Lancet nhắm vào xe tăng, Geran tấn công các cảng

Nga khẳng định, lực lượng vũ trang Ukraine không thể đối phó với máy bay không người lái của Nga, ngoại trừ việc tung tin giả.

Hệ thống tấn công không người lái có độ chính xác cao Zala Lancet. Ảnh: Kalashnikov Media/via Globallookpress.com

Hệ thống tấn công không người lái có độ chính xác cao Zala Lancet. Ảnh: Kalashnikov Media/via Globallookpress.com

Lancet – Khắc tinh của xe tăng Ukraine

Xe tăng Leopard 2A4, được hiện đại hóa bằng cách sử dụng lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-1, đã bị phá hủy ở hướng Orekhovsky sau Challenger 2. Theo nguồn thông tin phương Tây, cả hai xe bọc thép đều bị trúng tên lửa Lancet. Giờ đây, Lancet đã trở thành vũ khí chính để phá hủy các thiết bị của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Zaporozhye.

Challenger-2 được biên chế trong Lữ đoàn tấn công đường không số 82 của lực lượng vũ trang Ukraine, đang phản công giữa hai khu vực Rabotin và Verbov. Theo tờ Guardian của Anh, một chiếc xe tăng Challenger-2 gặp phải mìn chống tăng và sau đó bị máy bay không người lái kết liễu.

Challenger 2 bắt đầu được sản xuất vào năm 1994 và được sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Và người Anh cũng chưa mất một chiếc xe tăng nào trước cuộc phản công của Ukraine.

Leopard 2A4 bắt đầu được sản xuất vào năm 1985. Việc sử dụng loại tăng này gây tiếng tăm nhất là sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria. Đồng thời, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng xe tăng Đức như lực lượng pháo binh, điều này khiến nó dễ bị hệ thống tên lửa chống tăng của người Kurd tấn công. Rõ ràng là, các lực lượng Nga ở Syria đã nắm rõ điểm yếu của Leopard 2A4 để có thể tiêu diệt chúng một cách hiệu quả ở Ukraine.

Kiev nhận được xe tăng với hệ thống giáp lỗi thời

Xe tăng Leopard 2A4 được trang bị pháo nòng trơn 120 mm và được bọc giáp composite. Trên một số mẫu xe do Đức gửi cho lực lượng vũ trang Ukraine được cài đặt hệ thống Contact-1. Đây là loại áo giáp phản ứng nổ được thiết kế để bảo vệ tốt hơn trước các loại đạn tích lũy. Những chiếc xe tăng như vậy được coi là ít bị tổn thương hơn bởi tên lửa chống tăng và súng phóng lựu.

Contact-1 dễ dàng được nhận dạng bởi những viên “gạch” đặc trưng chứa đầy chất nổ giữa hai tấm kim loại. Nguyên tắc hoạt động của chúng là khi bị một đầu đạn tích lũy tấn công, sẽ xảy ra kích nổ, triệt tiêu và làm suy yếu sự xuyên thấu của đầu đạn.

Bản chất mô đun của Contact-1 là dễ dàng thay thế những “viên gạch” bị hư hỏng hoặc đã qua sử dụng. Loại xe tăng này rất thuận tiện cho việc bảo trì và sửa chữa ngay trên chiến trường, điều mà ngay cả người Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sử dụng trên sa mạc Syria.

Khả năng bảo vệ của một số xe tăng được tăng cường nhờ các lớp giáp thụ động bổ sung như vậy. Contact-1 tiết kiệm hơn nhiều so với các biện pháp khác và cũng giúp cho xe tăng không bị nặng quá mức.

Mỗi "viên gạch” áo giáp phản ứng nổ chỉ dùng một lần và cần thay thế sau khi nó phát nổ. Ngoài ra, các bộ phận bọc thép như vậy còn gây nguy hiểm cho bộ binh và các phương tiện khác, đặc biệt là những phương tiện đi theo đoàn xe. Và không thể phủ “gạch Contact-1” lên toàn bộ chiếc xe, một số khu vực vẫn bị hở và có khả năng bị tổn thương.

Contact-1 được sử dụng cho xe tăng Liên Xô T-72 và T-64. Sau đó, đã xuất hiện các phiên bản áo giáp phản ứng nổ tiên tiến hơn. Nhưng rõ ràng người Đức đã không nắm được những phát minh này. Hoặc họ cố tình gửi xe tăng cho lực lượng vũ trang Ukraine với hệ thống bảo vệ rõ ràng là đã lỗi thời.

Chiến dịch tung tin giả về các cuộc tấn công chính xác của Nga

Dự án Oryx của Hà Lan viết: Ukraine đã mất ít nhất 16 xe tăng Leopard ở hướng Zaporozhye. Hầu hết chúng đều bị tiêu diệt bằng Lancet. Với tầm bay 40 km và trọng lượng cất cánh 12 kg, máy bay không người lái này có khả năng bắn trúng mục tiêu bằng các loại đạn nổ mạnh, đạn nhiệt áp, phân mảnh và chống tăng với độ chính xác cao. Contact-1 trở nên bất lực trước loại đạn như vậy.

Nga đã tăng cường đáng kể việc sản xuất Lancet, bao gồm cả phiên bản cải tiến có tên là Sản phẩm 53. Tính hiệu quả của việc sử dụng máy bay không người lái sẽ buộc phải tạo ra hệ thống phóng dàn để phóng hàng loạt tên lửa Lancet.

Quân đội Nga cũng sử dụng hiệu quả Geran 2. Chính những chiếc máy bay không người lái này đã tấn công các cảng Izmail và Reni trên sông Danube, các cơ sở quân sự ở vùng Dnepropetrovsk và Krivoy Rog. Truyền thông Ukraine thường lớn tiếng sau mỗi cuộc tấn công, cáo buộc Nga tấn công các mục tiêu dân sự.

Tờ Defense Post viết rằng cơ quan tuyên truyền của Kiev đã nhiều lần cố gắng đẩy NATO và Nga chống lại nhau. Vào tháng 3/2022, một máy bay không người lái được cho là của Nga đã rơi gần Zagreb (Croatia) và vào tháng 11, một tên lửa đã bay vào lãnh thổ Ba Lan. Trong cả hai trường hợp, mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng Ukraine đứng sau các vụ việc này.

Khắc Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lancet-nham-vao-xe-tang-geran-tan-cong-cac-cang-post1567882.tpo