Lắng đọng chương trình nghệ thuật 'Đôi bờ ví, giặm'

Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp 'Đôi bờ ví, giặm' mở màn Festival 'Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản' để lại những cảm xúc ấn tượng trong lòng khán giả.

Tối 27/11, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh diễn ra cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật "Đôi bờ ví, giặm", do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức thực hiện nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Các đại biểu tham dự chương trình.

Chương trình truyền hình trực tiếp tại 2 điểm cầu: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh và Trường quay S1 của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, Sở VH&TT Nghệ An tổ chức. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An dàn dựng, biểu diễn.

Tham dự buổi lễ, có Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng. Về phía địa phương, có ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành và Đoàn nghệ thuật các tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cho biết, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã trở thành dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tinh thần, hình thành nên cốt cách, tâm hồn của các thế hệ người dân nơi đây. Dân ca ví, giặm góp phần hun đúc nên những danh nhân, những tên tuổi lớn như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Huy Cận… Đặc biệt, cũng từ chất liệu của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhiều kịch bản sân khấu, tác phẩm âm nhạc đã ra đời, trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, được công chúng yêu thích, đón nhận.

Với những giá trị độc đáo, tiêu biểu của di sản, ngày 27/11/2014, tại Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức ghi danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là niềm vinh dự lớn của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như toàn thể người dân Việt Nam. Cũng từ đây, dân ca ví, giặm đã vượt ra khỏi không gian của một vùng văn hóa xứ Nghệ, trở thành di sản văn hóa của nhân loại, được thực hành rộng rãi không chỉ ở trong nước mà cả cộng đồng người Nghệ - Tĩnh ở Lào, Thái Lan, Nhật Bản, các nước khu vực Đông Âu...

Tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm tại chương trình.

Tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm tại chương trình.

Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật "Đôi bờ ví, giặm". Chương trình gồm 3 phần: "Trầm tích xứ Nghệ", "Hành trình di sản" và "Để mạch nguồn chảy mãi". Các phần được dàn dựng theo bố cục mỗi phần 1 phóng sự ngắn khái quát chủ đề và được minh họa bằng những tiết mục ví, giặm, ca khúc đặc sắc, được thể hiện bởi các nghệ nhân, nghệ sỹ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An và một số ca sĩ nổi tiếng như: Đinh Thành Lê, Bùi Lê Mận, Thanh Tài, Thu Hà…

Khán giả như được thả hồn vào không gian miền quê cùng với làn điệu dân ca đậm chất xứ Nghệ.

Khán giả như được thả hồn vào không gian miền quê cùng với làn điệu dân ca đậm chất xứ Nghệ.

Phần 1 “Trầm tích xứ Nghệ” nói về truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Nghệ - Tĩnh đã làm nên những giá trị di sản đi cùng thời gian. Trong đó, di sản dân ca ví, giặm chính là hồn cốt quê hương, tạo nên sức sống mãnh liệt, là dấu ấn riêng biệt của người và vùng đất này... Điểm nhấn ở phần này là các tiết mục không gian diễn xướng như: “Đêm trăng hò hẹn”, “Gửi tình ta vào đất”...

Phần 2 “Hành trình di sản” tập trung vào phản ánh quá trình dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014. Những dấu ấn về công tác bảo tồn, phát huy di sản này của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong 10 năm qua; các thế hệ nghệ nhân, những người nắm giữ và trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ, làm lan tỏa di sản ông cha trong đời sống.

Phần 3 có chủ đề “Để mạch nguồn chảy mãi”, phản ánh những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An trong việc đề ra những chủ trương, hướng đi, giải pháp, cách làm để dân ca ví, giặm tiếp tục tỏa sáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ đương đại, tạo động lực phát triển, xây dựng quê hương trong bối cảnh mới.

Các tiết mục ở phần 3 là những bài dân ca ví, giặm nhằm nêu cao tinh thần đoàn kết cùng chung một mạch nguồn câu hát ông cha của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Sự chung sức đồng lòng cùng nhau bảo tồn di sản của cư dân 2 bờ sông Lam sẽ làm cho mạch nguồn ví, giặm chảy mãi.

Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lang-dong-chuong-trinh-nghe-thuat-doi-bo-vi-giam-169241128071754476.htm