Làng bị cô lập, dân bỏ 15 năm đục núi mở đường nối thế giới
Trong suốt 15 năm, người dân ngôi làng kiên trì đục đẽo núi, mở ra con đường kết nối với thế giới cũng như cuộc sống mới đầy đủ hơn.
Vốn là vùng đất có khí hậu thuận lợi, ngôi làng Thần Long Loan ở huyện Bình Thuận, tỉnh Sơn Tây Trung Quốc nổi tiếng là nơi sản xuất ra những quả óc cho hay lê thơm ngon. Thế nhưng, trong quá khứ, cứ đến mùa thu hoạch, người dân địa phương phải chấp nhận mất khoảng 6 giờ đồng hồ, đi vòng qua 8 thị trấn ở 3 tỉnh khác nhau hoặc liều mạng leo hẻm núi dốc đứng.
Không muốn thế hệ sau chịu cảnh biệt lập, dân làng quyết định phải thay đổi hoàn cảnh. "Chúng tôi cần một con đường", trưởng lão của làng đồng thời là người tham gia công cuộc mở đường cho hay. "Nếu không thể hoàn thành trong một năm, chúng tôi sẽ dành ra hai năm hoặc 3 năm".
Con đường do người dân tự tay đục đẽo. Ảnh: Xinhua
Bốn bề ngôi làng đều bao quanh bởi những ngọn núi, do đó, nếu muốn mở đường, dân làng buộc phải phá vỡ những lớp đá dày. Tất cả công cụ mà người dân dùng để hiện thực hóa mong muốn chỉ là những công cụ thô sơ như búa, đục nên việc mở đường khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn dự kiến.
Công cuộc phá núi mở đường bắt đầu vào năm 1985 và hoàn thành vào năm 2000. Sau khi nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương, hơn 350 trong số 850 dân làng đã cùng nhau thực hiện công việc khó khăn này.
Trong quá trình thực hiện, do không nhận được sự trợ giúp nên để mở con đường dài 1.526 mét xuyên núi, người dân phải tự chuẩn bị mọi thứ, từ dụng cụ, thuốc nổ, đến thực phẩm. Có những ngày, họ phải nghỉ lại trên núi để tiết kiệm thời gian. Thậm chí có 4 người không may bỏ mạng, tuy nhiên, những người còn lại không bỏ cuộc, sớm lấy lại tinh thần tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu.
Con đường vắt vẻo trên núi cao. Ảnh: Xinhua
Sự quyết tâm của họ cuối cùng cũng được đền đáp. Sau khi hoàn thành và được đưa vào sử dụng, con đường thực sự mở ra "cuộc sống mới" cho người ngôi làng bị cô lập. Không chỉ thuận lợi kinh doanh thành quả lao động mà cảnh đẹp quê hương cũng góp phần thu hút lượng lớn du khách tới đây tham quan, chiêm ngưỡng.
Ngày nay, hơn 60% trong số hơn 700 dân làng tham gia vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch. Lợi nhuận thu được từ du lịch giúp người dân cải thiện cuộc sống, cảnh nghèo đói chỉ còn là một ký ức. Vào năm 2000, trước khi con đường xuyên núi đi vào hoạt động, thu nhập bình quân đầu người ở đây chỉ là 680 nhân dân tệ, nhỏ hơn nhiều so với con số 12.000 nhân dân tệ của hiện tại.