Làng biển miền Trung tất bật vào vụ tết
Ngư dân các tỉnh miền Trung những ngày này tranh thủ thời tiết thuận lợi đã ra khơi đánh bắt vụ tết, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng khắp mọi miền đất nước.
Tại tỉnh Thanh Hóa, những ngày này người dân các làng biển ở xã Quảng Nham, Quảng Thái, Quảng Hải (huyện Quảng Xương) đang tất bật chuẩn bị các mặt hàng hải sản phục vụ tết. Theo ông Hoàng Xuân (ở thôn Bắc, xã Quảng Nham), để chuẩn bị các loại đặc sản biển phục vụ thị trường tết, công tác chuẩn bị diễn ra từ tháng 10 âm lịch và hiện đang vào thời điểm “tăng tốc”.
Các mặt hàng của ngư dân Quảng Nham được người tiêu dùng ở các thành phố lớn, đặc biệt là thị trường Hà Nội, ưa chuộng, như cá thu khô, mực khô, tôm khô, tép biển khô… Hiện mực khô loại 1 (mực câu) có giá khoảng 1,9 triệu đồng/kg, mực bình thường khoảng 1,2 triệu đồng/kg; cá thu khô 700.000-800.000 đồng/kg, cá thu 1 nắng 380.000-400.000 đồng/kg…
Tại khu vực cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, là cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh), hàng chục tàu thuyền các loại của bà con ngư dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định… liên tiếp cập bến, trên khoang tàu chất đầy các loại hải sản như cá, mực, tôm... tươi rói. Ngay sau khi neo đậu vào cầu cảng, các thuyền viên trên tàu nhanh chóng tập trung bốc xếp, vận chuyển các khay chứa hải sản lên bến phục vụ bán tết.
Vừa cho tàu công suất trên 120CV vào cập cảng cá Cửa Sót, ngư dân Trần Văn Hải (59 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa) cho hay, thời tiết thuận lợi, nắng ấm dần, biển lặng, tàu ra khơi cách bờ khoảng 17-20 hải lý đã đánh bắt trúng hơn 2 tấn cá bạc má và một số hải sản khác. Sau khi vào cập cảng Cửa Sót, số cá bạc má và hải sản các loại đều bán hết nhanh chóng cho thương lái. Trừ các khoản chi phí xăng dầu, lao động, tàu thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng.
Trong khi đó, tại cảng cá sông Gianh (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), ngư dân Đậu Minh Thành cho biết, chuyến đánh bắt xa bờ này có được 15 tấn cá thu, thương lái mua ngay trên biển nên tàu vào cảng cá tranh thủ lên hậu cần dầu đèn, đá lạnh để đi chuyến mới, chừng 15 ngày nữa về là nghỉ tết.
Đặc sản hút khách
Những ngày giáp tết, các vựa thủy hải sản dọc các tỉnh Bắc miền Trung luôn đông thương lái đến tìm mua đặc sản biển để đưa đi miền Nam, miền Bắc tiêu thị do đậm vị, ngon lạ miệng.
Ông Đồng Thanh Hải, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói: “Cá hố loại lớn vào dịp cuối năm được bà con miền Bắc rất thích, đặc biệt là những ngày tết. Cá hố thịt ngon, kho hoặc chiên đều dễ chế biến, ăn không ngán nên lượng tiêu thụ mùa tết rất lớn, ngư dân rất phấn khởi vì được giá”.
Theo ghi nhận tại cảng cá Cửa Sót (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), ngoài các tàu thuyền ra vào tấp nập, từ sáng sớm đã có nhiều thương lái và người dân mang theo các vật dụng, phương tiện chờ sẵn để thu mua hải sản, sau đó vận chuyển đến các cơ sở chế biến để phục vụ nhu cầu dịp tết.
Ngư dân Nguyễn Lộc chia sẻ: “Các loại hải sản có giá trị kinh tế cao được các tàu mang vào tập kết đầy trên cảng. Hầu hết là đặc sản, được cấp đông, bán được giá nên bà con rất vui”.
Tại thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An), ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập, thông tin, mặt hàng vào dịp tết được người tiêu dùng ưa chuộng nhất vẫn là cá thu, tôm. Hai mặt hàng này không chỉ được người tiêu dùng mua để ăn trong dịp tết mà còn làm quà biếu nên bán rất chạy.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Thế Vũ, ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cho hay: “Cuối năm, thương lái còn săn cá ngứa, cá dở. Mỗi kg cá loại này có giá tới 900.000 đồng. Ngư dân đánh bắt được bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu”.
Cà Mau: Gần tết, giá đặc sản tôm khô cao kỷ lục
Gần đến Tết Nguyên đán 2025, mặt hàng đặc sản của tỉnh Cà Mau là tôm khô tăng giá mạnh. Hiện tại, tôm khô (làm bằng tôm đất) loại 1 bán trên thị trường có giá 1,8-1,9 triệu đồng/kg, tôm khô loại 2 giá 1,3-1,4 triệu đồng/kg (tăng 100.000-200.000 đồng/kg so với năm ngoái). Hiện tại, giá tôm khô đang ở mức cao kỷ lục.
Bên cạnh đó, một số đặc sản khác của tỉnh Cà Mau như cua biển, ba khía muối, khô cá kèo, bánh phồng tôm… cũng được tiêu thụ mạnh dịp Tết Nguyên đán này. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng trên không tăng nhiều so với năm ngoái.
Lý giải về giá tôm khô tăng, ông Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Sông Đầm (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết, năm nay thất mùa nên nguồn nguyên liệu tôm đất sống ít và giá tôm nguyên liệu cũng tăng, kéo giá tôm khô tăng theo. Do nguồn nguyên liệu thiếu nên một số cơ sở chế biến tôm khô hạn chế nhận đơn hàng của khách.
Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 100 cơ sở, đơn vị sản xuất tôm khô. Vào năm 2021, tôm khô Cà Mau lọt vào tốp 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Năm 2023, nghề làm tôm khô ở tỉnh Cà Mau được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
TẤN THÁI
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lang-bien-mien-trung-tat-bat-vao-vu-tet-post778172.html