Lan tỏa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tới toàn dân

Chia sẻ với phóng viên TG&VN, Đại sứ Ngô Quang Xuân, người có bề dày kinh nghiệm hoạt động ngoại giao đa phương tại Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức quốc tế khác, bày tỏ tin tưởng rằng Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ đem lại kết quả tích cực và lan tỏa một cách rộng rãi trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Đại sứ Ngô Quang Xuân tham dự Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Ngô Quang Xuân tham dự Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên lề Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại sứ Ngô Quang Xuân đã chỉ ra những ý nghĩa to lớn của Hội nghị trong việc đề ra đường hướng rõ ràng, cụ thể trên cơ sở ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Thưa Đại sứ, xin ông đánh giá về ý nghĩa của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt với ngành Ngoại giao?

Đây là Hội nghị về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc đầu tiên mà do Bộ Chính trị và Ban Bí thư triệu tập. Thành phần tham dự là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao, các bộ ngành và 64 tỉnh thành trên cả nước tham gia dưới hình thức cả trực tiếp lẫn trực tuyến.

Nội dung Hội nghị là nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại, đồng thời đánh giá lại toàn bộ công tác đối ngoại và đưa ra phương hướng thực hiện, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII hiệu quả nhất.

Với nội dung và quy mô lớn, tầm cỡ như vậy, có thể khẳng định rằng Hội nghị lần này mang tính lịch sử, là một sự đổi mới một cách toàn diện về tư duy đối ngoại.

Hội nghị lần này sẽ giúp nâng cao nhận thức toàn đảng toàn dân về mặt trận đối ngoại, nhất là trong thời đại hiện nay. Hơn bao giờ hết, đất nước ta đang cần một nền hòa bình bền vững, ổn định chắc chắn để tập trung toàn lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tàn phá thế giới, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, Hội nghị lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Với những ý nghĩa đó, tôi nghĩ rằng công tác đối ngoại nói chung, và ngành Ngoại giao nói riêng sẽ đón nhận, tham gia và thụ hưởng kết quả Hội nghị một cách đặc biệt, chưa từng có tiền lệ.

Trong đối ngoại, quan trọng nhất là sự thống nhất về tư tưởng, đề cao nhận thức. Bởi vậy, có một chương trình hành động thống nhất để phối hợp được tất cả các bộ, ngành, từ trung ương tới địa phương đồng lòng, nhất trí cùng nhau thực hiện thì chắc chắn công tác đối ngoại sẽ thu được nhiều kết quả tích cực, hiệu quả trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, tôi tin rằng Hội nghị này sẽ lan tỏa một cách rộng rãi tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII trong toàn đảng, toàn quân, và toàn dân.

"Có thể khẳng định rằng Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mang tính lịch sử, là sự đổi mới một cách toàn diện về tư duy đối ngoại" - Đại sứ Ngô Quang Xuân.

Các đại biểu nghe chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc từ đầu cầu Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các đại biểu nghe chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc từ đầu cầu Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, xin Đại sứ chia sẻ nhận định của mình về mối liên hệ và vai trò của đối ngoại Quốc hội với ba trụ cột đối ngoại?

Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần này là một đòn bẩy, sự hỗ trợ, chỉ lối, vạch đường cho các trụ cột đối ngoại của nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”, thể hiện quan điểm của Người về mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả của công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước.

Từ trước đến nay, ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã có sự phối hợp tốt, nhưng qua Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần này thì ba lực lượng, ba “binh chủng ngoại giao” này càng thêm gắn kết, đồng lòng nhất trí tham gia triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại.

Trong đó, đối ngoại Quốc hội hay còn gọi là ngoại giao nghị viện, là mảng đối ngoại rất quan trọng của ngoại giao Nhà nước. Có thể nói rằng, đối ngoại Quốc hội là một phần không thể tách rời và không thể thiếu trong ngoại giao nhà nước và trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của chúng ta.

Đối ngoại Quốc hội vừa đóng góp nội dung, vừa là cánh tay nối dài, vừa có thể mở đường vì đối ngoại Quốc hội mang đậm tính chất ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước nhưng đồng thời cũng là một nội dung của ngoại giao nhân dân vì quan hệ giữa nghị viện với nghị viện, quan hệ giữa nghị sĩ với nghị sĩ cũng là quan hệ đại diện cho các cử tri của từng quốc gia.

Chính vì vậy, đối ngoại Quốc hội là có mối liên hệ chặt chẽ, là thành tố đan xen trong ba trụ cột đối ngoại và đóng vai trò quan trọng trong công tác đối ngoại.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Đại sứ Ngô Quang Xuân từng là Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York (1993-1999), Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (2003-2008), và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XII.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-toa-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang-toi-toan-dan-167999.html