Lan tỏa tình yêu biển, đảo Việt Nam
Lâu nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội hình thành một nhóm những người yêu biển, đảo Việt Nam. Họ cùng chung chí hướng, chung tay hành động để lan tỏa tinh thần 'đảo là nhà, biển cả là quê hương'.
Lặng thầm trong hành động, mỗi mùa tàu rẽ sóng ra các đảo, quần đảo luôn có họ đồng hành, góp phần mang đến ngọn gió tình cảm ấm áp từ đất liền gửi trao những người đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng...
Thiêng liêng những điểm mốc trên biển
![Những cây đào từ Thủ đô Hà Nội được vận chuyển đến quần đảo Trường Sa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_8_51481593/263e9cdfaf9146cf1f80.jpg)
Những cây đào từ Thủ đô Hà Nội được vận chuyển đến quần đảo Trường Sa.
Trong câu chuyện kể về nhóm những người yêu biển, đảo Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, thành viên của nhóm cho biết, các thành viên trong nhóm đang lập hồ sơ, thực hiện thủ tục theo quy định để cơ quan chức năng xem xét, cho phép thành lập Hội Biển đảo Việt Nam. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng cho phép thành lập hội, nhóm những người yêu biển, đảo đã và đang tiếp tục hành trình không ngưng nghỉ hướng về biển, đảo quê hương.
Chuyện về tình yêu biển, đảo của nhóm chắc kể cả ngày không hết. Nhưng ấn tượng rõ nhất trong đó vẫn là về hành động hướng đến 11 điểm mốc cơ sở trên biển. Đây là những điểm đánh dấu tọa độ hình thành nên đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam. Theo anh Hùng, có thể nhiều người đã được tiếp cận biển, đảo của đất nước, nhưng các điểm mốc cơ sở trên biển thì rất ít người biết. Không đơn thuần như những cột mốc trên đất liền, để đến được điểm mốc cơ sở trên biển vô cùng khó khăn, gian nan vì nhiều lý do, từ điều kiện địa lý xa xôi cách trở, sóng gió, thời tiết khắc nghiệt, đến phương tiện vận chuyển... Nhưng khi chạm được vào cột mốc, trong lòng mỗi người sẽ bời bời trỗi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Bởi đến đây, cảm nhận và trải nghiệm mới thấy, công việc của những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên biển, đảo vất vả nhường nào. Không tả được thành lời, không nói hết được cảm xúc, chỉ là cảm nhận và ngấm vào suy nghĩ, hành động của mỗi người.
Trải lòng về trải nghiệm được đến điểm mốc cơ sở A1, anh Hùng kể, đầu năm 2024, trong hải trình thăm, chúc Tết quân, dân quần đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) thuộc vùng biển Tây Nam do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức, anh may mắn đến được điểm mốc cơ sở A1 trên đảo Hòn Nhạn (thuộc quần đảo Thổ Chu). Đảo Hòn Nhạn nằm ở phía Tây Nam đảo Thổ Chu, cách cầu cảng Thổ Chu khoảng 5km đường chim bay. Từ đảo Thổ Chu ra Hòn Nhạn khá khó khăn do phải tiếp cận đảo bằng tàu, thuyền cá của ngư dân. Hòn Nhạn rộng khoảng 3,37ha, cấu tạo từ đá trắng xếp chồng lên nhau, hình thành nhiều hang cho chim nhạn trú ngụ. Đảo không có nước ngọt, chỉ cây bụi, cây dại mới sống nổi. Đỉnh cao nhất của đảo là nơi đặt mốc cơ sở A1. “Khi lên được điểm mốc, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay, trong tôi trào dâng niềm xúc cảm, tự hào khó tả. Một thứ gì đó nghẹn lại trong tim, trào dâng trong mọi mạch máu của cơ thể. Một sự thiêng liêng khôn xiết!”, anh Hùng xúc động nhớ lại.
Không riêng Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng mà với nhiều người khi được chạm vào các điểm mốc cơ sở trên biển cũng mang theo nỗi niềm rưng rưng ấy. Anh Trần Vũ Thành, một thành viên sáng lập trong nhóm những người yêu biển, đảo Việt Nam tâm sự, là người có cơ duyên đến được 6/11 điểm mốc cơ sở trên biển, nhưng mỗi lần đến một điểm mốc cơ sở là một lần anh có cảm giác khác nhau, song trên hết và bao trùm là tình yêu Tổ quốc, là mong muốn được làm điều gì đó tốt đẹp cho biển, đảo đất nước mình. Đi và đến, trải nghiệm sóng gió khắc nghiệt mới cảm nhận được sâu sắc một phần những hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biên cương, lãnh hải của đất nước. Cũng từ đó, tình yêu biển, đảo Việt Nam đã được hun đúc trong tâm thức nhiều người, trong đó có hàng trăm thành viên của nhóm những người yêu biển, đảo Việt Nam.
“Chúng tôi đến với nhau bắt nguồn từ tình yêu biển, đảo. Hầu hết chúng tôi đều là những người đã từng đến quần đảo Trường Sa, nhà giàn nên hiểu và trân trọng từng tấc đất, sải biển của quê hương. Không chỉ dừng lại ở hô hào, tuyên truyền, những người yêu biển đảo đều sống trách nhiệm hơn, hành động thiết thực hơn vì biển, đảo quê hương”, anh Thành chia sẻ.
