Lan tỏa vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Người có uy tín tỉnh Trà Vinh đã có nhiều đóng góp trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế.

Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 31,54%); hiện tỉnh Trà Vinh có 433 người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Những năm qua, Trà Vinh triển khai thực hiện tốt chính sách theo Quyết định số 12/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, những người có uy tín cộng đồng thể hiện tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và cộng đồng, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của nhân dân.

Phát huy vai trò người có uy tín

Thời gian qua, người có uy tín cộng đồng thể hiện tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và cộng đồng, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Triết, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết: Bằng uy tín của mình, mười năm qua người có uy tín ở Trà Vinh vận động đồng bào dân tộc Khmer trong phum, sóc tham gia xây dựng 129 điểm mô hình kinh tế hộ theo hướng phát triển bền vững; hướng dẫn, động viên 1.530 hộ làm theo; tham gia cùng chính quyền địa phương thành lập 56 điểm mô hình tổ tự quản giảm nghèo; vận động hỗ trợ hộ nghèo 187 căn nhà tình thương… tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Ông Kim Ra (ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải) hiến gần 800m2 đất trồng lúa của gia đình để làm đường dẫn vào cầu. Ảnh: Hữu Huệ

Ông Kim Ra (ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải) hiến gần 800m2 đất trồng lúa của gia đình để làm đường dẫn vào cầu. Ảnh: Hữu Huệ

Vận động đồng bào bổn sóc cho hộ nghèo mượn 157.450m2 đất để sản xuất và hiến 149.072m2 đất và 15.417 ngày công lao động để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ xây dựng 4,831km đường và 20 cầu nông thôn với kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

"Việc thực hiện chính sách và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Trà Vinh tích cực thực hiện. Từ đó đã phát huy hiệu quả công tác vận động, tập hợp người có uy tín, xây dựng được lực lượng nòng cốt vùng có đông đồng bào DTTS. Với vai trò, trách nhiệm của mình, người có uy tín thật sự là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với đồng bào DTTS là nơi để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và nhà nước; người có uy tín thật sự là điểm tựa của cộng đồng dân cư" – ông Triết đánh giá.

Người có uy tín đã tạo sức lan tỏa, đã có nhiều đóng góp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 – NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Người có uy tín là "cầu nối" đồng bào dân tộc với cấp ủy Đảng, chính quyền

Việc phát huy vai trò của những người đứng đầu các phum sóc, các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia các hoạt động và có những đóng góp thiết thực trong phong trào phát triển kinh tế trong vùng đồng bào Khmer.

Thượng tọa Thạch Thưa, Sư cả chùa ArunRanSây ChacKrôn ấp Đại Trường, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), Phó trưởng ban Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần thường xuyên vận động người dân, phật tử đóng góp ngày công lao động, xây dựng cầu đường nông thôn, thủy lợi nội đồng; giáo dục phật tử không vi phạm pháp luật, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.

Hiện nay, chủ nhật hàng tuần các sư sãi cùng phật tử tham gia quản lý 400m đường nông thôn, chăm sóc hoa kiểng tuyến đường hoa, thu gom rác. Thượng tọa Thạch Thưa còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 1.000 phần quà để tặng cho các cụ cao tuổi có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo và các em học sinh nghèo hiếu học, tổng trị giá các phần quà hàng trăm triệu đồng vào các dịp lễ của đồng bào Khmer. Trong hai năm qua, Thượng tọa Thạch Thưa còn vận động nhà hảo tâm trao tặng 120 suất học bổng (500.000 đồng/suất), nhận đỡ đầu trực tiếp cho 20 học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn và hàng ngàn suất quà hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong cuộc sống.

Thượng tọa Thạch Thưa, Sư cả chùa ArunRanSây ChacKrôn bên con đường nhựa ấp Ðại Trường, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần) mà Sư cả cùng với chính quyền vận động phật tử, bổn sóc sống ven tuyến lộ hiến đất, cây ăn trái, hoa màu, vật kiến trúc khác để xây dựng công trình được khang trang sạch đẹp như hiện nay.

