Làng '102' ở ven suối Cạn
Thời buổi này thấy lạ khi nghe tin nhiều người dân Jrai sống biệt lập ở khu vực suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) không nói được tiếng phổ thông. Quả thực về ngôi làng có một không hai (102) này mới thấy hết sự thiệt thòi, cơ cực, khi nhiều người không biết tiếng phổ thông. Đời sống văn hóa, an sinh, phúc lợi vì thế cũng khó tiếp cận. Hệ lụy nhãn tiền là nạn bỏ học, nên sự nghiệp gieo chữ ở đây trở nên gian nan bội phần.
Mù mịt đường tới trường
Sau trận mưa, đường vào suối Cạn bị ngăn bởi các vũng nước sâu. Cát trắng phủ dọc con đường nên ai đi vào ngã vài ba lần cũng chẳng có gì lạ.
“Từ năm 1982 một số người đồng bào Jrai vào đây canh tác, rồi định cư. Bây giờ đã lên đến 34 hộ, 172 khẩu rồi. Mọi người hay gọi là làng cho dễ nhận biết thôi chứ đúng phải là nói khu dân cư tự phát, bởi có ai công nhận đâu mà gọi là làng”, ông Nguyễn Hữu Khóa, Chủ tịch UBND xã Ia Sol chia sẻ.
Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Nguyễn Hoàng Phong cho biết: Khu dân cư tự phát ở suối Cạn đã có từ lâu. Các thời kỳ trước lãnh đạo huyện đều quan tâm, chuẩn bị sẵn quỹ đất để di dời. Tuy nhiên, việc di dời đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn. Theo tính toán, nếu di dời phải cần khoản đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Bởi vậy, huyện rất mong tỉnh quan tâm, hỗ trợ để sớm di dời bà con đến nơi ổn định, có cuộc sống mới.
Đến đây cũng là lúc các thầy cô giáo của các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đã tới để vận động các em học sinh tới trường. Kẹo, bánh thầy cô giáo mang tới để “dụ” các em đi học bao nhiêu cũng hết. Ở góc làng, 3 em nhỏ xúm lại trên chiếc xe bò mải mê với quyển sách giáo khoa. Không biết chữ nên các em chỉ biết lật từng trang sách xem tranh, ảnh, rồi cười phá lên. Qua dò hỏi mới biết học vấn cao nhất ở đây là đến lớp 10. Còn việc học của 68 trẻ em (từ 1 đến 15 tuổi) ở suối Cạn phụ thuộc cả vào cha mẹ nên bữa được bữa không, có khi nghỉ cả tháng trời do mưa, lũ.
Chẳng tuần nào chị Siu H’Vân (giáo viên Trường Tiểu học Thắng Lợi) không vào suối Cạn. Cô H’Vân chia sẻ, bản thân có trách nhiệm với 20 em từ lớp 1 đến lớp 5. Cô H’Vân trải lòng: “Dạy học phải từ tốn, nhẹ nhàng, chứ quát hay mắng là các em nghỉ học ngay. Về học lực quả thực khó đánh giá lắm, chỉ cần các em nhìn bảng rồi viết được theo là ngon rồi. Dạng như học vẹt ấy”.
Lương tháng chỉ 5 triệu đồng nhưng cô H’Vân phải chia sẻ một phần để mua kẹo, bút, vở để cho các em. Đây là chưa kể tiền xăng, sửa chữa xe máy khi hư hỏng. Mới mấy tháng trước khi vào làng để “kẹp” 4 học sinh trên chiếc xe máy yếu ớt cô bị ngã trật khớp. Giờ chân còn tập tễnh cô vẫn phải đến gõ cửa từng nhà dặn bố mẹ chịu khó đưa các em tới trường.
Còn cô Phạm Thị Ngọc- Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vàng Anh dù đã 54 tuổi rồi vẫn cố gắng băng đường cát bụi mù vào vận động phụ huynh chịu khó đưa con em đi học. Cô Ngọc cũng là người “nhẵn mặt” đi xin quần áo cho các em nghèo. Học mẫu giáo hoàn toàn miễn phí, các em ở lại trường cả ngày nên gạo các cô thay nhau mang tới, hoặc xin các doanh nghiệp. Còn thức ăn thầy cô chia sẻ phần của mình với các em.
