Lan tỏa tình yêu thương

Thu Thảo

BPO - Từ tấm lòng thương yêu và luôn mong muốn giúp đỡ người bệnh, các phòng chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã ra đời và ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân nghèo đến khám, chữa bệnh. Sự tận tụy của lương y, thầy thuốc và cả những tình nguyện viên tại các phòng khám đông y, phòng thuốc nam đang lan tỏa nhiều hơn tình yêu thương và việc làm ý nghĩa trong cộng đồng.

Phòng thuốc nam Phước Thiện thuộc Hưng Lập Tự, thị xã Bình Long nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của bệnh nhân nghèo. Từ các nơi, họ đến đây tái khám, châm cứu, trở lại nhận thuốc và cũng có cả những người đến khám, chữa bệnh lần đầu. Bệnh nhân đến chữa trị không để lại gì ngoài lời cảm ơn mộc mạc, chân tình. “Có bệnh thì cứ đến rồi mấy cô bắt mạch, bốc thuốc. Có tiền thì bỏ vào thùng từ thiện, không thì thôi. Nhiều người lấy mấy chục thang thuốc, thời gian chữa bệnh kéo dài vài tháng cũng không tốn tiền thuốc chữa bệnh” - bà Nguyễn Thị Lan ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long chia sẻ. Bà Lan là bệnh nhân quen thuộc của phòng thuốc nam Phước Thiện. Tuổi già thường mắc bệnh xương khớp, uống thuốc tây có tác dụng phụ nên bà Lan kiên trì điều trị bằng thuốc nam.

Tình nguyện viên tham gia các công việc tại phòng thuốc nam Phước Thiện, Hưng Lập Tự, TX. Bình Long

Tình nguyện viên tham gia các công việc tại phòng thuốc nam Phước Thiện, Hưng Lập Tự, TX. Bình Long

Hoạt động với mục đích từ thiện nhưng không vì vậy mà công tác khám, chữa bệnh của phòng thuốc nam Phước Thiện thực hiện một cách qua loa. Ngược lại, bệnh nhân đến khám được bắt mạch, kê thuốc bài bản và có cả những bài thuốc độc đáo, được đúc rút từ kinh nghiệm qua nhiều năm, với mong muốn giúp người bệnh chữa trị dứt điểm bệnh tật, không để lại tác dụng phụ. Chính vì vậy, bệnh nhân đến khám ngày một nhiều hơn, người này giới thiệu người kia, tin tưởng vào khả năng chẩn trị bệnh của các thầy thuốc.

“Mình cứ nghĩ do từ thiện không tốn tiền nên bệnh nhân đến khám đông, nhưng thật ra không phải. Bệnh nhân đến đây được điều trị khỏi bệnh thì người ta mới đến. Không ai dửng dưng với sức khỏe của mình”.

Lương y TRẦN QUANG VINH, phòng thuốc nam Phước Thiện

“Bệnh nhân tới đây điều trị đông lắm. Thường vào cuối tuần hoặc đầu tuần bệnh nhân đến bốc thuốc rất nhiều, đặc biệt là bệnh nhân nghèo” - chị Lê Thị Hương ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long cho hay. Tham gia công việc tình nguyện tại phòng thuốc nam Phước Thiện, chị Hương thường xuyên đến đây thái thuốc, phơi và phụ bốc thuốc cho bệnh nhân. “Đến đây làm việc mình thấy tâm thanh thản lắm. Vì công sức của mình đã giúp đỡ được phần nào những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội” - chị Hương chia sẻ.

Ở phòng thuốc nam Phước Thiện có khá nhiều tình nguyện viên làm việc như chị Hương, cao điểm có lúc lên tới vài chục người. Không chỉ phụ giúp công việc tại phòng thuốc nam, nhiều người còn tình nguyện đi hái cây thuốc ở những khu vực xa xôi, thậm chí là sang nước bạn Campuchia. “Một số người sau khi chữa khỏi bệnh, muốn hồi hướng cho phòng thuốc bằng việc đi hái cây thuốc, làm giàu thêm kho thuốc để ngày càng có nhiều người được chữa khỏi bệnh hơn” - bà Nguyễn Thị Cúc, phòng thuốc nam Phước Thiện cho biết.

Bệnh nhân được bắt mạch, thăm khám trước khi kê đơn thuốc

Bệnh nhân được bắt mạch, thăm khám trước khi kê đơn thuốc

Cùng với những tình nguyện viên, nhiều bệnh nhân khi đến đây chữa trị cũng tham gia công việc ở phòng thuốc nam từ thiện. Không có nhiều tiền, phòng thuốc nam cần gì thì họ làm việc nấy, từ phơi thuốc, dọn dẹp đến gói thuốc cho bệnh nhân với tấm lòng đồng cảm, sẻ chia. “Thấy việc gì cần thì mình làm thôi. Trong thời gian đợi bốc thuốc có thể quét nhà, dọn dẹp, thấy thuốc đã phơi khô thì mình dọn vào” - chị Hoàng Thị Sen ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản chia sẻ.

Với những gia đình nghèo, bệnh tật là gánh nặng vô cùng lớn. Bởi vậy, sự sẻ chia, tấm lòng của các lương y, thầy thuốc cùng hiệu quả khám, chữa bệnh là sức mạnh duy trì các phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện suốt nhiều năm qua. Ở đó, không chỉ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân mà còn là nơi tình yêu thương của lương y, thầy thuốc và sự đồng cảm, giúp đỡ giữa các bệnh nhân được sẻ chia, lan tỏa.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/148544/lan-toa-tinh-yeu-thuong