Làng Thủy Trầm là một trong những vựa cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc, với thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Cứ mỗi dịp gần ngày 23 tháng Chạp (lễ ông Công, ông Táo) hàng năm, ngôi làng này lại tấp nập cảnh đánh bắt, mua bán cá chép đỏ.
Được biết, người dân bắt đầu nuôi cá chép đỏ từ khoảng tháng 7 âm lịch, cho đến trước ngày Tết ông Công ông Táo là bắt đầu xuất bán.
Theo ghi nhận của PV, người dân làng Thủy Trầm bắt đầu kéo cá để bán cho lái buôn từ các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên… Thời tiết lạnh giá khiến người nông dân lội dưới bùn phải trang bị đầy đủ quần áo mưa, ủng để việc bắt cá không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ông Nguyễn Huy Luận, một người dân trong làng Thủy Trầm, cho biết, năm nay nhà ông nuôi cá chép đỏ trên diện tích khoảng hơn 4.000 m2. Thời tiết năm nay thuận lợi, nên cá chép đỏ sinh trưởng rất tốt, cho năng suất cao.
Gia đình nhà ông Luận nuôi thả khoảng 8.000 đến 10.000 cá giống từ tháng 4/2023, đến nay thu hoạch được khoảng 1 tạ chép đỏ thành phẩm, loại khoảng 3 ngón tay, đủ điều kiện phục vụ người dân dịp Tết ông Công ông Táo.
Do ảnh hưởng kinh tế khó khăn, năm nay thị trường cá chép đỏ kém sôi động, giá bán chỉ khoảng 80.000/kg, giảm sâu so với mức 100.000-150.000 đồng/kg năm ngoái.
Cá chép đỏ nuôi tại làng Thủy Trầm có thân hình thoi, màu đỏ sặc sỡ hoặc đỏ ánh vàng và có hai đôi râu... Do ngoại hình bắt mắt, nên cá chép đỏ Thủy Trầm luôn được thị trường ưa chuộng.
Trước khi đem bán, cá được đánh bắt từ ao và nhanh chóng chuyển sang một lưới ở ao bên cạnh để giúp cá không bị ngạt bùn, quen với môi trường mới. Cá vận chuyển xa sẽ được bơm oxy vào bao tải chứa.
"Hiện nay, xã Tuy Lộc có hơn 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, tạo việc làm cho trên 1.140 người", ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm cho biết.
Phạm Trọng Tùng