Làng đóng giày trăm tuổi xoay xở giữ thương hiệu
Đóng giày da là nghề truyền thống hơn 100 năm qua của làng Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.
Mỗi năm bán hàng triệu đôi giày, song trước những biến chuyển của thị trường, những người thợ nơi đây đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo.
Giữ uy tín thương hiệu là cách mà họ đang hướng tới.
Sung túc nhờ nghề truyền thống
Ông Nguyễn Như Diên, một người xuất ngũ từ quân đội sau thời gian dài phục vụ đã quyết định trở lại làng và theo đuổi nghề đóng giày da.
Ông sinh ra và lớn lên tại làng Giẽ Thượng, vì vậy ông chọn địa điểm này làm căn cứ để khởi nghiệp. Với niềm đam mê sáng tạo và cống hiến, ông đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu Linh Sơn, là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất nhì của làng.
Theo ông Diên, mỗi năm ông sản xuất khoảng 30.000 đôi giày. Tuy số lượng này khá lớn, nhưng gói gọn trong 3 loại chính gồm: giày thể thao, giày công sở, giày mọi.
Hàng của ông được bán ra khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc, khách hàng chủ yếu là các nhà buôn.
Dù không muốn tiết lộ doanh thu, nhưng ông cho biết, tổng giá trị hàng hóa của ông hiện khoảng hơn 1 tỷ đồng, chưa kể đến tài sản là ngôi nhà 4 tầng trên một con đường lớn mà ông đã mua từ thu nhập của nghề đóng giày. Nhờ bán buôn và tham gia hội chợ quanh khu vực Hà Nội, cơ sở sản xuất của ông ngày càng phát triển.
Ông Diên chỉ là một trong số hàng nghìn hộ làm nghề có cuộc sống khá giả nhờ nghề truyền thống.
Ông Đức Hà, Chủ tịch Hội Da giày xã Phú Yên cho biết, làng có 6.000 khẩu, 98% số đó sống bằng nghề giày da.
Từ lâu, giày da Giẽ Thượng đã trở thành một thương hiệu được biết đến trên toàn quốc. Giày da Giẽ Thượng có lợi thế cạnh tranh khi so sánh với giày nhập khẩu.
Không chỉ có chất lượng tương đương mà giá thành chỉ khoảng 400 nghìn đồng/đôi, trong khi giày nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bán trên 1 triệu đồng.
Nhờ lợi thế đó, ba chục năm nay nghề đóng giày da tại đây ngày càng phát triển. Gia đình nào có đủ nguồn lực kinh tế thì mở doanh nghiệp, thuê người làm.
Có gia đình tự làm, tự tiêu thụ. Còn gia đình nào không có nghề thì làm thuê, làm gia công.
Giữ chất lượng để giữ uy tín
Thế nhưng, điều chưa từng xảy ra là từ đầu năm tới nay, làng vắng khách lạ thường, người làm nghề ở Ghẽ Thượng đâm lo.
“Chẳng hiểu vì sao vắng khách, chắc tại kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm mua sắm”, ông Diên cho hay.
Anh Nguyễn Hùng, chủ cơ sở sản xuất giày da Hùng Hoa cho hay, đầu hè, cao điểm có ngày giao cho khách 200 đôi, nhưng nay giảm chỉ còn khoảng 100 đôi.
Sức mua kém khiến cơ sở phải giảm công ăn việc làm cả dây chuyền sản xuất khoảng 15 người.
“Chưa biết làm sao, trước mắt chúng tôi phải tăng số lượng mẫu để bù hao hụt về số lượng. Như thời gian trước, tôi chỉ ra khoảng 5 mẫu, năm nay xác định ra 10 mẫu. Hiệu quả chưa thấy đâu nhưng trước mắt, mất khoảng 50 triệu đầu tư thiết bị như dao, khuôn…”, anh Hùng chia sẻ.
