Làng bánh chưng trong lòng thành phố
Đồng Nai có nhiều vùng ẩm thực đậm chất Bắc như: làng làm bánh chưng ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa), vùng làm chả lụa ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất)...
Những vùng ẩm thực này có nhiều cơ sở sản xuất các món ăn truyền thống đậm đà phong vị Tết Bắc, được tiếp nối qua nhiều thế hệ trong gia đình tạo nên một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của tỉnh công nghiệp miền Nam.
Ở Hố Nai hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất bánh chưng đúng chuẩn vị Bắc tồn tại hàng chục năm qua ngay trong lòng thành phố công nghiệp. Các cơ sở bánh chưng này đỏ lửa quanh năm nhưng rộn ràng nhất là vào mùa sản xuất cho Tết cổ truyền của dân tộc.
Sự năng động của nghề truyền thống ở thành phố công nghiệp này là sản phẩm làm ra không chỉ làm món quà quê giản dị mà được nâng tầm, có thương hiệu để vào các kênh tiêu thụ hiện đại như cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị lớn, thậm chí xuất khẩu ra thế giới.
* Nghề truyền thống ở thành phố công nghiệp
Theo sự tích bánh chưng, bánh giầy của Việt Nam, Vua Hùng Vương đời thứ 6 tổ chức cuộc thi giữa các hoàng tử làm mâm cỗ để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất vào Tết Nguyên đán để chọn người nối ngôi. Người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Lang Liêu, vị hoàng tử hiền hậu, sống đạo đức, hiếu thảo được thần báo mộng rằng: “Vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình trời và đất”. Lang Liêu đã làm mâm cỗ cúng với món bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất, được gói từ gạo nếp ngon với nhân đậu xanh, thịt mỡ thể hiện mong ước đất đai màu mỡ, ấm no; lá xanh bọc ở ngoài là hình tượng cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Từ đó, món bánh ý nghĩa này đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào ngày Tết của người Việt.
Các cơ sở làm bánh chưng ở Hố Nai đều là người gốc Bắc, chủ yếu quê ở tỉnh Hải Dương vào Nam lập nghiệp nên món bánh chưng được chế biến ở phương Nam vẫn giữ nguyên chất truyền thống đất Bắc. Bánh chưng được làm từ nếp Bắc ngon, gói bằng lá dong, buộc bằng sợi lạt chẻ từ tre, nứa. Để có mẻ bánh chưng ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ khác nhau, từ khâu chọn lá, gạo, đậu, thịt ngon đến tay nghề của người gói.
Ông Nguyễn Đình Lân, chủ cơ sở gói bánh chưng lâu năm ở Hố Nai nhớ lại, hơn 20 năm trước, cứ đến tháng Chạp, ông lại vào Nam làm thợ gói bánh cho cơ sở bánh chưng ở Hố Nai để có tiền sắm Tết cho gia đình, vì ở quê gói bánh chưng không trở thành nghề chuyên nghiệp như trong Nam, do năm nào cũng tự gói bánh khi Xuân về, Tết đến. Rồi vợ chồng ông quyết định vào Nam lập nghiệp với nghề gói bánh chưng vì ở thành phố công nghiệp này, bánh chưng trở thành món bánh ăn thường ngày. Trong đó, nguồn khách hàng lớn nhất chính là công nhân và người lao động. Cầm chiếc bánh cỡ nhỏ, ông Lân nói: “Chiếc bánh chưng này có giá hơn 10 ngàn đồng nhưng vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng với gạo, đậu, thịt, là món ăn sáng ngon, rẻ, đảm bảo chắc bụng cho công nhân suốt ca làm việc”.
* Rộn ràng mùa bánh Tết
Bắt đầu từ tháng Chạp, làng sản xuất bánh chưng Hố Nai lại tất bật, rộn ràng vì mỗi cơ sở sản xuất đều phải thuê thêm hàng chục lao động thời vụ vì nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này vào mùa Tết tăng đột biến.
Theo Chủ tịch UBND P.Hố Nai VŨ VĂN CHIÊU, bắt kịp xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh, các cơ sở sản xuất bánh chưng truyền thống trên địa bàn đã chủ động thích ứng, đáp ứng yêu cầu cao của các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, thậm chí xuất khẩu nguyên liệu làm bánh đi các nước…
Theo một số cơ sở sản xuất bánh chưng tại P.Hố Nai, cao điểm làm bánh chưng Tết chỉ vào khoảng 10 ngày trước Tết, nhưng từ đầu tháng Chạp các cơ sở làm bánh đã tất bật tuyển người vì cần thời gian để đào tạo cho thợ gói bánh và chuẩn bị nguyên liệu.
Chị Nguyễn Thị Mai, chủ cơ sở làm bánh chưng lâu năm ở P.Hố Nai chia sẻ, ngày thường cơ sở chị chỉ có 2 vợ chồng gói và con cái phụ thêm, nhưng mùa Tết phải thuê thêm khoảng 30 lao động thời vụ. Đội ngũ thợ này phải chia ca làm việc suốt 24/24 giờ mới đủ lượng bánh giao cho khách. Ngoài cung cấp cho các bạn hàng quen, nhiều cơ sở nấu tiệc cũng đến đặt bánh sử dụng trong tiệc tất niên, các doanh nghiệp thì đặt bánh làm quà cho người lao động.
Cũng theo chị Mai, giá bánh Tết thường cao hơn ngày thường do giá gạo, thịt tăng còn có nguyên nhân là cơ sở thường phải chọn nguyên liệu cao cấp hơn như: sử dụng nếp cái hoa vàng thay cho nếp thường; xay lá dứa trộn vào gạo nếp để bánh có màu xanh ngon mắt, hương vị cũng đậm đà hơn vì khách đặt bánh Tết chủ yếu làm quà biếu hoặc cần cặp bánh ngon chưng trên bàn thờ gia tiên.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, đại diện Cơ sở Bánh chưng Hố Nai tại P.Hố Nai chia sẻ, dự kiến mùa Tết Nguyên đán năm 2023, cơ sở chuẩn bị khoảng 7 tấn nếp ngon để gói bánh chưng vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng gấp nhiều lần so với những tháng khác trong năm. Ngoài bán cho các bạn hàng ở chợ truyền thống, cửa hàng, cơ sở còn là đối tác cung cấp bánh vào các siêu thị lớn như: Co.opmart, BigC… Để cung cấp bánh chưng vào siêu thị, cơ sở phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nói về nghề truyền thống làm bánh chưng tại địa phương, Chủ tịch UBND P.Hố Nai Vũ Văn Chiêu cho biết, nghề làm bánh chưng ở Hố Nai đã có từ hàng chục năm qua. Nhiều cơ sở sản xuất quanh năm nhưng đến mùa Tết mới rộn ràng, sản lượng sản xuất cũng tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Chính quyền địa phương rất quan tâm việc quản lý, giám sát về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển sản xuất, vì đây là mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết tốt lao động nhàn rỗi tại địa phương. Tuy nhiên, để nghề truyền thống này tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ cần thành lập được tổ hợp tác hoặc HTX để không còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.