Lan tỏa tình yêu thương
Không chỉ yêu thương, chăm sóc các thành viên trong gia đình, họ còn sẻ chia, dành tặng tình thương đến những người xung quanh. Nhờ đó, họ tạo sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình để cùng đồng thuận làm việc nghĩa, xây dựng môi trường sống tốt đẹp trong cộng đồng xã hội. Từ đó đã góp phần chung tay xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Góp sức xây dựng thành phố nghĩa tình
“Mẹ ơi, mẹ xem con luộc thịt như vậy đã chín chưa?”, nghe tiếng hỏi, bà Lê Thị Minh Huệ (ngụ phường 14, quận 10, TPHCM) quay qua xem. Thấy miếng thịt còn đỏ, bà chỉ dẫn lại cho cô con gái nuôi là sinh viên Lào đang ở cùng mình. Hôm ấy, bà Huệ và các con cùng vào bếp để nấu bữa ăn nhân Ngày gia đình Việt Nam. Ở khu phố 4 này, hầu như ai cũng biết gia đình bà Huệ sống rất chan hòa, yêu thương, quan tâm giúp đỡ nhau và những người xung quanh. Gần 2 năm nay, gia đình bà Huệ còn nhận nuôi dưỡng các sinh viên Lào trong chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia”. Những sinh viên ở cùng gia đình bà Huệ đều được bà yêu quý như con trong gia đình.
“Ngoài yêu thương chúng em, mẹ Huệ còn nấu ăn rất ngon. Khi em đi học về thì mẹ đã chuẩn bị xong món ăn cho cả nhà. Cuối tuần, mẹ dạy em nấu ăn, làm việc nhà. Mẹ còn nấu trái bồ kết cho chúng em gội đầu để giúp em hiểu được nét văn hóa của người phụ nữ Việt Nam”, Philaketh (sinh viên Lào, học năm 3 ngành Y đa khoa, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) chia sẻ. Chính tình yêu thương của bà Huệ đã giúp Philaketh cũng như các bạn sinh viên Lào sống cùng gia đình hiểu thêm về truyền thống gia đình Việt.
Ngoài dành thời gian nuôi dạy con cái trong gia đình, bà Huệ còn tham gia nhiều việc nghĩa, có ích cho cộng đồng, người dân. Với vai trò tổ trưởng tổ dân phố 10, bà hiểu hết hoàn cảnh bà con trong tổ để gia đình nào cần hỗ trợ việc gì, bà đều có mặt. Lúc dịch Covid-19 bùng phát, nhà có mấy phòng cho thuê trọ, bà đã miễn phí 100% tiền nhà trong 4 tháng và sau đó chỉ lấy 50% tiền. “Ngày xưa, khi tôi mắc bệnh hiểm nghèo, bà con trong xóm đã dang tay cưu mang và hỗ trợ. Giờ đây, dù cuộc sống không khá giả nhiều, nhưng tôi muốn được trả ơn ấy bằng cách chung tay hỗ trợ người xung quanh trong khả năng mình. Đó cũng là cách tôi giáo dục các con sống trở thành người hữu ích, biết đóng góp cho cộng đồng và góp sức xây dựng thành phố nghĩa tình”, bà Huệ chia sẻ.
Tin vào sức mạnh của gia đình
Gia đình 3 thế hệ của ông Phạm Thanh Tòng (quận 4) luôn đồng lòng cùng nhau khi thực hiện các công trình vì an sinh xã hội tại địa phương. Hàng tháng, gia đình ông Tòng cùng bạn bè chuẩn bị 50 suất ăn ngon để tặng các cụ già neo đơn, phụ nữ, trẻ em khó khăn. Gia đình ông cũng là mạnh thường quân hỗ trợ 3 bếp ăn yêu thương tại địa phương với hơn 800 suất ăn. Gia đình ông cũng trao hỗ trợ sinh kế để giúp nhiều phụ nữ khó khăn thoát nghèo.
Ở con hẻm nơi gia đình ông Tòng sinh sống, nhiều người biết ông là tấm gương hiếu thảo. Ba mẹ lớn tuổi, đi lại khó khăn, nhiều năm nay vợ chồng ông Tòng luôn dậy sớm để nấu ăn và chăm lo các bữa cơm trong ngày cho ba mẹ. Chính sự hiếu thuận của vợ chồng ông Tòng đã giúp cô con gái noi gương để có những việc làm hiếu thảo với ông bà cha mẹ và sống sẻ chia cùng người xung quanh.
Còn gia đình 4 thế hệ của ông Nguyễn Quốc Cường (quận Phú Nhuận) luôn được bà con trong khu phố ngợi khen bởi các thành viên luôn hiếu thuận, sống chan hòa. Ông Cường từng là chiến sĩ vào sinh ra tử ở chiến trường để bảo vệ non sông, đất nước. Khi hòa bình, ông luôn dạy bảo con cháu dù công tác ở vị trí nào cũng cống hiến để góp sức xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp.
“TPHCM đã có cơ chế đặc thù để phát triển. Kết quả như thế nào sẽ trông chờ vào sự quyết tâm và trí lực của lãnh đạo và những cán bộ, công chức trẻ. Tôi kỳ vọng và tin tưởng TPHCM sẽ đạt được kết quả ngoài mong đợi, bởi thành phố có đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên trợ sức”, ông Cường kỳ vọng.
97 gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu vừa được TPHCM tuyên dương cấp thành phố vào đúng Ngày gia đình Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, trước sự phát triển, giao thoa của các nền văn hóa, hơn bao giờ hết, hai tiếng “gia đình” càng phải được coi trọng và gìn giữ. Bởi gia đình là môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức truyền thống của dân tộc cho các thành viên trong gia đình, là nền tảng giáo dục cá nhân và cầu nối giữa cá nhân với cộng đồng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-toa-tinh-yeu-thuong-post695709.html