Lang Chánh khôi phục các trò chơi, trò diễn dân gian

Bên cạnh bảo tồn các lễ hội truyền thống, việc gìn giữ và phát huy giá trị các trò chơi, trò diễn dân gian cũng được huyện Lang Chánh quan tâm, góp phần quảng bá đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương.

Đẩy gậy là môn thể thao phổ biến và phát triển mạnh tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Cũng như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác, khua luống có nguồn gốc từ đời sống lao động sản xuất, gắn liền với hoạt động giã gạo của đồng bào dân tộc Thái. Với phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hằng ngày, khi giã gạo, họ thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương rẫy. Trải qua thời gian, những nhịp gõ dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật. Hiện nay, tại khắp các bản làng người Thái trên địa bàn huyện Lang Chánh, khua luống luôn được sử dụng như một lời chào đến với những du khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc là việc làm rất cần thiết, để các giá trị đó không ngừng được phổ biến, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của Nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, cùng với việc chăm lo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lang Chánh luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội Chá Mùn của đồng bào dân tộc Thái đen ở xã Yên Thắng (Lang Chánh). Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần, đây được xem là một nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng dân tộc Thái đen với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để bước vào năm mới. Tham gia lễ hội này, ngoài cầu mùa, cầu phúc, người dân còn được tham gia những trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo, như múa sạp, khua luống, cồng chiêng và múa hát xung quanh cây bông... Để rồi những câu hát, điệu khèn... chứa chất bao tâm sự, tình cảm cũng như những mong ước chính đáng về một cuộc sống bình yên, no đủ của đồng bào dân tộc Thái lại được vang lên giữa không gian núi rừng...

Trên địa bàn huyện Lang Chánh hiện có 3 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức thường xuyên, định kỳ, gồm lễ hội chùa Mèo, xã Quang Hiến (nay là thị trấn Lang Chánh); lễ hội truyền thống xã Giao Thiện và lễ hội Chá Mùn của đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, cùng với việc duy trì các lễ hội, huyện Lang Chánh luôn tạo điều kiện khuyến khích đồng bào các dân tộc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Đặc biệt, ngành chức năng của huyện đã và đang bắt tay vào thực hiện bảo tồn và phát huy làn điệu khặp của người Thái trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, xác định trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt, không chỉ góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh, dẻo dai, khôn khéo mà còn góp phần lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Vì vậy, tại các lễ hội, ngoài hoạt động văn hóa tâm linh, các địa phương đã chú trọng tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian như: Kéo co, bắn nỏ, tung còn, đẩy gậy, múa cây bông, múa sạp... nhằm tạo không khí sôi động, vui tươi, lành mạnh, thu hút sự cổ vũ đông đảo người dân. Việc tổ chức và thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian trong dịp tết đến, xuân về không chỉ mang lại không khí tươi vui, hào hứng cho bà con Nhân dân; tăng cường rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo của những người tham gia mà hơn hết chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn huyện.

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ làm thay đổi không gian sống và môi trường sinh hoạt vui chơi giải trí, cùng với công nghệ thông tin phát triển, thế hệ trẻ tìm đến với trò chơi điện tử trên điện thoại, máy tính, các trò chơi dân gian đứng trước nguy cơ bị mai một... Trước tình hình đó, hằng năm Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu với UBND huyện Lang Chánh chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; chỉ đạo các địa phương kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giá trị của di tích, lễ hội nhằm nâng cao hiểu biết của Nhân dân, từ đó có ý thức trách nhiệm cùng chính quyền tổ chức tốt lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Bên cạnh đó, gắn các hoạt động lễ hội với các hoạt động văn hóa của địa phương như tổ chức đêm giao lưu ca - múa - nhạc truyền thống, hoạt động thể dục - thể thao, đưa các trò chơi, trò diễn dân gian mang tính giải trí lành mạnh, rèn luyện thể lực, kích thích trí thông minh, tài khéo léo của con người, mang tính cộng đồng cao để thu hút mọi người, mọi lứa tuổi tham gia... Qua đó đưa trò chơi, trò diễn dân gian thành các hoạt động phổ biến, giúp rèn luyện cả thể chất và tinh thần cho cộng đồng.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lang-chanh-khoi-phuc-cac-tro-choi-tro-dien-dan-gian/203776.htm