Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Cách đây 20 năm, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW, ngày 1/8/2003 về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó đến nay, ngày hội đã trở thành 'cầu nối' giữa tổ chức đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần tạo không khí phấn khởi, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau đồng lòng, chung sức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do mặt trận phát động.
Bí thư Chi bộ, khóm trưởng khóm Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa Hồ Văn Vinh cho biết: “Hằng năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được khóm tổ chức với nhiều nội dung, hình thức khác nhau, bao gồm cả phần lễ và phần hội.
Tham dự ngày hội, người dân ở khu dân cư (KDC) đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang qua từng chặng đường phát triển của MTTQ Việt Nam. Đồng thời, lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các kế hoạch về phát triển KT-XH tại địa phương, thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng KDC văn hóa...
Phần hội được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong đồng bào các dân tộc, qua đó bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, góp phần xây dựng đời sống mới trong cộng đồng dân cư, xây dựng đô thị văn minh”.
Qua 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn đã thu hút đông đảo người dân khắp nơi trong tỉnh tham gia. Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn xác định “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở KDC hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập MTDTTN Việt Nam (18/11) là ngày sinh hoạt truyền thống về đại đoàn kết ở địa bàn dân cư.
Đây cũng là ngày tổng kết lại quá trình đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng KDC về việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN của địa phương.
Đây cũng là dịp để người dân tự đánh giá kết quả tự quản của cộng đồng; biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC từng bước có sức lan tỏa trong đời sống của Nhân dân. Sau 20 năm, có trên 98% KDC tổ chức cả phần lễ và phần hội thu hút hơn 80 vạn lượt người dân tham gia.
Qua tổ chức ngày hội đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở KDC, với nhiều nội dung, hình thức phong phú được đông đảo Nhân dân đồng tình, hưởng ứng tham gia. Trong phần hội, đã tổ chức nhiều hoạt động như: hội thi các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao... khơi dậy truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước nhằm nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tiêu biểu như huyện Hướng Hóa, Đakrông tổ chức lễ hội cồng chiêng, mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều; huyện Vĩnh Linh tổ chức thi kể truyện Trạng Vĩnh Hoàng, Bài chòi, huyện Hải Lăng tổ chức đua thuyền truyền thống...
Bên cạnh đó, mặt trận các cấp đã phối hợp tổ chức biểu dương, khen thưởng hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp ở địa phương. Trong 20 năm đã biểu dương, khen thưởng 16.300 tập thể, 75.200 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho địa phương.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những giải pháp để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH của địa phương.
Trong giai đoạn mới, ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị, KTXH ở địa phương, KDC, tạo tiền đề để MTTQ, hệ thống chính trị các cấp tập hợp, đoàn kết và phát huy hiệu quả vai trò khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng khẳng định: “Sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và các lực lượng xã hội, sức mạnh quần chúng nhân dân đã được tập hợp, huy động có hiệu quả, góp phần quan trọng, tích cực vào thành công của công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc qua 20 năm duy trì và mở rộng đã trở thành nét đẹp truyền thống, có ý nghĩa chính trị, văn hóa trong hoạt động của tất cả cộng đồng dân cư.
Tiếp tục phát huy những kết quả, ý nghĩa đó để lan tỏa sự đồng thuận trong Nhân dân là yêu cầu quan trọng đối với hệ thống mặt trận các cấp trong tỉnh nhằm phát huy vai trò nòng cốt hệ thống chính trị ở cơ sở.
Bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận cần chú trọng đổi mới nội dung tổ chức ngày hội thiết thực hơn theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, lấy KDC làm đơn vị hành động, lấy Nhân dân làm chủ thể, lấy việc cải thiện và nâng cao chất lượng mọi mặt của đời sống Nhân dân là mục tiêu phấn đấu.
Để thực hiện điều đó, cần chú trọng phát huy thật tốt tinh thần “Đoàn kết, hợp lực, tự quản để tổ chức các hoạt động thật ý nghĩa xây dựng các KDC nông thôn mới đáng sống: trù phú, sạch, xanh, sáng, an toàn, thân thiện”.
Đồng thời vận động nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; chăm lo gia đình chính sách, người nghèo. Tổ chức ngày hội sáng tạo, ý nghĩa thiết thực, khuyến khích tổ chức ngày hội liên KDC, tại các điểm di tích văn hóa, lịch sử gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với các giá trị dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.