Thầy giáo Phạm Ngọc Đông (giáo viên Trường THCS Trưng Vương) tâm tư: “Việc vận động học sinh THCS là rất khó vì từ đây ra trường tới 8 cây số. Các phụ huynh đều nghèo nên lấy tiền đâu mà mua xe đạp cho các em. Nếu các em còn ở đây lâu thì nguy cơ tái mù chữ là rất cao”.
Mong nơi ở mới
Người dân khu vực suối Cạn ở sát chân núi, đất đai đa phần là cát nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Không có cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân phải sống trong cảnh “4 không” (điện, đường, trường, trạm). Cuộc sống của bà con rất khép kín, tự cung tự cấp. Chẳng cần phải hỏi, nhìn những căn nhà lụp xụp cũng biết nơi đây 100% là hộ nghèo.
Ánh mắt tinh khôi, khuôn mặt xinh xắn không ai nghĩ Rơ Ma H’Nú (22 tuổi) đã có hai mặt con. Chị kể, sinh ra tại nơi đây, việc đi lại rất khó khăn nên chỉ học được tới lớp 4. Ở vùng núi hiu quạnh nên đến 16 tuổi H’Nú biết yêu, một năm sau thì có em bé. Căn nhà tạm bợ được quây bằng tôn của gia đình chị trời nắng thì nóng bức, mưa thì dột khắp nơi. Chị H’Nú nhớ lại: “Hồi đẻ đứa đầu nó đau miết, nhà nghèo em phải mượn xe máy hàng xóm chở đi chữa bệnh. Đấy là trời nắng còn đi được chứ trời mưa thì chỉ biết ôm nhau chờ tạnh mới đi. Có đợt dẫn con đi theo làm rẫy trúng gió, cả hai vợ chồng em phải bế nó đi bộ cả mấy cây số mới ra được nơi sơ cứu”.
Dưới bóng cây che cái nắng ran, chị H’Nú thẫn thờ nhìn đứa con út 3 tuổi đầu tóc bù xù, hễ trời nắng lại chảy máu mũi. Dù con trai bị đau đã lâu nhưng chị vẫn chưa cho đi chữa vì không có tiền. “Em vay được 50 triệu đồng rồi mua được 1 ha đất. Cứ tưởng chịu khó làm ăn sẽ được, ai ngờ đất mua chỗ trũng cứ trời mưa là hoa màu bị ngập, thối hết. Mấy vụ bị thế rồi nên chồng em giờ phải đi bốc vác thuê”, chị H’Nú sụt sùi.
Bà Siu H’Phương đã 48 tuổi nhưng vẫn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày chỉ hơn trăm nghìn đồng. Đất bạc màu, trồng mì không có củ, nuôi bò thì bò chết. Thương mẹ vất vả, 3 người con của bà H’Phương đều nghỉ học khi chưa tới lớp 7. Giờ chỉ còn con út đang đi học lớp 6 nhưng cũng buổi học, bữa nghỉ.
Ông Nguyễn Hữu Khóa cho biết, việc đi lại của người dân rất vất vả. Đặc biệt, bà con phải di chuyển qua suối Cạn, vào mùa mưa khi nước về, khu vực này hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài cho đến khi nước rút. Các hộ dân vẫn phải sử dụng đèn dầu hoặc hệ thống điện tự phát, không có điện chiếu sáng và sinh hoạt. Bởi vậy, theo ông Khóa, người dân nơi đây rất mong Dự án bố trí, sắp xếp hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Ia Sol sớm được triển khai.
Ông Khóa nhấn mạnh: “Nếu được bố trí nơi ở mới, bằng mọi cách xã sẽ phối hợp với các trường lên phương án bồi dưỡng để các em theo kịp kiến thức. Qua khảo sát tất cả người dân đều mong muốn có nơi ở mới”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lang-102-o-ven-suoi-can-post1470684.tpo