Làng bưởi Bạch Đằng lo không đủ hàng bán Tết

Sau hàng chục năm xây dựng thương hiệu, hiện nay, bưởi ở Cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã có vị thế nhất định trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Do đó, nông dân ở đây không quá bận tâm về đầu ra mà lo không có hàng phục vụ Tết.

Không lo đầu ra

Với gần 400ha bưởi đường lá cam, bưởi da xanh đang cho thu hoạch, hiện nay, nông dân ở Cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đang tất bật chăm bón vườn để chuẩn bị hàng phục vụ Tết.

Theo nông dân, điểm đặc biệt của bưởi Bạch Đằng là ngoài chuyện đẹp trưng Tết, còn phải để được lâu và ăn phải ngon, an toàn cho sức khỏe. Để có được những trái bưởi ưng ý, nhà vườn đã phải đầu tư công sức, chăm sóc kỹ lưỡng theo hướng hữu cơ, ưu tiên thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh nên không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng nhờ vậy, dù thị trường bưởi tết có cạnh tranh nhưng nông dân trồng bưởi ở Bạch Đằng vẫn không lo thiếu đầu ra.

Cù lao Bạch Đằng được 2 nhánh của dòng sông Đồng Nai ôm trọn, bồi đắp phù sa khiến đất đai nơi đây màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây ăn trái (Ảnh: Thiên Lý)

Cù lao Bạch Đằng được 2 nhánh của dòng sông Đồng Nai ôm trọn, bồi đắp phù sa khiến đất đai nơi đây màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây ăn trái (Ảnh: Thiên Lý)

Ông Dương Văn Hải, chủ vườn bưởi rộng 4.000m2 ở xã Bạch Đằng cho biết, thương hiệu bưởi Bạch Đằng đã được nhiều người biết đến nên giá bán khá ổn định, rất hiếm khi bị thương lái o ép giá.

Ông Dương Văn Hải kiểm tra vườn bưởi để chuẩn bị cắt cho thương lái (Ảnh: Thiên Lý)

Ông Dương Văn Hải kiểm tra vườn bưởi để chuẩn bị cắt cho thương lái (Ảnh: Thiên Lý)

“Tôi xây dựng thương hiệu bưởi có tên, tuổi rõ ràng nên khi bán là người ta tự tìm đến, gọi điện đặt hàng chứ không cần đi tìm. Vườn nhà toàn mối ở TP.HCM, Tết nay họ lấy toàn tầm 4.000-5.000 trái, còn bán lẻ mấy ngàn trái nên không đủ cung" - ông Hải chia sẻ.

Các vườn bưởi ở Bạch Đằng đang vào mùa Tết (Ảnh: Thiên Lý)

Các vườn bưởi ở Bạch Đằng đang vào mùa Tết (Ảnh: Thiên Lý)

Còn ông Dương Văn Minh, chủ vườn bưởi rộng 2.300m2 trải lòng, không biết ở các địa phương khác ra sao, chứ bưởi Bạch Đằng năm nào cũng hút khách. Tầm tháng 10 âm lịch, thương lái các nơi đã đến tận vườn đặt cọc để có hàng bán Tết. Nhiều khách mua nhưng nhà vườn chủ yếu ưu tiên cho mối quen, lâu năm.

Ông Dương Văn Minh cho biết, bên cạnh thổ nhưỡng thì do cách chăm sóc đặc biệt của nông dân nên bưởi ở Bạch Đằng vỏ mỏng, vị ngọt thanh (Ảnh: Thiên Lý)

Ông Dương Văn Minh cho biết, bên cạnh thổ nhưỡng thì do cách chăm sóc đặc biệt của nông dân nên bưởi ở Bạch Đằng vỏ mỏng, vị ngọt thanh (Ảnh: Thiên Lý)

Theo ông Minh: “Tới thời điểm này thì thương lái chờ tới giờ bán bưởi họ vào vườn cắt bưởi chứ không còn thương lượng giá cả. Giá bưởi cả lớn nhỏ khoảng 200.000-300.000 đồng/chục, nếu phân ra bán cũng được 400.000-500.000 đồng bưởi lớn, bưởi nhỏ tầm 200.000 đồng. Nếu bán 200 triệu đồng trừ chi phí 60 triệu đồng còn 140 triệu đồng, tính ra so với thu nhập người nông dân ngon hơn lúa rất nhiều".

Giữ diện tích và thương hiệu

Bên cạnh hương vị thơm ngon, một lý do khác khiến người trồng bưởi ở Cù lao Bạch Đằng tự tin về đầu ra là đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, năm 2011, thương hiệu “Bưởi Bạch Đằng” còn được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học-Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 5 loại bưởi là đường lá cam, da xanh, bưởi ổi, bưởi hồng, bưởi da láng do Hội nông dân xã sở hữu. Cũng từ đó làm gia tăng giá trị sản phẩm, giúp thương hiệu của bưởi Bạch Đằng ngày càng "bay cao, bay xa".

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng (trái) xuống thăm vườn bưởi của nông dân (Ảnh: Thiên Lý)

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng (trái) xuống thăm vườn bưởi của nông dân (Ảnh: Thiên Lý)

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Đằng cho biết, nhờ giá bưởi cao và ổn định nên thu nhập của người trồng bưởi trong xã ngày một khá lên, có nhiều hộ thu nhập 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, nông dân cũng đã biết tận dụng tất cả tài nguyên của cây bưởi để làm nên mứt, rượu, tinh dầu… từ đó giúp họ có thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Thanh Minh cho biết thêm: “Để vận động nông dân duy trì vườn bưởi đặc sản của địa phương, Hội Nông dân cũng đã phối hợp với các ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Vận động nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn thực phẩm. Hỗ trợ nông dân thực hiện cấp mã số vùng trồng liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường".

Năm nay, Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng lần III sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến 28/1. Ở 2 lần trước, rất đông du khách các nơi tìm đến Bạch Đằng tham quan, thưởng thức bưởi Bạch Đằng (Ảnh: Thiên Lý).

Năm nay, Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng lần III sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến 28/1. Ở 2 lần trước, rất đông du khách các nơi tìm đến Bạch Đằng tham quan, thưởng thức bưởi Bạch Đằng (Ảnh: Thiên Lý).

Để xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm đặc sản cho địa phương, từ năm 2020, TP. Tân Uyên cũng đã tổ chức Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng 2 năm 1 lần. Tham dự lễ hội, du khách được tham quan khu trưng bày, hội chợ các loại bưởi, các sản phẩm từ trái bưởi, cây bưởi kiểng... Từ đó, cái tên "Bưởi Bạch Đằng" càng khẳng định được vị thế nhất định trên thị trường.

Năm 2020, Bình Dương đã xây dựng Đề án “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng”. Mục tiêu Đề án "biến" xã Bạch Đằng thành nơi phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương đang có các những chính sách để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng bưởi, làm nên các sản phẩm từ bưởi để phục vụ du khách.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lang-buoi-bach-dang-lo-khong-du-hang-ban-tet-post1073115.vov