hưng Yên hiện có 27 giáo xứ, 53 họ đạo, 80 nhà thờ và nhà nguyện, 24 linh mục chính xứ, quản xứ; 66 nữ tu sinh hoạt tại 5 Cộng đoàn trực thuộc các dòng tu ở ngoài tỉnh và trên 20 nghìn giáo dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, 5 năm qua đồng bào Công giáo đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đồng chí Quách Thị Hương tặng quà giáo xứ Cao Xá, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ)

Hưởng ứng phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2018, Hội đồng mục vụ giáo họ thôn Điềm Xá, xã Minh Phượng (Tiên Lữ) vận động giáo dân quyên góp xây dựng nhà thờ và các công trình phúc lợi với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng; năm 2022, giáo dân nơi đây lại cùng với Nhân dân địa phương hiến hàng trăm m2 đất, đóng góp trên 220 triệu đồng làm đường bê tông liên thôn dài 800m. Các giáo dân thôn Sài Quất, xã Thành Công (Khoái Châu) hăng hái đóng góp trên 2,5 tỷ đồng nâng cấp đường làng, ngõ xóm và làm mới 2,5km đường bê tông nội đồng. Khi tỉnh triển khai dự án xây dựng tuyến đường ĐH.72 và dự án xây dựng cầu Hưng Hà, 28 hộ giáo dân thuộc giáo xứ Tiên Chu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đã nhanh chóng hiến đất, bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi để dự án thi công bảo đảm tiến độ. Tiêu biểu cho hoạt động hiến đất trong đồng bào Công giáo như: Ông Vũ Văn Hà ở thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở (Văn Giang) hiến 34¬m2; ông Trần Văn Phượng ở thôn Đức Ninh, xã Đức Hợp (Kim Động) hiến 15m2 đất... Hưởng ứng phong trào xây dựng khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu, đồng bào Công giáo tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, duy trì các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ… Hàng năm, 100% số gia đình giáo dân ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; trên 95% số gia đình giáo dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 90% số gia đình giáo dân có người thân qua đời thực hiện hỏa táng; 100% số gia đình giáo dân sử dụng nước sạch. Nhiều KDC Công giáo trở thành điển hình trong xây dựng KDC văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như: Giáo xứ Phương Bồ, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ); Giáo xứ Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (Kim Động); Giáo xứ Sài Quất, xã Thành Công (Khoái Châu)... Xác định kinh tế là đòn bẩy giúp phát triển bền vững, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, đồng bào Công giáo đã tích cực học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển đa dạng ngành nghề. Tại huyện Phù Cừ hiện nay có trên 100 mô hình kinh doanh dịch vụ, trang trại do giáo dân làm chủ, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm; giáo xứ Bùi Xá, xã Trung Hòa (Yên Mỹ) có hàng chục giáo dân làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm; ở thành phố Hưng Yên, nhiều gia đình giáo dân đầu tư phát triển mô hình doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng như: Gia đình ông Nguyễn Văn Hiểu (xã Hùng Cường), ông Nguyễn Quang Thụ (phường Minh Khai)…Công tác nhân đạo, từ thiện cũng là điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo. Những năm qua, đồng bào Công giáo không chỉ tích cực đóng góp xây dựng các quỹ như: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ Vì người nghèo... mà còn tích cực cùng các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà giáo dân già yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách, tiêu biểu như giáo dân huyện Phù Cừ ủng hộ các loại quỹ số tiền trên 120 triệu đồng; giáo dân huyện Yên Mỹ ủng hộ Quỹ Khuyến học và giúp đỡ trẻ em nghèo số tiền 80 triệu đồng... Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo đã và đang trở thành bộ phận không thể tách rời với các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương. Đặc biệt, với vai trò, uy tín của mình, các linh mục, trùm trưởng, trưởng ban hành giáo... luôn gần gũi, gắn kết với ban chi ủy, ban công tác Mặt trận thôn để đề xuất ý kiến, nguyện vọng của giáo dân và Nhân dân, nhất là việc hỗ trợ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh... Nhiều người có uy tín trong đồng bào Công giáo được Đảng đào tạo, bồi dưỡng, kết nạp và phân công tham gia các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, toàn tỉnh có 418 đảng viên là đồng bào Công giáo, trong đó có 18 người tham gia cấp ủy, 41 người tham gia HĐND các cấp, 223 người tham gia Ủy ban MTTQ và ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội các cấp... Đội ngũ cán bộ, đảng viên là đồng bào Công giáo đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, đóng góp tích cực cho các hoạt động tại địa phương. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, để mỗi gia đình đồng bào Công giáo được no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tạo điều kiện để mỗi chức sắc, đồng bào Công giáo đóng góp cho sự phát triển của quê hương, thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục tăng cường mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua xây dựng KDC “3 không”, “Xứ họ tiên tiến”; nâng cao nhận thức cho đồng bào Công giáo trước những âm mưu, luận điệu xuyên tạc, thủ đoạn của các thế lực thù địch, lợi dụng tôn giáo để truyền đạo trái phép, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tham mưu với Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ đồng bào Công giáo tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thông tin thị trường, vốn vay ưu đãi... để phát triển kinh tế; thăm hỏi, động viên chức sắc, đồng bào Công giáo nhân các dịp lễ, tết; quan tâm, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, hộ nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật... là đồng bào Công giáo với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ động bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo để phản ánh, kiến nghị tới cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời. Với những kết quả đạt được, tin tưởng rằng trong thời gian tới, đồng bào Công giáo trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, thực hiện tốt đường hướng tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa năm 2010 “Sống Phúc Âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; lời dạy của Đức Giáo hoàng Phrăngxít: “Người Công giáo phải là người công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, quyết tâm xây dựng Hưng Yên “trở thành tỉnh mạnh của toàn quốc” như di nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.

Quách Thị Hương
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202208/lan-toa-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-trong-dong-bao-cong-giao-f964fe8/