Lan tỏa văn hóa đọc
Nắm bắt nhu cầu đọc sách của trẻ em trong dịp hè gia tăng, thời gian qua, các tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành sách đã tích cực chuẩn bị giới thiệu, cho ra mắt nhiều đầu sách hay, hấp dẫn. Sự chủ động này cho thấy thị trường sách thiếu nhi đã được chú trọng, đồng thời phản ánh nhu cầu đọc sách của trẻ em ngày càng lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định văn hóa đọc đang lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Điểm nhấn của mùa sách thiếu nhi năm nay là thu hút nhiều thế hệ tham gia sáng tác. Đặc biệt, bên cạnh những tác giả quen thuộc, sự xuất hiện của các cây viết nhỏ tuổi với văn phong gần gũi, chân thực, sống động và hài hước, đã thổi một luồng gió mới vào các trang viết. Điều này đặc biệt ý nghĩa bởi ở thế giới tuổi thơ, các em có những góc nhìn đồng cảm với lứa tuổi, từ đó càng kích thích, thu hút độc giả nhí hơn…
Về phía các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, qua những mùa sách thiếu nhi đã rút ra nhiều kinh nghiệm để giới thiệu, phát hành sản phẩm đáp ứng thị hiếu của trẻ nhỏ. Yếu tố sáng tạo trong từng cuốn sách được chú trọng và luôn hướng đến trải nghiệm mới lạ, có tính tương tác cao.
Đọc sách trong mùa hè là một sinh hoạt lành mạnh, bổ ích của trẻ em. Song, ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa nghe - nhìn đang lấn át văn hóa đọc... thì việc làm thế nào để nuôi dưỡng ham mê đọc sách ở trẻ là một thách thức không nhỏ đặt ra cho không chỉ người viết, nhà xuất bản, mà cả các bậc làm cha, làm mẹ.
Để làm được điều này, kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, các đơn vị xuất bản, phát hành sách vẫn phải đặc biệt quan tâm đến nội dung, hình thức của xuất bản phẩm. Theo đó, phải thường xuyên đổi mới, bắt kịp và đón đầu xu thế thị hiếu của trẻ nhỏ nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm các yếu tố gần gũi, có tính giáo dục, khơi gợi sự sáng tạo để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng, có ý chí, nghị lực ngay từ khi còn nhỏ...
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, công ty phát hành cần quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá xuất bản phẩm để tiếp cận với độc giả nhí một cách nhanh nhất. Việc này cần triển khai bằng nhiều kênh hoặc có thể gắn với tổ chức các hoạt động, sự kiện, giới thiệu sách trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng...
Với các ngành chức năng, ngoài việc tạo thuận lợi cho công tác xuất bản sách thiếu nhi, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực xuất bản như tình trạng sách lậu, sách độc hại, sách giả, xâm phạm bản quyền... Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người viết bằng các giải thưởng và sự đãi ngộ tương xứng; tổ chức thêm nhiều cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi để tìm kiếm, phát hiện, nuôi dưỡng tài năng văn chương, nhất là các tác giả nhỏ tuổi...
Ở góc độ người viết, cần quan sát, lắng nghe nhiều hơn để hiểu biết một cách sâu sắc những vấn đề viết ra về trẻ nhỏ. Muốn vậy, mỗi tác giả cần làm phong phú chất liệu cho chính mình bằng việc tiếp xúc nhiều hơn với trẻ nhỏ, với thế giới tuổi thơ hôm nay để có trang viết, ngôn ngữ sử dụng phù hợp lứa tuổi các em.
Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn, cùng con tìm mua những cuốn sách phù hợp lứa tuổi mà con yêu thích. Đặc biệt, cần tạo dựng tình yêu với sách bằng cách đọc sách cùng con, chia sẻ với con những câu chuyện thú vị từ sách...
Với sự góp sức của toàn xã hội, tin rằng sách sẽ trở thành người bạn, người thầy tin cậy của các em nhỏ, từ đó lan tỏa văn hóa đọc ngày càng mạnh mẽ hơn.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/968808/lan-toa-van-hoa-doc