Thượng tọa Thạch Thưa, Sư cả chùa ArunRanSây ChacKrôn bên con đường nhựa ấp Ðại Trường, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần) mà Sư cả cùng với chính quyền vận động phật tử, bổn sóc sống ven tuyến lộ hiến đất, cây ăn trái, hoa màu, vật kiến trúc khác để xây dựng công trình được khang trang sạch đẹp như hiện nay.

Còn Thượng tọa Thạch Thảo, Sư cả chùa Kan Đal ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh), 6 năm qua, Thượng tọa Thạch Thảo đã vận động các mạnh thường quân ủng hộ hàng tỷ đồng để ủng hộ xây nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ người già, bệnh nhân neo đơn; tặng học bổng, tập viết cho tăng sinh, học sinh nghèo; đóng góp vào Quỹ an sinh xã hội của địa phương...

Ngoài ra, Chùa Kan Đal kết hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng của xã mở các lớp tập huấn, các lớp học tiếng Khmer cho người dân trong ấp. Chùa là điểm học tập cộng đồng đầu tiên của xã Hòa Ân, hoạt động ngày càng có hiệu quả, giúp cho người dân trong ấp am hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chùa Kan Đal ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), mở lớp dạy tiếng Khmer học sinh trong các phum, sóc.

Chùa Kan Đal ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), mở lớp dạy tiếng Khmer học sinh trong các phum, sóc.

Còn Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Sóc Tro Trên, xã An Quảng Hữu (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) Thạch Danh (67 tuổi) là một trong những người có uy tín vận động người thân cho hộ Khmer nghèo mượn đất sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2016, Chi hội CCB ấp có 15 hội viên nhưng còn CCB Kim Kiểng là hộ nghèo do không đất sản xuất. Nhà tình thương, vách lá đã xuống cấp mà gia đình ông Kim Kiểng không có điều kiện xây lại. Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của đồng đội nên ông Thạch Danh tìm cách giúp đỡ. Khi đó, họ hàng, con cháu có đất ông vận động 3 hộ đồng ý cho mượn 6 công (6.000 m2) đất cho CCB Kim Kiểng mượn để trồng lúa, trồng màu, có nguồn thu nhập lo cuộc sống hàng ngày và tạo điều kiện để gia đình ông Kiểng thoát nghèo.

Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer, ông Thạch Danh (bìa trái), Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Sóc Tro Trên, xã An Quảng Hữu (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cùng người dân chăm sóc tuyến đường hoa – sáng – xanh – sạch – đẹp.

Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer, ông Thạch Danh (bìa trái), Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp Sóc Tro Trên, xã An Quảng Hữu (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cùng người dân chăm sóc tuyến đường hoa – sáng – xanh – sạch – đẹp.

Cựu chiến binh Thạch Danh nói: "Dù công việc có nhiều đến mấy tôi cũng cố gắng hoàn thành mọi việc tốt nhất có thể. Muốn hội viên, người dân tin tưởng, làm theo thì bản thân phải thật sự gương mẫu, đi trước, làm trước và nói được phải làm được".

Ông Thạch Châu An, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban nhân dân ấp Trà Tro Trên cho biết: Ấp Sóc Tro Trên, có 98% đồng bào Khmer sinh sống. Ông Thạch Danh là người có uy tín trong cộng đồng được bà con Khmer trong ấp tin yêu, quý mến. Đến nay, ông đã vận động hơn 10 hộ, với 23 công đất (23.000 m2) cho hộ Khmer nghèo mượn sản xuất. Ngoài ra, 3 năm gần đây ông Thạch Danh với vai trò Chủ nhiệm CLB môi trường CCB ấp, phong trào, hoạt động của Chi hội ấp có nhiều điểm nổi bật. Nhất là việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quang, thực hiện các tuyến đường hoa – sáng – xanh – sạch – đẹp rất ý nghĩa.

Có thể nói, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở Trà Vinh là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng phát triển quê hương, góp phần bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cố kết tình làng nghĩa xóm, tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tuyết Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lan-toa-vai-tro-cua-nguoi-co-uy-tin-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-169231105171945288.htm