Làng chài thời tiền sử Giồng Cá Vồ

Vừa qua, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin đậm nét về việc phát hiện di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ có niên đại 2.200-2.300 năm ở một địa bàn ven biển, thuộc ấp Hòa Hiệp, xã Tuy Hòa, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên phát lộ ra dấu vết của những cư dân làng chài thời tiền sử, vì cách đây 28 năm, các nhà khảo cổ cũng từng 'đánh thức' nơi đây.

Hiện trường khai quật di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ, tháng 10/2022. Ảnh: Tư liệu

Hiện trường khai quật di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ, tháng 10/2022. Ảnh: Tư liệu

Đồ trang sức 2000 năm

Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ được phát hiện năm 1993, khai quật lần 1 năm 1994, thám sát năm 2018 với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ năm 2000 là 29.000m2, trong đó khu vực trung tâm (khu vực 1) của di tích nằm trên một giồng đất đỏ cao hơn khu vực xung quanh khoảng 1,5m, có diện tích là 7.000m2. Thực hiện Quyết định số 43/QĐ-BVHTTDL, ngày 11/1/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 15/1-21/10/2021, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khai quật di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ lần thứ 2.

Tổng diện tích thăm dò khai quật là 225m2 gồm 5 hố thăm dò và 1 hố khai quật. Tại hố khai quật phục vụ cho công tác bảo tồn tại chỗ, trưng bày và phát huy giá trị, diện tích 200m2, trên cơ sở được lựa chọn từ kết quả hố thăm dò, thám sát năm 2018 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, các nhà khảo cổ học phát hiện hàng trăm cổ vật gồm 224 mộ chum cổ, 15 mộ đất và đồ tùy táng. Khi bóc dỡ các chum đất để xem của hồi môn người sống gửi cho người chết, có những món đồ vật rất độc đáo, trong đó có bộ khuyên tai hình hai đầu thú.

Khuyên tai hai đầu thú là cổ vật đồ trang sức độc đáo, đặc trưng của nền văn hóa Sa Huỳnh, được phát hiện khá nhiều ở vùng ven biển Việt Nam như Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả ở Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… Các di chỉ khảo cổ ở Cần Giờ là nơi phát hiện ra nhiều khuyên tai, gồm có 3 loại: Kiểu uốn lượn mềm mại, móc đeo thường tròn, ngắn, có chiếc khoét ngay sát thân, mặt thú nở, sừng thường ngắn hơn móc đeo. Kiểu vuông vắn, mặt thú nhỏ, sừng dài ngang với móc đeo. Kiểu mỏng dẹt, khắc họa một bên mặt thú với thân rộng, trông giống như một chiếc khánh đá.

Năm 2018, các nhà khảo cổ công bố, ở 15 địa điểm khai quật di chỉ khảo cổ ở Việt Nam và Đông Nam Á, số khuyên tai hai đầu thú được phát hiện là 70 chiếc, nhưng riêng di chỉ khảo cổ nằm tại huyện Cần Giờ đã là 30 chiếc. Phân tích về đặc điểm khuyên tai hai đầu thú tại đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học thành phố Hồ Chí Minh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh từng có bài viết và chia sẻ: Tuy được chia làm 3 kiểu, nhưng tất cả những chiếc khuyên tai này không có chiếc nào hoàn toàn giống nhau, kể cả những cặp chôn trong cùng một mộ.

Các khuyên tai hai đầu thú ở di chỉ Giồng Cá Vồ được sản xuất thủ công nên mỗi sản phẩm, người thợ đã để lại một dấu ấn riêng - khác nhau về kích thước, về chi tiết ở mắt, miệng, trán, sừng, móc đeo.

Đầu thú là biểu tượng của con gì? Các nhà khảo cổ nhận định, đó là con trâu và con chim. Con trâu là biểu tượng về sự cân bằng và hòa hợp âm dương, sức khỏe và sự dũng mãnh của đàn ông, cho sự giàu sang của người sống, đồng thời, là con vật có thể đưa người chết về với tổ tiên. Con chim - hay được thể hiện bằng đường xoáy ốc, là biểu tượng sự vận động của vũ trụ, liên tục và có chu kỳ, đồng thời, là biểu tượng của sự phồn thực gắn với phụ nữ. Con chim còn gắn với hình tượng chiếc thuyền đưa người chết sang thế giới bên kia…

Bảo tồn vùng đất thiêng

Di chỉ Giồng Cá Vồ từng được đánh thức cách đây 28 năm. Vào tháng 12/1993, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh và Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiến hành đào thám sát tại di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ và phát hiện có 38 ngôi mộ chum, trong đó, 23 mộ có di cốt người, nhiều đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, sắt…, hiện vật chủ yếu là đồ trang sức. Sau khi được Bộ Văn hóa Thông tin cấp Giấy phép số 181/VHQĐ, ngày 2/4/1994, các đơn vị đã tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ Giồng Cá Vồ từ ngày 26/4/1995 đến ngày 21/6/1995.

