Lan tỏa tình yêu cùng 'Hôn lễ Vườn trăm năm'
'Thông qua 'Vườn trăm năm', chúng mình mong muốn tôn vinh và lan tỏa giá trị tích cực của tình yêu, đồng thời khuyến khích sự đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng với những người khuyết tật. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và thái độ tích cực về quyền bình đẳng và hòa nhập xã hội của họ'. Đây chính là chia sẻ của Hồ Lê Ánh Nguyệt, tại 'Hôn lễ Vườn trăm năm', được tổ chức vào tối ngày 7/12 tại TP. HCM.
Gắn kết những trái tim yêu
'Hôn lễ Vườn trăm năm' là sự kiện được tổ chức bởi các sinh viên lớp Truyền thông Đa phương tiện K21, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM, dành cho 5 cặp đôi khuyết tật đã đăng ký kết hôn nhưng chưa có điều kiện tổ chức đám cưới. Khách mời chủ yếu là người thân của cô dâu chú rể, các nhà tài trợ, giảng viên, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông.
Khoảnh khắc nắm tay bước lên lễ đường, các cặp “tân lang tân nương” ở 'Vườn trăm năm' đều không giấu nổi sự hạnh phúc. Hơn 10 năm gắn bó, việc được một lần sánh đôi cùng nhau trong chiếc váy cưới trắng tinh khôi và bộ âu phục tưởng như đơn giản nhưng lại là mong ước bao năm nay của họ.
“Đối với các cặp đôi khuyết tật, hôn nhân nhiều khi là điều khá xa xỉ. Bởi họ không chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà còn vấp phải sự phản đối từ gia đình. Không chỉ một gia đình mà có khi cả hai bên gia đình. 'Vườn trăm năm' thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với các cặp đôi ngày hôm nay”, đại diện Hội Thanh niên khuyết tật TP. HCM phát biểu tại hôn lễ.
Nắm chặt tay cô dâu của mình, anh Nguyễn Vũ Sơn cũng có những chia sẻ đầy xúc động: “Ngày mà hai đứa quyết định sẽ tới với nhau, gia đình ngăn cản khá nhiều. Mẹ mình hỏi là có chắc chưa, về ở với nhau là khổ lắm. Nhưng mà tụi mình vẫn nhất quyết kết hôn. Có gì đâu, sai thì mình làm lại. Mà tới giờ vẫn thấy không sai”.
Không rót rượu vang, cắt bánh cưới, đốt pháo hoa như những buổi tiệc hào nhoáng khác. Tại 'Hôn lễ Vườn trăm năm', cô dâu chú rể được cầm tay nhau tưới nước cho mầm cây tình yêu.
Theo chia sẻ từ Ban Tổ chức, hành động này không chỉ thay cho lời chúc phúc, mong các cặp uyên ương luôn hòa hợp, mà còn tượng trưng cho sự phát triển. Mầm cây ngày một lớn, ngày một cứng cáp, chính là mong cầu cho cuộc sống ngày càng khởi sắc của các cặp đôi khuyết tật.
Lan tỏa những giá trị nhân văn
Đến dự 'Hôn lễ Vườn trăm năm', các khách mời đều nhận được một túi hạt giống hoa lưu ly. Đây là loài hoa của sự thủy chung, tượng trưng cho tình cảm nhẹ nhàng, ngọt ngào, lãng mạn nhưng cũng vô cùng nồng cháy.
Do đó, những túi hạt giống hoa lưu ly không chỉ đơn thuần là món quà nhỏ mà còn gửi đi thông điệp “Gom mầm, gửi yêu thương”.
Hồ Lê Ánh Nguyệt (năm thứ ba, ngành Truyền thông Đa phương tiện, trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Thông qua 'Vườn trăm năm', chúng mình mong muốn tôn vinh và lan tỏa giá trị tích cực của tình yêu. Tình yêu dù mang hình hài nào, đều là gốc rễ ươm mầm cho sức sống diệu kỳ”.
Bên cạnh đó, 'Hôn lễ Vườn trăm năm' cũng mong muốn tìm kiếm được nhiều hơn sự đồng cảm và chia sẻ của cộng đồng với những người khuyết tật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và thái độ tích cực về quyền bình đẳng và hòa nhập xã hội của họ.
Là một trong những khách mời tham dự 'Hôn lễ Vườn trăm năm', Trần Tú Thanh (năm thứ hai, ngành Báo chí, trường ĐH KHXH&NV0 cho biết: “Mình thật sự ấn tượng với những gì mà 'Vườn trăm năm' mang lại. Khi nhìn thấy các cô chú, anh chị trao nhẫn cho nhau, mình đã không nén nổi sự xúc động. Mình tin rằng, trong khoảnh khắc đó, nếu ai chứng kiến cũng đều thấy như mình, đó là tất cả chúng ta, ai cũng xứng đáng có được hạnh phúc”.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/lan-toa-tinh-yeu-cung-hon-le-vuon-tram-nam-post1593898.tpo