Chung tay vì biển, đảo quê hương
Ai từng đến các đảo, nhà giàn trên vùng biển Việt Nam sẽ thấm thía câu nói: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, bởi hiểu rằng đó là một phần không thể tách rời của Tổ quốc, bởi nơi đó các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm cống hiến để đất nước bình yên. Thấu hiểu điều đó, những thành viên trong nhóm yêu biển, đảo Việt Nam đã tổ chức rất nhiều buổi tuyên truyền, triển lãm bài viết, hình ảnh về biển, đảo trong trường học, như: Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), Học viện Ngoại giao, Học viện Ngân hàng... Từ hoạt động này, nhiều lá thư của học sinh, sinh viên theo cánh sóng đến các đảo, là nguồn động viên tinh thần quý báu cho cán bộ, chiến sĩ hải quân.
Bên cạnh đó, các thành viên đã vận động nhiều nhà tài trợ ủng hộ hàng, quà đến các đảo, làm ấm lòng những người đang gác tình riêng làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Hơn thế, những người yêu biển, đảo còn tổ chức chương trình Trung thu cho con, em cán bộ, chiến sĩ hải quân và thăm hỏi những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt...
Riêng dịp Tết Ất Tỵ 2025, nhóm những người yêu biển, đảo Việt Nam đã vận động được tổng số tiền hàng, quà cho chương trình “Xuân biên cương, hải đảo” Tết Ất Tỵ 2025 khoảng 500 triệu đồng. Trong đó, một điều vô cùng ý nghĩa và đặc biệt mới đến với quần đảo Trường Sa trong dịp Tết cổ truyền là nhóm những người yêu biển, đảo đã tặng 50 cây đào đến các điểm đảo và các chùa ở quần đảo Trường Sa.
Kể lại hành trình mang đào ra Trường Sa, anh Trần Vũ Thành khẳng định, đây là sự nỗ lực, là tâm nguyện của anh em trong nhóm yêu biển, đảo và thực sự là niềm vui bất ngờ với các cán bộ, chiến sĩ hải quân, bởi quà Tết là quất và hoa tươi năm nào cũng có, nhưng với hoa đào thì đây là lần đầu vượt sóng ra đảo. Sự thành công của hải trình mang đào ra Trường Sa phải kể đến sự góp công, góp của của Câu lạc bộ Agribanker yêu Trường Sa do nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Thị Phượng đứng đầu đã vận động tài trợ toàn bộ kinh phí, đồng thời còn trực tiếp mang những cành đào thắm từ Hà Nội ra các đảo Tây Nam để cán bộ, chiến sĩ vui đón Tết. Các thành viên của câu lạc bộ tích cực tham gia từ khi tuyển chọn đào, quất, bốc xếp lên xe vận chuyển. Họ đã gửi gắm rất nhiều tình cảm vào những cánh đào thắm thay lời chúc Tết tới cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa.
Sự thành công của hải trình này cũng còn đến từ những người nông dân một nắng, hai sương. Cơn bão Yagi đợt giữa năm 2024 tàn phá nặng nề nên nhà vườn không muốn bán cây, chỉ bán cành. Song sau khi được nghe, được chia sẻ về biển, đảo, về những con người đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió, chủ vườn đào đã xúc động, đồng ý bán cây. Không những thế, chủ vườn còn bán với giá ưu đãi, gửi kèm cả chậu, đất trồng cây và không quên căn dặn cặn kẽ cách chăm sóc để mong đào có thể bén rễ ở các vùng hải đảo.
Không chỉ người trồng đào hỗ trợ, mà người vận chuyển đào từ huyện Đông Anh vào quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cũng tự nguyện hỗ trợ, giảm kinh phí vận chuyển... “Những việc làm nghĩa tình ấy chính là tình yêu biển, đảo đang lan tỏa trong huyết quản mỗi người, đang nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Mỗi người đều muốn chung tay, được mang hơi ấm đất liền ra miền sóng gió, tỏ lòng biết ơn những cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa...”, anh Thành tâm sự.
Anh Trần Văn Tình, chủ vườn đào thôn Vân Nội (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) bộc bạch: “Khi được nghe, được tiếp cận thông tin về biển, đảo qua thành viên hội những người yêu biển, đảo, tôi mong được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để làm ấm lòng những người đang công tác ngoài đảo xa. Đào của nhà vườn được ra đảo cũng là hạnh phúc của tôi và cả gia đình. Tôi mong muốn Tết năm sau tiếp tục tham gia chương trình này. Nếu có kế hoạch sớm, tôi sẽ dùng kỹ thuật điều chỉnh để hoa sẽ nở đẹp đúng dịp Tết trên đảo. Mong các đảo sẽ thắm sắc đào mỗi độ Tết đến, Xuân về!”.
Những cuộc hải trình thăm và tăng quà quân, dân trên các đảo dịp Tết Ất Tỵ đã khép lại, nhưng tình yêu biển, đảo đã mở ra và lớn thêm trong mỗi người - đó là sự lan tỏa đáng trân trọng, ngày càng sâu đậm, tạo nên những việc làm giàu ý nghĩa cho xã hội...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-tinh-yeu-bien-dao-viet-nam-693253.html