Lan tỏa tinh thần đổi mới trong hoạt động giải trình
Cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao việc lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ngày 25/1/2024 hướng dẫn chi tiết việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Điều này giúp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình, thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của Quốc hội trong lĩnh vực giám sát.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh: quochoi.vn)
Hội nghị triển khai nghị quyết nêu trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Chính phủ rất quan tâm, qua thảo luận đều thống nhất nhận thức và quán triệt tinh thần: hoạt động giải trình chính là “được nói, được giải trình”, chứ không phải là “bị nói, bị giải trình”.
Việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, qua đó giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, sau giải trình các cơ quan có trách nhiệm cần khắc phục ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Hội đồng Dân tộc tiến hành hai phiên giải trình về: Kết quả thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Theo đánh giá, đây là những vấn đề được đồng bào các dân tộc quan tâm; kết quả các phiên giải trình mang lại hiệu quả thiết thực. Qua giải trình, nhiều đề xuất, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu, điều chỉnh trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả chính sách dân tộc...
Qua thảo luận vừa qua, nhiều kiến nghị về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình trong thời gian tới. Nhiều đề xuất được đưa ra như việc chú trọng triển khai giám sát lại, công khai thông tin, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, thanh tra công vụ, xử lý theo quy định; thời gian gửi báo cáo để bảo đảm sự chủ động cho các cơ quan. Vấn đề lựa chọn nội dung giải trình phải là những vấn đề nóng, bức xúc, cần sớm giải quyết hoặc vấn đề mới phát sinh mang tính cấp thiết mà dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm.
Nội dung quan trọng nữa là cần nhận thức sâu sắc mục đích chính của giải trình, ngoài việc làm rõ trách nhiệm còn nhằm cùng nhau phân tích, đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật, khắc phục hiệu quả để đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
Yêu cầu đặt ra đối với hoạt động giải trình là: đưa ra kết luận, qua đó nêu những dấu hiệu, nguy cơ tiềm ẩn phức tạp có thể nảy sinh trong quá trình hoạt động quản lý, phụ trách của đối tượng giải trình, nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả trong thực thi pháp luật; đồng thời, cần nghiên cứu, tổ chức việc giám sát các kiến nghị, kết luận qua giải trình.
Để việc giải trình có hiệu quả, các đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành nhất trí phương hướng cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Quốc hội và các cơ quan chịu sự giám sát, các cơ quan có liên quan, nhất là những vấn đề giải trình liên quan nhiều lĩnh vực của nhiều ủy ban. Cơ quan của Quốc hội cần sử dụng kết quả của kiểm toán, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, các chuyên gia, các nhà khoa học...
Vì vậy, làm tốt việc công khai hoạt động giải trình, đưa thông tin đầy đủ và thường xuyên trên các cơ quan truyền thông đại chúng như tinh thần đổi mới của Quốc hội vừa qua về kết luận, kiến nghị giải trình nói riêng và giám sát nói chung, sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, hiệu quả hoạt động giám sát những vấn đề cấp bách, thiết thân từ thực tiễn cuộc sống nhân dân.