Lắng đọng cảm xúc với vở 'Nằm khóc một mình'

Sau hai suất diễn, vở Nằm khóc một mình đã để lại dư âm đẹp đối với khán giả, nhất là người xem cùng độ tuổi với các diễn viên sân khấu kịch Báo chí Nhân văn.

Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn đã diễn vở kịch "Nằm khóc một mình" hai suất cuối tháng 5 và đầu tháng 6.

Dù là diễn viên trẻ, xuất thân từ sinh viên báo chí, nhưng họ đã đốt cháy hết mình cho nhân vật

Dù là diễn viên trẻ, xuất thân từ sinh viên báo chí, nhưng họ đã đốt cháy hết mình cho nhân vật

Vở kịch do CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông trường Đại học KHXH&NV TP HCM dàn dựng và thực hiện, đây là vở diễn độc quyền thứ 6 và suất diễn vừa qua là suất diễn cuối của vở diễn này.

Vở kịch mang lại nhiều bài học quý cho khán giả trẻ về sự đối mặt với hoài bão đầu đời

Vở kịch mang lại nhiều bài học quý cho khán giả trẻ về sự đối mặt với hoài bão đầu đời

Đến với "Nằm khóc một mình" khán giả được trải qua những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố cùng với các nhân vật trong câu chuyện. Mỗi nhân vật với mỗi tính cách khác nhau đã mang đến những câu chuyện rất đời về hoài bão, tình yêu và lẽ sống của những tâm hồn phiêu lãng trong nghệ thuật ca hát nhưng lại phải bị gác lại bởi dòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời.

Bối cảnh của vở kịch là tái hiện lại khung cảnh tại Đà Lạt thơ mộng vào năm 1988, câu chuyện xoay quanh về mối tình lãng mạn nhưng lắm bi ai giữa chàng nhạc sĩ nghèo Trần Phong và tiểu thư Đài Trang. Rồi sự xuất hiện của bà Kim Ngân cùng một người đàn ông bí ẩn đến từ tương lai đã đưa tất cả vào những vòng quay cuộc đời.

Khán giả cảm nhận được một nhạc sĩ Trần Phong trẻ tuổi, lãng tử, tràn đầy niềm đam mê với nghệ thuật sáng tác và ca hát nhưng lại sẵn sàng gạt bỏ tất cả chỉ để níu giữ người mình yêu. Một tiểu thư Đài Trang nhã nhặn, yêu kiều, thích làm thơ nhưng lại bị vòng xoáy "tình-tiền" đẩy vào tình cảnh trái ngang.

Tập luyện không ngừng đã giúp diễn viên trẻ tự tin trên sân khấu

Tập luyện không ngừng đã giúp diễn viên trẻ tự tin trên sân khấu

Vở kịch đưa khán giả đi từ những hạnh phúc trong tình yêu, trong niềm đam với nghệ thuật đến sự giằng co, giày xéo, đau khổ bên trong nội tâm của nhân vật khi phải chứng kiến sự nghiệt ngã của cuộc đời.

Tác giả kiêm đạo diễn vở kịch Nguyễn Đức Huy cho biết: "Sở dĩ cái kết của vở kịch này không được rõ ràng về cuộc đời của các nhân vật trong vòng 30 năm về sau là bởi vì mình muốn rằng vở kịch này không chỉ dừng lại ở việc đọng lại cảm xúc trên sân khấu. Điều đọng lại trong suy nghĩ là sự trăn trở của mỗi người về câu chuyện của các nhân vật".

Nhiều cung bậc cảm xúc qua từng cảnh trong vở kịch "Nằm khóc một mình"

Nhiều cung bậc cảm xúc qua từng cảnh trong vở kịch "Nằm khóc một mình"

Vở diễn được tập luyện từ cuối tháng 3 với nguồn nhân lực gần 30 người, cùng trải qua 3 tháng để đi đến quả ngọt như ngày hôm nay là sự nỗ lực, niềm đam mê với nghệ thuật của từng thành viên trong CLB.

CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông trường Đại học KHXH&NV TP HCM sẽ ra mắt vở diễn mới thứ 7 vào tháng 12.

Kim Tuyến (Ảnh do CLB cung cấp)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/lang-dong-cam-xuc-voi-vo-nam-khoc-mot-minh-20230614081627149.htm