Lan tỏa thông điệp tủ sách gia đình

Vừa qua, NXB Phụ nữ đã ấn hành 2 cuốn sách có ý nghĩa trong việc tạo dựng văn hóa đọc đó là 'Xây dựng tủ sách gia đình - Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh' và 'Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm - Tự sự về giáo dục và văn hóa đọc của 'một người bán sách rong' của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Với 2 cuốn sách mới này, 'Người bán sách rong' Nguyễn Quốc Vương tiếp tục dấn thân với con đường mình đã theo đuổi và mong muốn lan tỏa thông điệp xây dựng tủ sách cho mỗi gia đình.

Tự chọn một "đường đi khó"!

Tâm huyết với sự nghiệp vận động và truyền cảm hứng đọc sách, tác giả - nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương lâu nay được độc giả trìu mến gọi bằng cái tên "Người bán sách rong". Quyết định nghỉ làm để ở nhà chuyên chú đọc sách, viết sách, bán sách và làm khuyến đọc của Nguyễn Quốc Vương có lẽ vẫn là bất ngờ với nhiều người.

Trong lời nói đầu "Xây dựng tủ sách gia đình - Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh", Nguyễn Quốc Vương cũng đã nói rõ quyết định "nghỉ hưu" ở tuổi 40 của anh không phải là một quyết định "bột phát", mà quyết định đó đã được anh suy nghĩ rất kỹ, rất lâu trước khi quyết định làm chủ thời gian của mình, làm chủ cuộc đời mình và đóng góp cho trẻ em, cho giáo dục và cho tương lai đất nước thông qua hoạt động khuyến đọc.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương trong một buổi nói chuyện về sách trong nhà trường.

Từng có 8 năm du học tại Nhật Bản - một đất nước rất coi trọng văn hóa đọc và coi đó như một điều kiện tiên quyết để phát triển con người - Nguyễn Quốc Vương từng làm việc tại cả khu vực Nhà nước, tư nhân và thực hiện nhiều khảo sát về văn hóa đọc tại Việt Nam và nhận ra mục tiêu, "sứ mệnh" mình đang theo đuổi.

Trong gần chục năm qua, Nguyễn Quốc Vương đã có nhiều hoạt động khuyến đọc, truyền cảm hứng đọc sách gây được sự chú ý của công chúng và mang lại những hiệu quả tích cực. Anh nhận lời khuyến đọc, nói chuyện về sách và truyền cảm hứng đọc sách cho đủ các loại đối tượng như: thầy cô giáo, học sinh - sinh viên, nhà văn hóa, thư viện, nhà máy, công ty và cả một số trại giam. Hàng trăm cuộc nói chuyện có tính chất "khuyến đọc" như thế đã được Nguyễn Quốc Vương thực hiện trên khắp 3 miền đất nước và thông qua các hoạt động kết nối để thiết lập "cộng đồng khuyến đọc", "hệ sinh thái khuyến đọc"…

Cuốn "Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm - Tự sự về giáo dục và văn hóa đọc'' của "một người bán sách rong", là những trải nghiệm, suy tư tác giả Nguyễn Quốc Vương về thực trạng giáo dục và văn hóa đọc ở Việt Nam. Bằng những trải nghiệm của cá nhân cũng như những nghiên cứu, khảo luận và quan sát cá nhân, tác giả mong muốn có thể chia sẻ, đồng hành với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc cũng như đóng góp cho sự thay đổi của giáo dục nước nhà.

Còn với cuốn "Xây dựng tủ sách gia đình - Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh", Nguyễn Quốc Vương mong muốn lan tỏa thông điệp xây dựng tủ sách cho mỗi gia đình, kêu gọi mọi người, mọi gia đình nâng cao nhận thức về việc đọc sách góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy cải tạo xã hội.

Cụ thể, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã chỉ ra vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách và tủ sách gia đình; cách thức xây dựng, vận hành cũng như phương pháp đọc sách cơ bản một cách khá chi tiết từ việc thiết kế giá sách, tủ sách trong gia đình; cách chọn đầu mục sách, đọc sách cùng con và quan trọng hơn cả là làm thế nào giúp trẻ hứng thú với việc đọc sách…

Ngoài ra, ở phần phụ lục tác giả giới thiệu 100 đầu sách nên có trong tủ sách của mỗi gia đình và thêm các thông tin về một số thư viện công, thư viện tư nhân, tủ sách gia đình khắp các địa phương trên cả nước để bạn đọc có thể tham khảo, học tập.

Cần thêm nhiều người "thắp lửa" cho Văn hóa đọc

Theo một số liệu thống kê đã được công bố, mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách, trong đó có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa. Vì thế, tính bình quân đầu người, mỗi năm người Việt chỉ đọc 0,8 cuốn sách ngoài sách giáo khoa - một con số quá ít ỏi so với các nước trên thế giới.

