Làng cổ vật

Nằm nép mình nơi eo biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Đông Sơn không chỉ nổi tiếng là 'làng lặn Hoàng Sa', nơi những ngư dân trẻ nối gót cha ông bám biển, giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mà đây còn được biết đến như một 'kho báu' dưới đáy biển với vô số cổ vật và di tích từ những con tàu đắm từ nhiều thế kỷ trước.

Với nhiều người lần đầu tiên đến thôn Châu Thuận Biển sẽ khá bất ngờ, dường như góc nhà nào cũng có một chiếc tủ kính xếp đầy vô số hiện vật gốm sứ quý giá được ngư dân nhặt được trong những lần lặn đánh bắt hải sản.

"NGHĨA ĐỊA TÀU CỔ"

Thôn Châu Thuận Biển nơi được mệnh danh là “nghĩa địa tàu cổ” hay “làng chài cổ vật”, ngày xưa vốn thuộc thôn Châu Thuận nhưng vì quá rộng nên chính quyền địa phương (xã Bình Châu cũ) tách ra làm 2 thôn là Châu Thuận Biển và Châu Thuận Nông, dựa vào đặc tính nghề nghiệp của người dân nơi đây.

Nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng cát trắng mênh mông, một phía tiếp giáp với vùng phố cổ Thu Xà thời xa xưa, còn phía kia tiếp giáp biển, thôn Châu Thuận Biển mang vẻ hoang sơ, huyền bí.

Ở giữa thôn bị biển khoét sâu vào bên trong nên từ lâu, người ta gọi nơi đây là eo biển Vũng Tàu. Các chuyên gia khảo cổ nhận định, từ xưa eo biển này vốn từng là điểm dừng chân của các đoàn thương thuyền. Trong những hải trình xuôi ngược dọc tuyến đường tơ lụa trên biển, các tàu buôn đều từng ghé qua đây để tiếp nước, tránh gió bão, sửa chữa…

Khai quật tàu cổ đắm ở xã Bình Châu (Bình Sơn) năm 2013.

Khai quật tàu cổ đắm ở xã Bình Châu (Bình Sơn) năm 2013.

Cũng chính vì địa thế hiểm hóc ấy đã khiến vùng biển này trở thành “bẫy tử thần” khi nhiều tàu không may bị giông bão nhấn chìm, để lại hàng hóa, cổ vật vô kể. Và đó là lý do đến nay, nhiều người mới hiểu vì sao Châu Thuận Biển lại dày đặc dấu tích tàu đắm, với hàng nghìn cổ vật gốm sứ quý hiếm nằm lại dưới lớp cát biển.

Năm 2012, ngư dân trong làng đã phát hiện tàu cổ đắm với rất nhiều đồ gốm, sứ. Dấu tích khai quật cho thấy tàu bị cháy trước khi chìm, bên trong có những đồng tiền ở niên đại 1264 - 1295. Hay năm 2014, lại thêm một tàu cổ đắm được phát hiện với rất nhiều hiện vật gồm tô, bát, đĩa có niên đại từ đầu thế kỷ 17…

Những hiện vật được phát hiện từ những con tàu đắm. ẢNH: ĐOÀN NGỌC KHÔI

Những hiện vật được phát hiện từ những con tàu đắm. ẢNH: ĐOÀN NGỌC KHÔI

Người ta tính từ trước đến nay, riêng vùng biển xung quanh thôn Châu Thuận Biển có trên 10 chiếc tàu cổ bị đắm được phát hiện. Tàu nhỏ, tàu lớn… thậm chí cả tàu chở hàng men xanh, gốm Chu Đậu… có niên đại trải dài từ thế kỷ 10 đến 18.

Nói “ngọn nguồn” như thế để thấy rằng, sở dĩ vì sao chuyện ngư dân nhặt được cổ vật về đây trưng bày trong các tủ kính hoặc bỏ lăn lóc trong các góc nhà “nhiều không đếm xuể” - như lời một cán bộ xã Đông Sơn nói. Thậm chí với đa phần là người dân làm nghề lặn, những vị trí có cổ vật quý trên các con tàu cổ đắm trên biển, nhiều ngư dân nắm rõ tọa độ, đặc điểm cổ vật dưới tàu.

"BẢO TÀNG CỔ VẬT Ở LÀNG CHÀI"

Để minh chứng cho sự phong phú của cổ vật, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Chánh, ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Đông Sơn người được xem là một trong những “nhà sưu tầm nghiệp dư” nổi tiếng trong vùng. Ngôi nhà cấp 4 giản dị nhưng lại khiến khách phương xa không khỏi choáng ngợp bởi tủ kính trưng bày hàng trăm món đồ gốm sứ cổ như chén, bát, đĩa, bình... Mỗi món đều mang dấu ấn niên đại riêng.

Những món đồ gốm sứ cổ được người dân cất giữ cẩn thận.

Những món đồ gốm sứ cổ được người dân cất giữ cẩn thận.

Anh Nguyễn Nam người dẫn chúng tôi đi cho biết, cổ vật trong tủ ở đây của ông Chánh chỉ là những món hàng như hũ da trâu, chén, dĩa có niên đại khoảng 300 năm... để cho chơi cho vui chứ những cái có giá trị đã cất kỹ hết, không trưng bày ở đây. “Ông Chánh là người nổi tiếng ở vùng này, cổ vật của ổng có nhiều loại khác nhau lắm. Có loại độc bản giá trị đến cả tỷ đồng. Dân chơi đồ cổ rất muốn mua nhưng ổng nhất định không bán”, anh Nam nói.

