Lan tỏa văn hóa đọc từ việc xây dựng tủ sách gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Vì lẽ đó, ở bất kỳ lĩnh vực, hoạt động nào, muốn có được cội nguồn, gốc rễ vững vàng, sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ, cần bắt đầu xây dựng từ gia đình. Đó cũng là lý do vì sao, trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc, việc xây dựng tủ sách gia đình có tính thúc đẩy, tạo nên giá trị bền vững.

Không gian phòng làm việc và đọc sách của gia đình chị Ánh Tuyết (TP Thanh Hóa).

Không gian phòng làm việc và đọc sách của gia đình chị Ánh Tuyết (TP Thanh Hóa).

Tôi và chị Ánh Tuyết (Trưởng Phòng Văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) ít có điều kiện gặp gỡ nhưng hễ lần nào ngồi lại được với nhau, hai chị em cũng “tiêu tốn” hàng giờ để nói chuyện về sách. Chị là người có niềm say mê đặc biệt với sách, chẳng đợi chị phải gọi tên tình yêu của mình, chỉ cần lắng nghe câu chuyện, nhìn cách chị nâng niu, hào hứng giới thiệu một cuốn sách tâm đắc là hiểu tâm ý. Chị Tuyết bộc bạch: “Từ khi còn rất nhỏ, mình đã thích đọc sách. Mình không bao giờ quên được niềm hân hoan khi được bố mang những cuốn truyện thiếu nhi mượn từ thư viện của cơ quan về vào những dịp cuối tuần. Những cuốn sách như: “Cổ tích Việt Nam”, “Không gia đình”, “Nghìn lẻ một đêm”,... mình đọc ngấu nghiến trong khi vẫn phải trông chừng nồi cám lợn đang sôi ùng ục trên bếp. Hình ảnh về tủ sách của bố trong căn phòng tập thể nhỏ với những cuốn cũ kỹ, giấy ngả màu vàng ố vẫn luôn trong tâm trí”. Chị vẫn còn nhớ, khi là sinh viên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong căn phòng ký túc xá cùng bạn bè, chị đã nói về ước mơ và những dự định sau này sẽ xây được ngôi nhà 2 tầng mái ngói như kiểu nhà truyền thống ở phố cổ Hội An với một phòng làm việc riêng, có một tủ sách cá nhân để tha hồ bày biện, sắp xếp theo ý thích.

Kiên định và đam mê, trên hành trình sống và làm việc, chẳng có lúc nào chị Ánh Tuyết không gắn bó, nối dài tình yêu với sách. Mặc dù công việc chuyên môn, gia đình bận bịu là vậy, song chị vẫn cố gắng sắp xếp, dành thời gian lui tới các nhà sách, hiệu sách cũ trong thành phố, trên các trang bán hàng điện tử để tìm mua những cuốn sách hay, bổ ích. Mỗi lần có dịp đến vùng đất nào mới, chị cũng cố gắng tìm kiếm những cuốn sách, tài liệu viết về lịch sử - văn hóa, giới thiệu về đất và người nơi đây để làm phong phú thêm tủ sách gia đình. Khi nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tính chất, đặc thù công việc giúp chị càng có thêm nhiều cơ hội, điều kiện để nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê với sách. Chị Tuyết chia sẻ: “Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách là cách hiệu quả, thiết thực nhất để bản thân mỗi người tự làm giàu kiến thức của mình, giúp mình tự tin, tự chủ hơn trong công việc và cuộc sống. Hơn thế nữa, “đọc sách là được sống nhiều cuộc đời”, sách giúp con người có đời sống tâm hồn phong phú, thú vị, hướng thiện, biết trân trọng và yêu cái đẹp”. Chị Tuyết nhớ mãi niềm vui vào năm 2003, khi lần đầu tiên đóng riêng cho mình một tủ sách nghiêm ngắn, chắc chắn đặt trang trọng trong phòng làm việc. Chị kể: “Lúc bấy giờ, lương tháng của chị còn thấp, lại đang nuôi con nhỏ, nhưng chị vẫn cố gắng chắt chiu đóng cho gia đình chiếc tủ sách bằng gỗ bền, đẹp”. Từ đó, phòng làm việc tại nhà (dù không quá rộng rãi) đã trở thành không gian yêu thích và quan trọng không kém những phòng chức năng khác trong gia đình chị.