Thực tế, đã có nhiều thanh niên trưởng thành từ nông thôn chia sẻ rằng, họ chưa từng đọc cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa trong suốt 18 năm đầu đời. Đó là một hiện thực rất buồn, rất đáng báo động và bằng mọi giá phải thay đổi mà "những người truyền cảm hứng đọc sách" như Nguyễn Quốc Vương hay Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập ra chương trình "Sách hóa nông thôn" đã nhiều lần phải cảm thán.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: "Nếu Việt Nam hôm nay không coi trọng phát triển văn hóa đọc thì không chỉ mỗi cá nhân "có một lỗ hổng lớn trong nền tảng văn hóa của bản thân", mà đất nước cũng sẽ là một quốc gia "mù đọc", một quốc gia không có nền tảng để phát triển bền vững và vĩnh viễn không có cơ hội sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới!".

Hai cuốn sách truyền cảm hứng đọc và lan tỏa việc xây dựng tủ sách gia đình của tác giả Nguyễn Quốc Vương được NXB Phụ nữ ấn hành.

Theo tác giả Nguyễn Quốc Vương: "Đọc sách là một hình thức học tập mở, có vai trò to lớn và diễn tiến suốt cả đời người. Đọc sách không chỉ giúp chúng ta bổ sung kiến thức, bồi dưỡng trí tuệ, không chỉ giàu có về vật chật mà còn giàu có về tâm hồn… Có sức mạnh nội tâm con người sẽ không sợ hãi các thách thức từ thực tế. Vai trò của đọc sách đối với giáo dục gia đình chính ở chỗ ấy… Thông qua đọc sách, việc mở mang tri thức để làm việc, lao động sản xuất, mà việc đọc sách còn đem đến cho con người sự tinh tế, lòng trắc ẩn, cảm xúc phong phú. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà một trong những mục tiêu cơ bản của nhiều nền giáo dục là hình thành nên tâm hồn phong phú của trẻ em. Để có tâm hồn phong phú, con người phải được giáo dục. Đọc sách là một phương thức nằm trong đó!

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhà tù ở các nước tiên tiến, người ta trong khi tước đi quyền công dân vẫn đảm bảo quyền đọc sách của phạm nhân. Đơn giản vì họ tin đọc sách giúp phục hồi và duy trì nhân tính… Tại trại giam mà tôi thường đến phiên dịch, đầu hành lang nơi những người bước ra từ trại giam khi được trả tự do sẽ đi qua có đặt tấm biển lớn với dòng chữ viết kiểu thư pháp chân phương: "Là người thì sẽ phạm sai lầm những không để sai lầm lặp lại mới chính là người!". Và ngay ở bên dưới là giá sách, tạp chí. Sự sắp đặt ấy là sắp đặt có tính biểu tượng và đầy ý nghĩa".

Trong những năm qua, ngoài những người tâm huyết, thắp lửa cho văn hóa đọc, truyền cảm hứng đọc sách như Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Quốc Vương, ở một số địa phương đã xuất hiện những gương mặt cá nhân với thư viện tư nhân phục vụ tích cực cho cộng đồng như: thầy Bùi Văn Đông - người điều hành tủ sách Văn Bùi ở Ninh Bình, bạn Đỗ Hà Cừ - người điều hành không gian đọc Hy vọng ở Thái Bình, ông Phạm Thế Cường - chủ thư viện tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay…

Tác giả Nguyễn Quốc Vương tâm sự: "Tôi rất muốn ngày càng có nhiều gia đình ở Việt Nam mở rộng tủ sách gia đình của mình, thư viện cá nhân của mình để chia sẻ cho các độc giả xung quanh. Việc này vừa tận dụng nguồn lực sách vở cho khỏi lãng phí tài nguyên của thư viện vừa góp phần tạo ra một cộng đồng bạn đọc đông đảo. Từ đó làm nên sức mạnh cộng hưởng để xây dựng văn hóa đọc và phát triển quốc gia. Ngoài ra, việc mở rộng cửa cho bạn đọc ngoài gia đình đến mượn cũng đem lại cho chủ nhân tủ sách nhiều niềm vui cũng như cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của nhân sinh!".

Cũng là người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và thắp lửa văn hóa đọc, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: "Nhìn lại một thế kỷ đã qua, nay chúng ta vẫn đi lại con đường ông cha ta đã đi: Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hiến Lê… Chúng ta đang tiếp tục kêu gọi người dân quan tâm đến viếc đọc sách, đến việc "khai dân trí, chấn dân khí", chúng ta vẫn cần có những con người phải hi sinh, phải dấn thân để gây nền dân trí nước nhà… Đó là điều khiến Vương và những người làm khuyến đọc day dứt và rồi dấn thân. Mong một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, văn minh hơn vì có một thế hệ mới trưởng thành, biết trân trọng việc đọc sách và cùng xây dựng một cộng đồng văn minh...".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/lan-toa-thong-diep-tu-sach-gia-dinh-i648080/