Làng đảo xa nhất của Nha Trang muốn đón 30 nghìn lượt khách du lịch mỗi năm
TP. Nha Trang (Khánh Hòa) tham khảo ý kiến chuyên gia để hoàn thiện 'Đề án Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm'.
Ngày 2/12, UBND TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức hội thảo “Đề án Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm”, mục đích tiếp thu các ý kiến, góp ý để hoàn thiện thêm Đề án trước khi ban hành.
Bích Đầm (tổ dân phố Bích Đầm) hay làng đảo Bích Đầm, nằm trên đảo Hòn Tre, thuộc P. Vĩnh Nguyên, cách Nha Trang khoảng 8 hải lý (15km), là làng đảo xa nhất của thành phố. Khu vực hiện có 210 hộ gia đình với gần 900 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Bích Đầm rộng hơn 250ha, nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng khi có cảnh quan đẹp, môi trường, vệ sinh sạch sẽ, an ninh tốt, bãi cát rộng cắm trại qua đêm, có khả năng phục hồi nghề gia công mỹ nghệ sản phẩm quà lưu niệm từ vỏ sò, ốc, tôm,… Có các lễ hội truyền thống với dấu ấn văn hóa sâu sắc, các điểm tham quan độc đáo như Đình Bích Đầm, Chùa Bích Sơn và ngọn hải đăng Hòn Lớn - một trong 5 ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam.
Theo dự thảo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm, nêu mục tiêu đến năm 2025 nơi này được công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Năm 2030 thu hút trên 30 nghìn lượt khách (40% du khách quốc tế) đến tham quan hàng năm; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm cơ bản đã dần hình thành nhưng còn tự phát, rời rạc, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các hộ dân và các bên tham gia trong du lịch cộng đồng, vai trò của chính quyền và doanh nghiệp du lịch trong du lịch cộng đồng chưa được phát huy đầy đủ.
Đề án nêu trên được địa phương xây dựng nhằm định hướng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Bích Đầm, tạo căn cứ pháp lý để lập kế hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng cơ chế phối hợp các bên tham gia trong du lịch cộng đồng, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Ông Phan Đình Phùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, nhận định mục tiêu Bích Đầm đón 30 nghìn khách du lịch, trong đó 40% du khách quốc tế là “cao”, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có giải pháp phù hợp và khả thi.
“TP. Nha Trang cần sớm phê duyệt Đề án mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố nói chung và khu vực đảo Bích Đầm nói riêng để làm căn cứ triển khai, thực hiện hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng khu vực đảo Bích Đầm đạt các tiêu chí theo quy định,...”, ông Phùng nói.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, lưu ý rằng phát triển du lịch cộng đồng “phải dựa vào dân và do người dân”. “Nếu chúng ta làm thay thì không bao giờ có du lịch cộng đồng bền vững”, ông Hồi nhấn mạnh, thêm rằng phát huy giá trị truyền thống bản địa, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm; “dựa vào thiên nhiên” để bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ cảnh quan môi trường xanh - sạch.
Ông Hồi cũng gợi mở địa phương xác định vị trí không gian của Bích Đầm và khu vực biển Hòn Mun trong sơ đồ phân vùng chức năng biển Vịnh Nha Trang, như Không gian bảo tồn Hòn Mun, Không gian cho hoạt động đánh cá, nuôi hải sản, du lịch,...; Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở;... “Tiến ra biển để phát huy lợi thế, để chuyển lợi thế thành lợi ích cho quốc gia phải là một hướng ưu tiên cao nhất”, ông khẳng định.
Nêu một số giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Bích Đầm, ông Phùng đề nghị chính quyền Nha Trang khai thác các giá trị ẩm thực của địa phương trở thành những thực đơn phục vụ khách du lịch,... Khai thác các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc của địa phương như hát, đàn, vẽ,... để tạo thành sản phẩm cho khách có thể tham gia, thưởng thức. Cùng với đó, khôi phục các nghề truyền thống của địa phương, sử dụng lao động và nguyên liệu địa phương để sản xuất hàng hóa phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
ThS. Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho hay địa phương cần xây dựng Đề án đã nêu với địa điểm cụ thể, trong đó phải có kế hoạch, mục tiêu, nguồn lực đầu tư rõ ràng cho từng giai đoạn. “Trên cơ sở đó, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ hỗ trợ cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí của địa điểm, mô hình du lịch cộng đồng nhằm phục vụ khách đến tham quan và trải nghiệm; kết nối với các đơn vị lữ hành, truyền thông quảng bá để thu hút du khách đến với Bích Đầm”, ông Nhựt nói.
Ông Nhựt cũng nêu một số giải pháp để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho Bích Đầm, trong đó nhấn mạnh cần có chính các sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng được chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại Bích Đầm; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại tổ dân phố.
Nêu giải pháp để hình ảnh của Bích Đầm được biết đến nhiều hơn, TS. Đỗ Thị Mai Đoan Thục - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Thái Bình Dương, cho rằng việc truyền thông và quảng bá Bích Đầm cần được thực hiện liên tục, mạnh mẽ và nhất quán. Cộng đồng địa phương cần được khuyến khích và tham gia chủ động vào các hoạt động quảng bá, truyền thông để truyền tải được thông điệp, hình ảnh chân thực nhất, cũng như niềm tự hào về cuộc sống và văn hóa ở đảo.
“Các chiến lược truyền thông và quảng bá ở từng giai đoạn phát triển của điểm đến du lịch này cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp, đo lường tính khả thi, hiệu quả”, bà Thục lưu ý.
Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion đề xuất trong một năm tới, doanh nghiệp lữ hành được tham gia dự án, theo sát các nội dung trong đề án về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực tại Bích Đầm; phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định và đóng góp ý kiến xây dựng hình thành tuyến điểm cơ bản xây dựng tuyến sản phẩm phù hợp với hiện trạng của đảo.
Ở giai đoạn sau, song song việc khai thác, doanh nghiệp lữ hành sẽ đóng góp tích cực xây dựng và rèn luyện kỹ năng phục vụ cho người dân, đáp ứng nhu cầu du khách đến tham quan Bích Đầm./.