Lan tỏa tình yêu biển, đảo đến với thế hệ trẻ

Bằng những tình cảm rất đỗi thiêng liêng, tha thiết trong lần đến với quần đảo Trường Sa, chị Y Việt Sa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum đã sáng tác bài thơ xúc động: 'Những dòng này tôi viết ở Trường Sa/ Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ/ Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ/ Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên'. Vừa qua, bài thơ đã được đưa vào đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Y Việt Sa và các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Y Việt Sa và các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Y Việt Sa (sinh năm 1989, tại Kon Tum) là người Rơ Ngao - một nhánh của dân tộc Bahnar. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, chị đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, mang theo quyết tâm của tuổi trẻ Rơ Ngao để xây dựng mảnh đất quê nhà ngày càng phát triển. Vào Facebook Y Việt Sa, tôi vô cùng xúc động khi thấy chị đăng một tờ báo cũ có bài viết về chị, khi chị đang học lớp 5. Ở đó, tác giả bài viết đã kể về những thành tích đáng nể của cô gái này, như 5 năm liền là học sinh giỏi xuất sắc. Tác giả bài viết cũng khẳng định: “Y Việt Sa thật xứng đáng là bông hoa pơ lang đẹp của núi rừng Tây Nguyên, là gương mặt tiêu biểu trong cuộc gặp mặt “Học sinh nghèo vượt khó” của tỉnh Kon Tum”. Trò chuyện cùng Y Việt Sa, tôi thấy ở chị sự gần gũi, chân tình, thân thiện, nhiệt huyết.

Chia sẻ cơ duyên sáng tác bài thơ về Trường Sa, chị Sa cho biết, chị được là đại biểu tham gia “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2024 (do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức) và được phát một tấm giấy để viết thư gửi đến Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX. “Lần đầu tiên đến Trường Sa nên bản thân tôi có rất nhiều cảm xúc. Đó là sự xúc động và cảm phục các cán bộ, chiến sĩ Hải quân, đặc biệt là những người chiến sĩ trẻ kiên cường, rắn rỏi, quả cảm trên những hòn đảo giữa biển khơi nên tôi đã sáng tác bài thơ này từ những cảm xúc đó. Khi viết bài thơ này, tôi rất xúc động nên viết cũng khá nhanh. Tôi mong muốn những dòng thơ này sẽ đến được với những bạn trẻ sẽ tham dự Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhiệm kỳ mới để phần nào đó đưa tình yêu biển, đảo, đưa hình ảnh của các chiến sĩ Trường Sa đến gần hơn với các bạn ấy. Và song song với đó là sự tự hào về những dấu ấn mà tuổi trẻ Việt Nam đã và đang làm trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc” - chị bộc bạch.

Khi nhận được thông tin bài thơ cùng bài viết của mình được chọn trong đề thi tuyển sinh tại thành phố Hồ Chí Minh, chị đã vỡ òa trong niềm vui sướng, hạnh phúc. “Sau chuyến hải trình, tôi chỉ nghĩ một điều là cố gắng kể thật nhiều câu chuyện được trải nghiệm để mọi người yêu biển, đảo hơn, sẽ có thêm nhiều tình yêu, nhiều nguồn lực đến với Trường Sa chứ không nghĩ được lan tỏa nhiều như vậy. Bởi vì tôi cũng chỉ như một hạt cát bé nhỏ, một cánh chim giữa trời bao la, cố gắng góp sức cùng những chiến sĩ Trường Sa lan tỏa tình yêu này. Nhưng hôm nay, những việc làm dù nhỏ bé nhưng đã được lan tỏa để từ đó, nhân rộng hơn tình yêu của thế hệ trẻ với biển, đảo Tổ quốc. Những câu thơ, những lời văn là từ trong sâu thẳm trái tim tôi, một cô gái ở vùng đất Tây Nguyên đại ngàn” - chị Sa xúc động chia sẻ.

Trở về sau hành trình, Việt Sa dần chia sẻ những hình ảnh, những cảm xúc, hình ảnh, câu chuyện về biển đảo thân yêu của đất nước. Chị cho biết, trong gia đình, chị thường kể những câu chuyện về Trường Sa cho hai con nhỏ nghe. “Có thể nói, tuy vào đất liền một thời gian nhưng tâm hồn tôi vẫn “ở lại” với Trường Sa thân yêu. Tôi vẫn thường mở bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng, thành ra đến giờ, hai đứa con tôi thuộc luôn. Khi nghe mình kể chuyện về chiến sĩ Trường Sa, các con cũng hỏi rất nhiều về người chiến sĩ. Rồi khi mình gọi điện cho một chiến sĩ trên nhà giàn DK1/8 hỏi thăm, các con cũng cùng hỏi thăm người chiến sĩ đó” - chị bộc bạch.

Y Việt Sa (ngồi ngoài cùng, bên phải) tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Y Việt Sa (ngồi ngoài cùng, bên phải) tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gắn bó với công tác Đoàn đã hơn 10 năm khi lần lượt trải qua nhiều vị trí từ chuyên viên, Trưởng ban Tuyên giáo, Chánh Văn phòng rồi Phó Bí thư Tỉnh đoàn, bản thân chị rất yêu thích, say mê với công việc này. Theo chị, các hoạt động phong trào của Đoàn luôn hướng về bà con nhân dân và đoàn viên thanh niên ở các vùng khó khăn của tỉnh thông qua những công trình, phần việc thiết thực hỗ trợ bà con nhân dân và các bạn đoàn viên thanh niên trong cuộc sống, trong học tập. Môi trường của công tác Đoàn là nơi khơi dậy cho đoàn viên thanh niên rất nhiều lý tưởng tốt đẹp: Đó là tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; là sự thấu hiểu, sẻ chia với những cuộc đời còn khó khăn; là sự lắng nghe để ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước; là môi trường kết nối rất nhiều tấm lòng cùng hướng về những điều tích cực...

Chị Sa cho biết, Kon Tum là tỉnh miền núi, thanh niên đa phần là người dân tộc thiểu số nên vấn đề đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số luôn được các cấp bộ Đoàn và tổ chức Hội các cấp quan tâm. Song song với đó là hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên trong phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp. “Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi ngày ngày được cống hiến cho công tác Đoàn của Kon Tum. Nhìn vào thế hệ trẻ của tỉnh nhà hôm nay, tôi tin, Kon Tum sẽ ngày càng phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng đoàn kết, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức” - chị Sa nhận định.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-toa-tinh-yeu-bien-dao-den-voi-the-he-tre-post479623.html