Qua quá trình xây dựng, tích lũy ngót 20 năm, đến nay, tủ sách của gia đình chị Ánh Tuyết đã mở rộng về cả số lượng và chất lượng. Tủ sách bao gồm nhiều đầu sách về chính trị, lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật, khám phá thế giới, tiếng Anh,... Chị đặc biệt yêu thích các loại sách giúp củng cố, gia tăng sự hiểu biết, như: Từ điển, sách khảo cứu, khám phá thế giới, sách ảnh, hồi ký, truyện ký, kỹ năng sống,... Ghé thăm tủ sách của gia đình chị Tuyết, nhiều người không khỏi trầm trồ trước sự chỉn chu, ngăn nắp và mức độ “chịu chi” từ chủ nhân khi chị tự trang bị cho mình nhiều bộ sách có giá trị lớn về nội dung, như: “Đại Nam thực lục” (xuất bản năm 2004), “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Từ điển Bách khoa Britannica”, “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, “Từ điển Tiếng Việt” (nhiều cuốn của các tác giả khác nhau), “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Lịch sử Việt Nam”, “Tinh hoa Văn hóa xứ Thanh”,...; hơn chục đầu sách quý của các học giả, chính khách người Pháp thế kỷ 18, 19, 20 như: “Xứ Đông Dương”, “Kỹ thuật của người An Nam”, “Nam Kỳ và cư dân”, “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”,... Chị Tuyết chia sẻ phương pháp xây dựng tủ sách gia đình, đó là: Mua sách có chọn lọc, trước hết là phải đúng với sở thích, nhu cầu, phù hợp với lứa tuổi của các thành viên trong gia đình; trong quá trình đọc, mình luôn có sự so sánh, đối chiếu để lọc được những đầu sách có chất lượng, tác giả, đơn vị xuất bản uy tín,... Chị cũng thường xuyên cập nhật các đầu sách hay, mới xuất bản, tái bản có chỉnh lý, bổ sung... để có thể tiếp cận tri thức một cách khoa học nhất.

Quả thực, nghề chơi cũng lắm công phu, nếu không có tình yêu, đam mê sẽ khó có thể đi đến tận cùng cuộc chơi ấy. Qua câu chuyện xây dựng tủ sách gia đình của chị Ánh Tuyết, chúng ta nhận thấy rằng: Gia đình quan trọng như thế nào trên hành trình xây dựng, lan tỏa, phát triển văn hóa đọc. Từ truyền thống gia đình, từ những cuốn sách, truyện, người bố mang về đã ươm mầm, nuôi dưỡng, chắp cánh tình yêu với sách của chị Tuyết. Và giờ đây, mặc dù sách điện tử đã phát triển nhưng tình yêu với sách giấy của chị vẫn còn nguyên vẹn, chị khai thác ưu điểm của cả hai hình thức một cách linh hoạt để bổ sung cho nhau. Chị vẫn tiếp tục hành trình ấy, thắp lửa đam mê, nhiệt tình với sách trong ngôi nhà - tổ ấm nhỏ của mình và những người xung quanh... Chị tâm sự: “Các thành viên trong gia đình đều có ý thức gìn giữ, xây dựng tủ sách, hình thành ý thức tự nghiên cứu tài liệu, tôn trọng sách và giá trị mà nó mang lại trong cuộc sống”. Thực hiện phương châm “học tập suốt đời”, hằng ngày, chị dành hàng giờ để đọc, nghiên cứu tài liệu. Đọc đến đâu, chị cẩn trọng ghi chú những nội dung mình quan tâm. Đọc xong, biết được cuốn sách nào hay, chị đều chia sẻ cho bạn bè. Nhiều đồng nghiệp của chị cũng vì thế mà “tậu” được cho mình nhiều cuốn sách thú vị, hữu ích. Hành trình xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc của chị Ánh Tuyết diễn ra một cách rất tự nhiên, thiết thực như thế.

"Xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, văn hóa đọc ngày càng được quan tâm, cải thiện nhưng chưa thực sự trở thành phong trào sâu rộng, bền vững, trong đó, việc xây dựng tủ sách gia đình chưa được quan tâm đúng mức”, chị Ánh Tuyết thẳng thắn nhận định. Để làm được điều đó, ngay từ mỗi gia đình cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nâng cao hiểu biết, làm giàu tri thức; phát triển, hoàn thiện nhân cách, trí tuệ của con người, từ đó có sự quan tâm hơn về xây dựng tủ sách gia đình - một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần có sự quan tâm, tạo điều kiện thiết thực hơn nữa đối với vấn đề phát triển văn hóa đọc, hướng tới xây dựng xã hội học tập suốt đời thực sự có chất lượng, hiệu quả.

Bài và ảnh: Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lan-toa-van-hoa-doc-tu-viec-xay-dung-tu-sach-gia-dinh/175427.htm