Khuyên tai hai đầu thú trong đợt khai quật năm 1994. Ảnh: Tư liệu

Khuyên tai hai đầu thú trong đợt khai quật năm 1994. Ảnh: Tư liệu

Khi triển khai chính thức, các nhà khảo cổ kinh ngạc vì số lượng mộ, cổ vật được phát lộ dày đặc theo từng vết đào bới. Đoàn khai quật phát hiện được 301 mộ, mật độ phân bố mộ khá dày, khoảng 1,5 mộ/m2, mộ chồng cắt nhau cũng khá lớn. Trong đó, có 283/301 mộ còn di cốt và hiện vật, có 95% chum có hình cầu đáy tròn, có 4 chiếc chum hình đáy hơi nhọn hình trứng, còn lại là chum vai gãy ngang hoặc hơi xiên. 79% trong mộ có đồ tùy táng, hiện vật chủ yếu là: hạt chuỗi mã não, hạt chuỗi đá, hạt chuỗi nhuyễn thể, vòng thủy tinh, khuyên tai, cuội và sỏi nhỏ…

Phần lớn di cốt trong chum được người cổ mai táng theo tư thế ngồi bó gối. Cùng với di cốt người là nhiều hiện vật phong phú về chất liệu, hình loại và công dụng được tìm thấy. Số lượng hiện vật thu được là: 21 khuyên tai hai đầu thú, 2 khuyên tai ba mấu, 1.046 hạt chuỗi đá, 9 vòng tay và nhiều mảnh vòng bằng đá, hơn 200 hạt chuỗi, 15 vòng tay bằng thủy tinh, 36 vòng tay, một số hạt chuỗi, 36 răng nanh thú, 8 công cụ bằng xương, 70 giáo, lao, lưỡi câu, rìu bằng kim loại. Đồ đồng có rìu, giáo, kim và nhiều mảnh đồng. Đồ gốm cũng rất phong phú, có đủ các loại hình gốm thuộc văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh.

Trước tốc độ phát triển “nóng” ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức trở thành mô hình thành phố trong thành phố, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh “đua” nhau đề xuất nâng cấp phát triển lên thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều nhà nghiên cứu, giới khoa học đã tỏ ra lo ngại những di chỉ dày đặc chưa được khai quật tại huyện Cần Giờ sẽ bị xâm hại, bị chôn vùi dưới những công trình bê tông, cốt thép mọc lên vùn vụt.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Lam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, giảng viên đại học tại Bắc Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH NgoViet Architects & Planners mới đây đã có bài viết đề nghị nên để huyện Cần Giờ phát triển theo hướng sinh thái để bảo tồn di sản văn hóa, rừng ngập mặn, trở thành “lá phổi xanh” cho thành phố, không nên phát triển kinh tế biển theo hướng đô thị hóa mật độ cao cho Cần Giờ, nếu xây một cảng nước sâu ở đây cũng không phù hợp, vì phá hủy giá trị sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; kết nối vùng, hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An để mở rộng tiềm năng. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát triển kinh tế năng động, nhưng không có nghĩa vùng đất nào cũng phải tận dụng tối đa diện tích để biến thành khu kinh tế, đưa vào các dự án địa ốc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu phân tích các đặc điểm của di chỉ Giồng Cá Vồ và chia sẻ với báo chí trong đợt khai quật di chỉ trên vào tháng 10/2022: “Có thể thấy, đây là cộng đồng làm kinh tế thương nghiệp rất sớm, hướng ra biển thì họ trao đổi với các cộng đồng ở ven biển, quần đảo Đông Nam Á hoặc xa hơn; còn hướng vào đất liền thì họ đi ngược vào lưu vực sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ. Toàn bộ hệ thống di tích ở khu vực Đồng Nai, Vàm Cỏ đều cho thấy có sự liên kết với khu vực Cần Giờ mà điển hình là di tích Giồng Cá Vồ”.

Hà Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lang-chai-thoi-tien-su-giong-ca-vo-post457575.html