Theo ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, nghề đóng giày da mang lại thu nhập bình quân cho người dân xã Phú Yên khoảng 70-80 triệu đồng/người/năm (6-7 triệu đồng/người/tháng), cao hơn thu nhập bình quân của người dân trong huyện (57 triệu đồng/người/năm) khoảng gần 15-30 triệu đồng/người/năm.
Về định hướng thúc đẩy phát triển nghề giày da, ông Xuân cho biết, huyện Phú Xuyên đã quy hoạch riêng một cụm phát triển giày da khoảng 10ha để giới thiệu sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
Huyện cũng mong muốn xây dựng một sàn giao dịch điện tử nhằm quảng bá, giao thương sản phẩm thủ công của 43 làng nghề, trong đó có giày da Giẽ Thượng đến mọi miền đất nước và nước ngoài. Nhưng dự án hiện đang khó thực hiện bởi thiếu kinh phí.
Còn ông Đức Hà, Chủ tịch Hội Da giày xã Phú Yên cho hay, sản lượng bán ra bình quân mỗi năm khoảng 6 triệu đôi, nhưng năm nay giảm khoảng 60%.
Ông Hà cho rằng, nguyên nhân do tác động của thị trường, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.
Nhưng về chủ quan, trong làng cũng có những gia đình sản xuất sản phẩm giả da để hạ giá thành, cạnh tranh, làm giảm uy tín của Giẽ Thượng.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất trong làng còn phụ thuộc vào khách mua buôn tại nhà, chưa chủ động được trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng.
“Trước mắt, cần có một trung tâm giới thiệu sản phẩm giày da. Trung tâm này có sự vào cuộc, vận hành bởi chính quyền địa phương. Những sản phẩm được bán tại trung tâm phải trải qua những khâu kiểm soát nghiêm ngặt, từng bước lấy lại uy tín cho sản phẩm của làng.
Trung tâm cũng sẽ là điểm tham quan, mua sắm uy tín, thay vì việc buôn bán còn nhộm nhoạm, chất lượng sản phẩm cạnh tranh chưa đảm bảo như hiện nay”, ông Hà nói và cho biết, trên địa bàn đang hình thành một trung tâm như thế. Dự án đang giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông.
Đáng nói, với kiot chưa cho thuê, nhưng qua các sàn thương mại bất động sản, chủ đầu tư dự án đang chào thuê với giá 16 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với các khu thương mại xung quanh đang cho thuê chỉ khoảng 8 triệu đồng/m2.
Do đó, ông Hà đề nghị huyện Phú Xuyên và TP Hà Nội lưu tâm, ưu tiên cho những người dân, hộ sản xuất đã tự nguyện giao đất làm trung tâm để họ được thuê với chính sách ưu đãi, giá phù hợp.
Qua đó mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển sản phẩm, kinh tế của làng.
Năm 2007, một chiếc giày khổng lồ của xã Phú Yên đã được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Chiếc giày có chiều dài 2,72m, cao 103cm và bề ngang 1,3m. Tổng cân nặng của chiếc giày là 60kg, đế được làm bằng một loại gỗ đặc biệt nhẹ và bền.
Để làm được chiếc giày này, những người thợ giỏi nhất Phú Yên đã thống nhất đề cử nghệ nhân Lê Văn Thịnh làm thợ cả cùng nhiều người thợ giỏi nhất Phú Yên tham gia hỗ trợ.
Nghệ nhân Lê Văn Thịnh chia sẻ: “Để làm một chiếc giày với kích thước khổng lồ như vậy rất khó khăn. Từ việc sử dụng cả khối da bò liền mảnh, rồi thiết kế phần mũi sao cho mềm mại; giày to thì thường bị thô, nên chúng tôi thiết kế tỉ mỉ các chi tiết phải thật tinh tế. Kể cả những đường chỉ lớn cũng được khâu cẩn thận, đúng cự ly”.