Theo lời ông Chánh, đa số những loại cổ vật ông có được nhờ quá trình thâm niên mấy chục năm làm nghề lặn. Cổ vật nhiều lắm, nhưng những cái trưng ra đây toàn đồ “thường thường bậc trung” thôi. Mấy cái độc bản quý giá thì cất kỹ rồi. Bán thì dễ lắm, người ta hỏi miết, nhưng tôi không bán.

Những cổ vật gốm sứ được ngư dân nhặt dưới biển trong các chuyến lặn biển.

Những cổ vật gốm sứ được ngư dân nhặt dưới biển trong các chuyến lặn biển.

“Hồi trước mình đi lặn bắt hải sâm, bắt cá khi gặp chén, bát hoặc ly, bình... nhặt về trưng trong nhà cho vui. Có những chiếc chén tôi mang ra làm chén ăn cơm hàng ngày. Đến khi dân buôn cổ vật tìm về ngã giá hàng chục triệu, tôi mới giật mình nhận ra mình đang ăn cơm bằng… di sản văn hóa”, ông Chánh bộc bạch.

Cạnh đó, nhà ông Nguyễn Cảnh, một ngư dân khác trong thôn. Căn phòng khách nhà ông như một “bảo tàng thu nhỏ” với hàng trăm món gốm cổ xếp kín trong tủ. Khi được hỏi món nào đáng giá nhất, ông trân trọng lấy ra chiếc đĩa men xanh in hình hoa lá, đường kính chừng 25cm, nhẹ nhàng đặt lên bàn. “Đây là gốm Chu Đậu, khoảng thế kỷ 15, tôi nhặt được cách đây 15 năm trước trong lúc lặn gần bờ bắt hải sản”, ông Cảnh nói.

Nhiều món cổ vật có giá trị vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Nhiều món cổ vật có giá trị vài triệu đến vài trăm triệu đồng.

Cũng câu chuyện về cổ vật ấy, chúng tôi bắt gặp khi ghé nhà anh Trương Tràng, trú thôn Châu Thuận Biển. Trong tủ kính của anh là bộ sưu tập khoảng 300 món đồ gốm sứ các loại, được sản xuất từ thế kỷ 15 đến 17. Trong đó, nhiều cổ vật đã được giám định, khẳng định giá trị cao, như những chiếc chén, đĩa gốm Chu Đậu có niên đại hơn 500 năm, hay các chum, lọ hoa, tráp đựng phấn tuổi đời 300 - 500 năm.

Cầm trên tay chiếc đĩa men xanh trắng, bên trong chạm họa tiết cá chép hóa rồng, anh Tràng cho biết: Chiếc đĩa này có niên đại thế kỷ 17, anh đổi được bằng bốn can dầu máy, trị giá khoảng 4 triệu đồng. “Cách đây chục năm, hầu như nhà nào trong thôn cũng có vài ba chục món gốm sứ cổ. Ngày nào dân biển cũng lặn, gặp thì nhặt. Ai biết thì giữ, ai không biết thì bán rẻ, thậm chí có khi làm vỡ trong lúc sinh hoạt hàng ngày”, anh Tràng kể.

Nhiều hộ dân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Đông Sơn hiện đang lưu giữ và bảo quản nhiều cổ vật có giá trị cao.

Nhiều hộ dân ở thôn Châu Thuận Biển, xã Đông Sơn hiện đang lưu giữ và bảo quản nhiều cổ vật có giá trị cao.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi nhận định vùng biển thôn Châu Thuận Biển ngày xưa vốn là nơi giao thương rất đông đúc, trung chuyển hàng hóa, tránh gió bão, tiếp nước ngọt trên con đường gốm sứ, tơ lụa trên biển.

“Khi tàu vào đây có thể bị gió bão đánh chìm hoặc có tàu bị hỏa hoạn nên toàn bộ hàng hóa, gốm sứ, tơ lụa bị đánh chìm theo. Đó cũng là nguyên nhân vì sao trong thời gian qua phát hiện nhiều tàu cổ bị đắm ở đây và cũng là nguyên nhân vì sao người dân ở đây sở hữu nhiều cổ vật, gốm sứ thuộc loại bậc nhất ở các làng ven biển của cả nước”, ông Khôi nói.

Những món gốm sứ lặng lẽ neo mình trong nhà ngư dân Châu Thuận Biển, nằm im nơi tủ kính, góc bếp, không chỉ là dấu tích tàu đắm mà còn giữ lại ký ức một vùng biển từng tấp nập giao thương.

Giờ đây, khi người làng vẫn nâng niu từng chiếc chum, cái chén như báu vật quê biển, hy vọng ‘làng cổ vật’ sẽ được đánh thức thành điểm du lịch cộng đồng. Để di sản không còn ngủ yên dưới mái nhà dân chài, mà sống dậy trong bước chân du khách, trong niềm tự hào của những phận người bám biển, trao ký ức cho mai sau.

Bài, ảnh: NGỌC QUỐC

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/lang-co-vat-54073.htm