Lang Chánh phát triển cây dược liệu gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm
Có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, trong khi diện tích vườn tạp trên địa bàn còn rất lớn, từ năm 2021 huyện Lang Chánh đã có chủ trương phát triển cây dược liệu theo hướng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đến nay, loại cây trồng này đang góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nhờ có vườn ươm giống ngay tại huyện Lang Chánh, Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung đã chủ động nguồn giống dược liệu cho người dân.
Có khu vườn rộng khoảng 1,5 sào, những năm trước gia đình bà Lê Thị Ngọc ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc thường trồng sắn, ngô và rau xanh, hiệu quả kinh tế thấp. Nghe theo cán bộ UBND xã tuyên truyền, vận động và được tập huấn kỹ thuật, bà Ngọc đã cải tạo khu vườn, nhận giống cây ngải cứu về trồng từ tháng 7-2021. 4 tháng sau, vườn ngải cứu đã cho thu hoạch lứa đầu, bà bán cho doanh nghiệp, thu lãi hơn 4 triệu đồng. Năm 2022, vườn ngải cứu tiếp tục cho gia đình bà thu lãi trên 15 triệu đồng. Lần nào thu hoạch, gia đình bà cũng được doanh nghiệp đến tận vườn thu mua. Bà Ngọc cho biết: “Trồng cây ngải cứu lãi gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Giống cây này chỉ cần trồng một lần cho thu hoạch trong 5 năm liên tục với 3 lứa/năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc”.
Nhằm tìm hướng đi phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững, hiệu quả, UBND huyện Lang Chánh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong và ngoài tỉnh tiến hành nghiên cứu, đánh giá đất đai, điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn làm căn cứ xây dựng quy hoạch vùng trồng. Cùng với căn cứ vào nhu cầu thị trường, đầu năm 2021, UBND huyện Lang Chánh đã phê duyệt đề án phát triển cây dược liệu gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung (có trụ sở tại xã Đồng Lương) tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia. Đến tháng 7-2021, đã có 9,98 ha cây dược liệu, gồm: ngải cứu, thiên môn đông, mạch môn đông, bách bộ, kim ngân hoa được trồng ở 8 xã, thị trấn. Trước khi xuống giống, người dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung cũng đã ký cam kết với UBND huyện và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các HTX dịch vụ nông nghiệp, đồng thời cung ứng giống, vật tư ban đầu cho người nông dân.
Theo ông Lê Quang Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cây dược liệu được trồng trên địa bàn hiện sinh trưởng và phát triển tốt. Hầu hết các loại dược liệu trồng dưới tán rừng, sau 3 năm sẽ cho thu hoạch, được kỳ vọng góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Thêm vào đó, những giống cây này không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, phù hợp với tập quán canh tác của người nông dân. Trong đó, cây ngải cứu dễ trồng và nhanh có lãi, nên được nhiều hộ dân tham gia trồng trong ngay năm đầu thực hiện đề án.
Khu vườn ngải cứu giúp cải thiện thu nhập cho gia đình bà Lê Thị Ngọc ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc.
Theo tính toán, trồng 1 ha cây ngải cứu, người dân đầu tư chi phí giống, phân bón khoảng 30 triệu đồng. Với giá bán được doanh nghiệp cam kết thu mua thì mỗi năm 1 ha ngải cứu sẽ cho người dân thu lãi khoảng 140 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, cây trồng này chỉ cần có ánh sáng tốt, không ngập úng, người dân có thể cải tạo vườn tạp để trồng mà không tốn nhiều công chăm sóc.
Ông Lê Quang Tùng cho biết thêm: Đối với các loại cây dược liệu còn lại (thiên môn đông, mạch môn đông, bách bộ, kim ngân hoa), thì đầu tư cho 1 ha vào khoảng 80 triệu - 100 triệu đồng. Với khả năng sinh trưởng và phát triển của hiện tại và giá doanh nghiệp cam kết thu mua, thì mỗi ha sẽ cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng (thời gian trồng 3 năm).
Cùng với vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp, hoặc xen canh dưới rừng trồng để nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, huyện Lang Chánh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu. Theo đó, trong 2 năm 2021- 2022, UBND huyện hỗ trợ 1 lần 15 triệu đồng/ha đối với diện tích trồng cây ngải cứu và 25 triệu đồng/ha các loại cây: bách bộ, mạch môn đông, thiên môn đông, kim ngân hoa. Nhờ có chính sách này, năm 2022, huyện Lang Chánh đã trồng mới 19,835 ha. Năm 2023, phấn đấu trồng mới 50 ha, gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Cũng trong thời gian qua, huyện Lang Chánh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc đảm bảo diện tích vùng nguyên liệu và thông thoáng thủ tục đầu tư. Công ty này cũng đã thực hiện sơ chế, bước đầu hợp tác sản xuất nhiều sản phẩm từ cây dược liệu, phục vụ nhu cầu thị trường, như: tinh dầu ngải cứu, nến xông thảo dược, muối thảo dược ngâm chân, thảo mộc tắm xông, điếu nhang ngải cứu... Trong đó, sản phẩm tinh dầu ngải cứu Herbal Farm đã được công nhận OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm đang được xây dựng hồ sơ xét công nhận OCOP cấp tỉnh. Bà Trương Thị Sơn, Giám đốc Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung, cho biết: Năm 2023, công ty sẽ lắp đặt dây chuyền sản xuất tinh dầu ngải cứu và phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng các sản phẩm dược liệu. Đồng thời mở rộng thêm diện tích dược liệu tại huyện Mường Lát và tỉnh Hòa Bình.
Trên thực tế, huyện Lang Chánh đã có chủ trương phát triển cây dược liệu từ trước năm 2020 và nhiều người dân đã tham gia trồng. Tuy nhiên do đầu ra sản phẩm không ổn định, nên nhiều người dân không mặn mà với loại cây trồng này. Từ khi Công ty CP Đông Nam dược Miền Trung ký cam kết với UBND huyện và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các HTX dịch vụ nông nghiệp thì hướng đi này mới thực sự phát huy hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bà Trương Thị Sơn cho biết thêm, các loại cây dược liệu mà công ty đang mở rộng diện tích đều là dược liệu thiết yếu, rất cần cho nhu cầu thị trường, cũng như phục vụ công tác điều trị bệnh nhân ở các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, lại phù hợp với tập quán canh tác của người dân. Hiện tại, dược liệu thô và các sản phẩm được chiết xuất từ dược liệu của công ty chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như các đơn hàng mà công ty đã ký kết hợp tác.