Lăng đá giáp đình Liên
Tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên (Bắc Giang) còn khu lăng mộ đá cổ kính, được xây dựng từ thế kỷ XVII. Chủ nhân của lăng là Giáp Đình Liên - vị quan từng giữ chức Thị Đông cung, Thị hầu kị, Tả tịnh suất mã đẳng đội nội sai, Thị nội thư, Tả lễ phiên, Thị cận, Thị nội giám, Tư lễ giám, Thái giám, tước Nhiêu Chí Hầu, dưới thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVI.
Theo sử sách và bia đá dựng tại lăng năm Cảnh Hưng thứ 33 (1777) cho biết: Giáp Đình Liên là người xã Lăng Cao, tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế xưa, nay thuộc xã Cao Xá, huyện Tân Yên. Ông quê gốc ở tổng Dĩnh Kế.
Vợ ông là Nguyễn Thị Xuyền, cha là Giáp Quý Công, mẹ là Giáp Quý Thị. Họ vốn là những người có lòng nhân hậu, tư chất khoan hòa độ lượng, sống tình nghĩa đối với quê hương, rất đáng ngợi khen.
Giáp Đình Liên ra làm quan ở triều Lê Cảnh Hưng. Sinh thời ông là người có đức rộng, khoan nhường, khiêm tốn, siêng năng học hành. Khi thành đạt, giàu có đã đem tài hóa công đức vào đình Hạ (đình Lăng Cao) và cho dân xóm Sau (Dĩnh Kế). Ở hai nơi đó, ông được dân tôn làm Hậu Thần. Theo nội dung bia đá tại lăng, ông là người vốn công bằng, liêm khiết, có lòng từ bi nhân ái, luôn được sự yêu quý, che chở của nhà vua.
Cũng theo nội dung văn bia “Hậu Thần bi ký”: Quý hầu ở phương Bắc, là vị danh thần có khí phách nổi tiếng nước Nam. Đối với việc nước, ông luôn trung thành, tuy đã về ở ẩn nhiều năm nhưng vẫn ngầm phò tá, một lòng với quê hương, đất nước. Đối với các bậc quan lại và mọi người trong làng xóm ông luôn lấy lòng nhân hậu đối đãi với mọi người, ngày ngày làm những điều tốt, đem vàng bạc chia cho người nghèo khó, sống một cuộc đời thanh nhàn.
Khi thôi làm quan, ông luôn nghĩ đến và noi theo truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, lại có lòng nhân từ. Khi ông mất, mọi người trong thôn vẫn ghi nhớ công đức to lớn ấy nên trên dưới trong thôn một lòng cùng nhau suy tôn hai bên nội ngoại, cha mẹ cùng vợ ông làm Hậu Thần, để biểu thị tấm lòng báo đáp đối với công ơn, tình cảm của ông với quê hương.
Cuối đời, Giáp Đình Liên xây dựng ở Lăng Cao một khu lăng đá cho chính bản thân mình, rộng khoảng một mẫu, có tường đất và lũy tre bao bọc bốn phía. Khu lăng đá hiện nay thuộc thôn Trại, xã Cao Xá nhìn ra cầu Quận. Trải qua hơn 200 năm mà công trình còn bảo lưu được khá nguyên vẹn.
Tổng thể công trình theo hình chữ nhật, chạy từ ngoài vào trong, bao gồm các hạng mục: Đôi tượng linh vật đá ngồi đăng đối hai bên canh cửa lăng, theo đường thần đạo là đến cặp tượng Vũ Sỹ mặc triều phục áo dài thụng, tay cầm binh khí đứng trước hương án đá và phần mộ lăng.
Khu nội tự gồm hương án đá hình chữ nhật trên đặt bát hương gốm vàng nâu thế kỷ XIX. Sau hương án đá là phần mộ xây đá lộ thiên, trên đó khắc ghi đôi câu đối: Bách thế tồn kế phả/Vạn đại lưu kỳ truyền. Phía sau phần lăng mộ là nhà bia.
Ngày nay nhân dân địa phương ở hai nơi Lăng Cao và Dĩnh Kế vẫn thờ ông ở đình làng theo nghi lễ thờ cúng Hậu Thần đã được quy định. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống ở làng quê theo đạo lý của người Việt.
Đồng Ngọc Dưỡng