Thanh niên kiều bào giao lưu tiếng Việt để 'viết tiếp câu chuyện hòa bình'
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Trại hè Việt Nam 2025, tối 23/7, tại Nghệ An, trên 100 thanh niên kiều bào đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia Chương trình giao lưu tiếng Việt với chủ đề 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình'. Chương trình thể hiện khát vọng kết nối, đoàn kết và phát triển của thế hệ trẻ Việt Nam toàn cầu.

Học sinh, sinh viên kiều bào tham gia phần thi biểu diễn văn nghệ. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN
Tại buổi giao lưu, các em cùng nhau hát, đọc thơ, diễn kịch, chia sẻ cảm xúc… bằng tiếng Việt thân thương - ngôn ngữ của gia đình, của ký ức và cũng là cội nguồn văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng đoàn Trại hè Việt Nam năm 2025 cho biết: Giao lưu tiếng Việt là một điểm nhấn đặc biệt của Trại hè năm nay. Các bạn trẻ kiều bào đã thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt qua các phần thi kể chuyện, đọc thơ, hát dân ca và thuyết trình về cảm nhận của mình khi trở về quê hương. Những hoạt động này không chỉ giúp các bạn rèn luyện ngôn ngữ, mà còn khơi dậy tình yêu với tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc.
“Với nhiều em, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai, thậm chí là mới bắt đầu học - nhưng tôi tin rằng, trái tim biết yêu tiếng Việt thì dù nói chưa sõi, tình cảm vẫn trọn vẹn”, bà Ngô Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Bà Ngô Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng đoàn, phát biểu. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN
Em Trần Mai Chi, Việt kiều Đức cho biết, khi sống tại Đức, em chỉ được học và nói tiếng Việt với bố, mẹ, nên kiến thức và số từ mới không được nhiều. Tuy nhiên khi tham gia trại hè, em đã được đi nhiều tỉnh thành, được giao lưu với các bạn gốc Việt ở các quốc gia khác nhau, nhờ đó em có thêm nhiều vốn từ, thêm hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam. Trần Mai Chi tin rằng, sau buổi giao lưu tiếng Việt này, em sẽ nói được tiếng Việt tốt hơn và hiểu về văn hóa Việt Nam nhiều hơn.
Cũng tại chương trình, các học sinh, sinh viên kiều bào đã có các tiết mục dự thi như: Viết tiếp câu chuyện hòa bình; Tiến lên Việt Nam ơi; Hào khí Việt Nam; Về xứ Nghệ cùng anh và giao lưu giữa các đại biểu Trại hè và thanh niên tỉnh Nghệ An...
Trước đó, đoàn đã tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, thăm quê nội, quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều bạn trẻ vô cùng xúc động trước sự đơn sơ, mộc mạc của một nhân cách vĩ đại.

Học sinh, sinh viên cổ vũ nhiệt tình cho đội mình tham gia giao lưu Tiếng Việt. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN
Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nỗ lực không ngừng, đang từng bước giữ gìn và làm sống động tiếng Việt nơi xứ người. Các thầy cô giáo, hội đoàn, các bậc phụ huynh đã tổ chức hàng trăm lớp học tiếng Việt, dạy trực tuyến, tổ chức các cuộc thi, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật dân gian…
Đảng và Chính phủ luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng. Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2030. Đề án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú và thực chất, bước đầu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.