Xưởng tre Taboo không chỉ được biết đến là xưởng sản xuất đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ và vật dụng gia đình bằng tre, mà còn là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch. Ở đây có rất nhiều sản phẩm thú vị được làm thủ công bằng tre.
Ngay từ đầu, anh Võ Tấn Tân đã chọn hướng đi cho sản phẩm của mình là thủ công truyền thống, đa số sản phẩm làm ra đều dựa trên sự sáng tạo của đôi tay người thợ còn máy móc chỉ hỗ trợ phần nào đó thôi.
Những sản phẩm thủ công sẽ giữ được phần lớn hình dáng giá trị của cây tre và không làm phá vỡ cấu trúc của nó. Ngoài ra còn giữ được bản sắc riêng vùng miền và của người thợ.
Nghệ nhân không chỉ thao tác với tre mà còn phải hiểu tre. Hiểu bản chất, kết cấu của mỗi loại, tận dụng những tính chất tự nhiên để tạo ra các sản phẩm mang tính độc bản.
Kỹ thuật chế tác tre là một nghệ thuật đòi hỏi tính sáng tạo và tài năng đặc biệt. Từng thao tác nhẹ nhàng và khéo léo của nghệ thuật, bằng cách điêu khắc, mài mòn và tạo hình, họ biến những vạt tre nguyên sơ thành những tác phẩm nghệ thuật tinh thần.
Ở xưởng tre Taboo, các sản phẩm phải luôn được thay đổi, làm mới, qua đó sẽ đem làm cảm hứng cho người thợ khi muốn gắn bó lâu dài với nghề này cũng như thu hút du khách quay trở lại nơi đây ở những lần sau.
Những sản phẩm làm bằng tre hiện nay ở xưởng của anh Tân hiện có mặt tại một số nhà hàng, khách sạn, resort trên toàn quốc. Khách hàng đặt mua để trang trí các sản phẩm như Cá chép, Tôm càng xanh, Cua, Cá ngừ đại dương,…
Mỗi khi thực hiện những sản phẩm này, xưởng sẽ làm với kích thước lớn hơn thực tế rất nhiều. Nó đòi hỏi người thợ phải lột tả được hết từ những chi tiết rất nhỏ như bộ vảy cá đến mắt tôm hay càng cua một cách chân thật nhất để khi treo lên và bật đèn bên trong nó vẫn làm nổi bật các chi tiết của sản phẩm mình làm ra.
Để làm ra 1 sản phẩm người thợ sẽ phải thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định tùy vào độ khó của chi tiết và phức tạp của sản phẩm. Nó có thể là 1 ngày, 1 tuần, thậm chí 1 tháng. Có điều chắc chắn không sản phẩm nào giống nhau đến từng chi tiết vì nó phụ thuộc vào cảm hứng sáng tác của người thợ.
Không gian của xưởng tre lúc nào cũng có du khách trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau tìm đến tham quan và trải nghiệm.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thành phố Thế giới 31/10 vừa qua, UNESCO đã công nhận Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Hội An được coi là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng, một thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian.
Du khách quốc tế rất thích thú và say mê tự làm sản phẩm lưu niệm. "Tôi vừa hướng dẫn họ làm, vừa giới thiệu cho họ biết được những công dụng từ sự dẻo dai, hữu ích đa dạng của cây tre Việt Nam. Đặc biệt hơn, đó còn là những sản phẩm thủ công, có thể thay thế chất liệu nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.", anh Võ Tấn Tân chia sẻ thêm.
Đến với xưởng tre Taboo, du khách có thể thoải mái sáng tạo các sản phẩm với ý tưởng sẵn có của mình, được hướng dẫn sử dụng máy móc nhằm hỗ trợ du khách có thể hoàn thành sản phẩm của mình một cách hoàn hảo và ưng ý nhất.
Anh Võ Tấn Tân và đội ngũ của mình đã xây dựng được cơ ngơi vững chãi ven lũy tre làng, góp phần "tái sinh" một làng nghề tre truyền thống tưởng chừng đã mai một và để nhiều bạn bè quốc tế biết đến cây tre, loài cây được ví như linh hồn của làng quê Việt Nam.
Tre là một vật liệu tốt cho tương lai, nó có thể tái sử dụng, an toàn bền vững hơn là khai thác gỗ hay là những sản phẩm khác. Cây tre không chỉ là vật dụng trang trí mà còn làm ra các món đồ xuất khẩu.
Với những ai đã đặt chân đến xưởng tre Tamboo họ sẽ cảm thấy hiểu tre hơn, yêu tre hơn từ đó yêu môi trường hơn. Còn với những du khách đã sử dụng sản phẩm làm từ tre đó là cách họ tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Bởi vì môi trường hôm nay chính là thế giới ngày mai.