Làng bánh tráng Mỹ Khánh rộn ràng đón Tết
Mặc dù không sôi động như trước, nhưng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, các bếp của làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) cũng bắt đầu đỏ lửa ngày đêm để kịp các đơn hàng. Đây là mùa vui nhất trong năm của những người thợ từng gắn bó với nghề bánh tráng truyền thống mấy chục năm qua.
Nằm trên ngọn rạch Câu Quảng, thuộc ấp Bình Khánh, nơi sản xuất bánh tráng Mỹ Khánh được nhiều người biết đến, bởi đây là làng nghề truyền thống được hình thành trên 70 năm. Ngày nay tuy không còn xôm tụ như trước, những hộ làm bánh tráng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay (còn hơn 7 hộ), nhưng vẫn duy trì sản xuất thường xuyên vì đam mê nghề. Dịp Tết như một cuộc hẹn, nơi đây lại rộn ràng hơn hẳn.
Gần một tháng qua, những lò bánh tráng Mỹ Khánh ngày nào cũng tỏa khói liên tục. Bên bếp lò bốc khói, đôi tay của người phụ nữ tráng bánh vẫn thoăn thoắt cho bột lên khuôn là một tấm vải phẳng căng trên miệng nồi; bột được trải đều thành hình tròn trên tấm vải, rồi đậy nắp lại. Chỉ trong chốc lát, hơi nước làm chín bánh. Người thợ tráng bánh lại khéo léo dùng đũa tre lấy bánh ra trải lên vỉ rồi đem phơi nắng. Bánh tráng Mỹ Khánh được yêu thích và có sức tiêu thụ mạnh ở các chợ truyền thống. Mỗi ngày, trung bình mỗi hộ cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 cái bánh, còn dịp Tết thì nhiều gấp 3 - 4 lần, nên thời điểm này ai cũng tranh thủ tăng sản xuất.
Tiếp nối nghề truyền thống của ông bà, chị Trần Thị Phượng (ngụ ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh) chia sẻ: “Từ lâu sống xa nhà, nhưng giờ về lại tiếp tục theo bà nội tráng bánh. Công việc thì ngày nào cũng làm bình thường, tùy theo khách hàng đặt, có khi vài ngày hoặc liên tục. Mỗi ngày làm từ 200 - 500 bánh, ngày Tết đặt bánh nhiều hơn gấp đôi, gấp ba, làm không kịp nghỉ. Nhờ vậy mà có đồng vô, đồng ra để lo cho con cái đi học và ăn uống trong gia đình”.
Tuy không so được với các loại bánh ngon được bày bán ngoài thị trường, nhưng bánh tráng Mỹ Khánh vẫn thu hút người dân khi muốn thay đổi khẩu vị, nên người làm bánh vẫn còn gắn bó với nghề. Chị Nguyễn Ngọc Diệp, cho biết: “Bánh tráng chúng tôi làm từ vật liệu nguyên chất bột gạo, bột mì, không pha chất gì thêm, nên đảm bảo được khẩu vị cho người dùng. Cũng vì vậy mà làng nghề vẫn được mọi người biết tìm đến đặt hàng”.
Những người thợ nơi đây đa phần có thâm niên gắn bó với nghề truyền thống làm bánh tráng từ 2 - 3 thế hệ, họ quen thuộc với bếp lửa, sân phơi như thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Nhưng nghề này không thể đem lại thu nhập kinh tế chính, chỉ có thể làm để giữ nghề truyền thống không bị mai một, vừa kiếm thêm thu nhập. Đây là lý do thợ chính của nghề tráng bánh đa phần là các bà, các chị…
Bánh tráng Mỹ Khánh được ưa chuộng là loại bánh tráng mặn, thường sử dụng cho các món ăn hàng ngày. Nổi tiếng nhất là loại bánh tráng ngọt được chế biến từ nước cốt dừa và mè rang vàng ươm, tạo nên những chiếc bánh dẻo thơm. Tuy nhiên, để đa dạng và tạo hướng đi mới, các hộ sáng tạo thêm loại bánh tráng ớt mới với nhiều nguyên liệu bắt mắt, thơm ngon được thị trường đón nhận. Theo chị, Nguyễn Thị Dựa, ngụ ấp Bình Khánh: “Bánh tráng bán chạy nhất là khoảng tháng 5 - 6, còn vào tháng hè khô thì bán chậm, vì những tháng này không có nhiều tôm, tép… nên người ăn ít. Còn vào dịp Tết thì hút hàng, nhà tôi thì làm được các loại bánh: Bánh trắng, bánh ớt và bánh ngọt (đường cát, đường thốt nốt), trong đó bánh đường thốt nốt rất thơm ngon. Ngoài ra, nếu người đặt làm có muốn thêm hương vị lạ lạ, như gừng, mè… thì mình làm thêm”.
Dẫu qua bao thăng trầm với thời gian, người dân làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh vẫn ngày ngày đốt lò nhóm lửa, xay bột, tráng bánh phục vụ cho nhu cầu cuộc sống mọi người… luôn bền bỉ theo năm tháng. Bằng tình yêu nghề và với mong muốn giữ nghề truyền thống, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực duy trì với món bánh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn nét đẹp truyền thống nông thôn, mang đến hương vị đặc trưng cho ngày Tết, mà còn giúp tăng thu nhập kinh tế.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/lang-banh-trang-my-khanh-ron-rang-don-tet-a414066.html