Bánh thuẫn, món bánh truyền thống có từ hàng trăm năm qua được chế biến từ trứng gà, bột mỳ, sữa và gừng. Các nguyên liệu này được thợ bánh trộn đều hoặc đánh nhuyễn bằng máy xay bột và cho đường trắng vừa đủ để bánh không quá ngọt cũng không quá khô.
Cùng với bánh tét, dưa món, thịt ngâm nước mắm… bánh thuẫn là đặc sản truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi, không thể thiếu trong các dịp Tết cổ truyền và được dùng để đãi khách. Những ngày này, các cơ sở làm bánh thuẫn đỏ lửa mờ sớm cho đến đêm khuya để kịp đúc bánh phục vụ nhu cầu người dân sở tại và khắp các đầu mối tiêu thụ cả nước.
Tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, lò bánh thuẫn gia truyền hơn 100 năm tuổi của vợ chồng ông Bùi Đình Phùng và bà Võ Thị Ba đỏ lửa từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Ông Phùng cho biết, bản thân ông nối nghiệp gia đình làm bánh và đến nay có hơn 40 năm gắn bó với nghề. Thời gian đầu, ông làm lấy ngày công theo yêu cầu của khách hàng, sau đó ông lặn lội đi tìm mối bỏ hàng ở TP Quảng Ngãi và mở rộng quy mô sản xuất.
Sau khi được trộn đều các nguyên liệu, người thợ làm bánh sẽ múc cho vào khuôn bằng đất nung. Sức nóng từ than củi bên dưới khiến cho lớp bột mì và các nguyên liệu khác nở phồng tạo nên vẻ đẹp dân dã của món bánh truyền thống vùng đất xứ Quảng.
Ngày thường những lò bánh thuẫn truyền thống như của ông Phùng sản xuất từ 4.000-5.000 cái, còn ngày Tết thì tăng lên gấp đôi từ 8.000-10.000 cái. Các thương lái đến cơ sở lấy bánh bỏ sỉ ở các chợ, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và cả nước ngoài.
Để có những chiếc bánh thuẫn thơm ngon, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm từ việc chuẩn bị đến khâu trộn nguyên liệu rồi đổ vào khuôn. Sau khi đúc nở phồng thì bánh được đưa vào công đoạn làm giòn. Khác với bánh công nghiệp, loại bánh truyền thống này được ủ nóng bằng than củi.
Trải qua hàng trăm năm, bánh thuẫn truyền thống vẫn tồn tại và được người tiêu dùng ưa chuộng dù ngành công nghiệp bánh ngọt ra đời.
Cách Tết tầm 10-15 ngày, những lò bánh thuẫn truyền thống càng thêm tất bật, món bánh dân dã nhưng lại là thứ không thể thiếu với bất kỳ người dân Quảng Ngãi trong tiếp đãi khách, bày biện lên bàn thờ gia tiên những ngày Tết.
Dù cách chế biến đơn giản, song bánh thuẫn truyền thống mang ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người dân, bởi không chỉ là thực phẩm mà còn mang ý nghĩa cổ truyền hàng trăm năm qua mỗi dịp Tết đến xuân về.
Những mẻ bánh thành phẩm bắt mắt được các lò bánh đưa ra bên ngoài "hong gió" chuẩn bị đưa vào bao để thương lái mang đi tiêu thụ.
Bánh thuẫn truyền thống không chỉ tiêu thụ trong nước mà món "nhà quê" này còn là quà tặng gửi những người Việt xa xứ, giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong những ngày Tết.
Theo người dân làm bánh, tuy vất vả nhưng thu nhập từ nghề làm bánh thuẫn vụ Tết tăng gấp đôi so với ngày thường. Theo đó, những lò làm từ 700-800 chiếc bánh có doanh thu từ 1 đến 1,2 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 nghìn đồng. Những lò sản xuất lớn như của ông Phùng, mỗi ngày doanh thu trên dưới 10 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 4-5 triệu đồng.
Phúc Quân